29/11/2020 07:20
Các cá nhân, tập thể được biểu dương, khen thưởng các danh hiệu học tập tiêu biểu giai đoạn 2016-2020.
Ông Thạch Sone, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học (KH) tỉnh Trà Vinh cho biết: trước khi triển khai đại trà các mô hình học tập, năm 2014, Hội KH tỉnh ban hành Kế hoạch số 141/KH-BCH, ngày 22/10/2014 triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và các danh hiệu học tập. Hội chọn 03 ấp gồm: ấp Chà Và, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang; ấp Cầu Đúc, xã Nhị Long, huyện Càng Long; ấp Rùm Sóc, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè làm điểm chỉ đạo. Đồng thời, Hội KH các huyện, thị xã, thành phố chọn 01 ấp, khóm làm điểm chỉ đạo. Riêng huyện Trà Cú chọn 02 ấp Giồng Lớn A, xã Đại An và ấp Thốt Nốt, xã Tân Sơn làm điểm chỉ đạo; đối với huyện Cầu Ngang, ngoài ấp điểm, Hội KH huyện giao cho mỗi xã, thị trấn chọn 01 ấp, khóm làm điểm chỉ đạo.
Sau 02 năm triển khai thực hiện thí điểm, cuối năm 2015 có 4.094/4.576 gia đình đủ điều kiện công nhận “Gia đình học tập” đạt 89,46% so với số đăng ký, 16/19 dòng họ đủ điều kiện công nhận “Dòng họ học tập” đạt 84,21% so với dòng họ đăng ký và 11/12 ấp, khóm điểm đủ điều kiện công nhận “Cộng đồng học tập” đạt 91,66%.
Từ những kết quả đạt được sau 02 năm triển khai thực hiện thí điểm các mô hình học tập, ngày 23/12/2015 Hội KH tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm đến đầu năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội KH tỉnh ban hành Kế hoạch số 29/KH-SGDĐT-HKH về triển khai đại trà mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và các danh hiệu học tập thuộc cơ sở quản lý. Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội KH các cấp tổ chức triển khai, tập huấn cho cán bộ chủ chốt của các ban ngành, đoàn thể, lãnh đạo Hội KH huyện, thị xã, thành phố và Hội cơ sở nắm chắc được các nội dung Quyết định số 281/QĐ-TTg, Quyết định số 448/QĐ-KHVN, Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT, trọng tâm là Kế hoạch số 29/KH-SGDĐT-HKH đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Công văn số 1476/CV-VX, ngày 10/5/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai đại trà các mô hình học tập và đánh giá, xếp loại, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Qua 05 năm triển khai thực hiện đại trà các mô hình học tập, có nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị tiêu biểu như: gia đình ông Nguyễn Văn Hai, ngụ ấp Đức Hiệp, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long; gia đình ông Kiên Văn Hiếu, ấp Kinh Đào, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải; gia đình bà Kiên Thị Bi, ấp Qui Nông B, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành; Dòng họ Hà ở Khóm 2, Phường 1, thị xã Duyên Hải; dòng họ Lâm, ở Khóm 5, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè; cộng đồng học tập Khóm 4, Phường 7, thành phố Trà Vinh; cộng đồng học tập ấp Hòa Lục, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang; đơn vị Trường Tiểu học Lương Hòa C, huyện Châu Thành; Trường THCS Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần; các cơ sở tôn giáo như: Chùa PhNô Đôn ở xã Đại An, huyện Trà Cú; chùa Phước Tường ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè… Qua học tập và áp dụng vào thực tế, nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Hoàng Nam, hội viên KH xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải) đã phát minh sáng chế đề tài “Robot Bàn tay sạch” được trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” của Trung ương Hội KH Việt Nam. Từ đó có thể khẳng định xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời đã tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần phát triển kinh tế- xã hội. |
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 223.969 gia đình đăng ký xây dựng gia đình học tập, đạt 84,54% số hộ. Hội KH cơ sở xét đủ điều kiện công nhận 207.436 “Gia đình học tập”, đạt 78,30% số hộ; 249 dòng họ đăng ký xây dựng “Dòng họ học tập”, công nhận 231 “Dòng họ học tập”, đạt 92,77% số dòng họ đăng ký. Đồng thời, công nhận 398 trường học, 234 cơ quan, đơn vị; 741 ấp, khóm; 142 cơ sở tôn giáo; 7.071 tổ đạt các danh hiệu học tập và 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành 15 tiêu chí về xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã. Trong năm 2020, có 226.971 gia đình, 254 dòng họ, 274 cơ quan, 397 trường học, 194 cơ sở tôn giáo, 743 ấp - khóm, 8.760 tổ đăng ký xây dựng các danh hiệu học tập và 68 xã, 11 phường, 07 thị trấn đăng ký xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phong trào xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời đã tác động tích cực đến việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị được tham gia học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, các trung tâm học tập cộng đồng mở các lớp hội thảo, tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn theo nhu cầu học tập của người dân. Từ đó, nâng cao hiểu biết của người dân trong việc sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc tham gia xây dựng các phong trào ở địa phương. Đặc biệt là phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, XDNTM, đô thị văn minh.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.