08/11/2024 16:42
Giờ học giáo dục địa phương tại lớp 4/4, Trường Tiểu học Hòa Thuận A.
Huyện Châu Thành hiện có 14 trường mầm non, mẫu giáo, 14 trường tiểu học, 01 trường cấp 1 - 2, 10 trường THCS, 01 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS, 03 Trường cấp 2 - 3, 01 Trường THPT, 01 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục địa phương tích hợp vào các môn học đúng quy định.
Theo cô Trương Thị Mỹ Xuyên, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành: phòng chỉ đạo các đơn vị trường tiểu học, THCS trực thuộc thực hiện đảm bảo nội dung tích hợp giáo dục địa phương vào trong các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định. Trong triển khai Chương trình giáo dục địa phương có những thuận lợi khi hàng năm, Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn nội dung giáo dục địa phương đến giáo viên nòng cốt. Sau đó những giáo viên nòng cốt sẽ tập huấn lại cho giáo viên tại trường, đảm bảo 100% giáo viên được phân công giảng dạy giáo dục địa phương ở các khối lớp được tham gia tập huấn nội dung tích hợp. Cấu trúc nội dung giáo dục địa phương được thiết kế theo chủ đề và có tính liên thông giữa các chủ đề ở các khối lớp tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên khi tham gia nghiên cứu, học tập. Đặc biệt, nội dung giáo dục địa phương có nhiều điểm gần gũi, gắn liền với thực tế địa phương, có nhiều điểm thú vị nên học sinh yêu thích, hứng thú khi tham gia học tập.
Tại Trường Tiểu học Hòa Thuận A, qua 04 năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục địa phương, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng được tìm hiểu, trải nghiệm sâu hơn về những nét đặc sắc về văn hóa, ẩm thực, điều kiện kinh tế, địa lý của tỉnh.
Cô Bùi Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Thuận A cho biết: trường triển khai cho tất cả giáo viên về các nội dung giảng dạy chương trình giáo dục địa phương và thực hiện tập huấn cho tất cả giáo viên. Trong triển khai thực hiện dạy Chương trình giáo dục địa phương theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, trường lồng ghép vào các môn học (tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý…). Ngoài ra lồng ghép vào hoạt động trải nghiệm như: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ghép tùy theo chủ đề chủ điểm từng tháng.
Việc dạy Chương trình giáo dục địa phương có thuận lợi là linh hoạt theo các chủ đề phù hợp với từng môn học chứ không cố định cụ thể thời gian theo từng chủ đề trong sách giáo dục địa phương. Về tài liệu giảng dạy, ngoài sách giáo khoa còn có các bài giảng của thầy cô biên soạn sách gởi về để giáo viên các trường tham khảo. Khi đó, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin, máy chiếu, ti-vi trên lớp tải chương trình về dạy, tạo hứng thú trong học tập, giúp học sinh tiếp thu bài tốt.
Thầy Đỗ Minh Khoa, giáo viên dạy lớp 4/4, chia sẻ: chương trình giáo dục địa phương giúp học sinh tiếp cận những điểm di tích văn hóa, phong tục, tập quán… của tỉnh, trong đó có những nét đặc sắc mà các em rất thích. Là giáo viên, ngoài truyền đạt kiến thức, tôi khuyến khích học sinh đi tham quan các điểm di tích của tỉnh, giáo dục học sinh về truyền thống quê hương.
Học sinh Bành Ngọc Bảo An bày tỏ: em được thầy cô dạy về Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, về ao Bà Om và những món ăn em từng thưởng thức như bún nước lèo, dừa sáp, bánh tét… và được cha mẹ cho đi tham quan những địa danh được học, em rất thích.
Cô Bùi Thị Hoa cho biết thêm: khi giảng dạy Chương trình giáo dục địa phương, nếu trường có điều kiện tổ chức được cho học sinh tham quan thực tế sẽ rất hay. Từ Hòa Thuận đi Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh hay ao Bà Om cũng gần nên học sinh được gia đình đưa đi, hiểu hơn về bài học nhưng những điểm xa hơn thì các em chưa đến. Đầu năm học 2024 - 2025, Trường tổ chức cho học sinh đi tham quan Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (chị Út Tịch) ở Cầu Kè, tuy không nhiều học sinh tham gia nhưng tạo hiệu ứng tốt, giúp học sinh vừa học vừa được trải nghiệm. Nếu có điều kiện đi tham quan các làng nghề sẽ hay hơn, trường, dự định trao đổi với phụ huynh tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm một số địa điểm trong tỉnh gắn với Chương trình giáo dục địa phương.
Nội dung Chương trình giáo dục địa phương có tác động tích cực trong việc giáo dục học sinh và đang được đề cao. Nhằm phát huy hiệu quả Chương trình giáo dục địa phương, tùy tình hình thực tế, các trường cần sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh được đi tham quan thực tế, bồi dưỡng tình yêu quê hương, sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa… của học sinh
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Đồ chơi, trò chơi là yếu tố quan trọng đối với giáo dục mầm non. Trẻ học hỏi mọi thứ trong những năm đầu đời qua hoạt động vui chơi và đồ chơi chính là công cụ học tập hữu ích nhất. Đồng thời, qua thao tác các hoạt động từ đồ dùng, đồ chơi giúp trẻ tiếp thu bài học một cách sinh động, nhiệt tình hơn.