26/12/2020 14:32
Ông Nguyễn Văn Hai. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Hai, ngụ ấp Đức Hiệp, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long là một trong những GĐHT tiêu biểu nhiều năm liền và là gia đình đại diện trên 200.000 GĐHT tiêu biểu của tỉnh tham gia Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc. Theo ông Hai, gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi của mỗi con người từ khi sinh ra. Mỗi gia đình muốn có cuộc sống ấm no thì phải có kiến thức, vì kiến thức là tài sản vô giá, muốn có sự nghiệp thì phải nỗ lực học tập, muốn hiểu biết về xã hội để hòa nhập với cộng đồng thì phải cập nhật thông tin hàng ngày.
Từ khi Quyết định số 281 được triển khai, nhận thức được ý nghĩa của các mô hình học tập, gia đình ông Hai đã đăng ký và thực hiện các tiêu chí. Từ năm 2016 đến nay, hàng năm gia đình ông Hai luôn được công nhận GĐHT. Theo ông Hai, gia đình giáo dưỡng con cháu tốt sẽ góp phần cùng với nhà trường giáo dục học sinh tốt. Chính vì vậy, gia đình ông luôn khắc phục khó khăn, tạo điều kiện để cho các con được đến trường và học tập tốt. Bên cạnh đó, vợ chồng ông còn khuyên dạy các con siêng năng học tập, rèn luyện, tu dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, chăm ngoan lễ phép; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường nắm bắt tình hình học tập của các con. Hàng ngày, dù bận rộn với việc mưu sinh, nhưng ông luôn dành thời gian để kiểm tra việc học của các con. Để khuyến khích, động viên tinh thần học tập của con cháu, ngoài quan tâm, tạo điều kiện như trang bị dụng cụ học tập, gia đình ông còn dành những phần quà để khen thưởng khi các con đạt thành tích tốt. Với cách làm này, cả 04 người con của ông Hai không những học hành đến nơi đến chốn mà còn tìm được việc làm ổn định.
Để xây dựng GĐHT, ngoài việc chăm lo cho các con được đến trường, năm nay dù đã ngoài 50 tuổi nhưng vợ chồng ông Hai không ngừng học tập từ sách báo, ti vi, kết nối mạng internet để dễ dàng tra cứu thông tin, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế của những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để ứng dụng vào việc sản xuất của gia đình. Bản thân ông Hai là một học viên tích cực tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm học tập cộng đồng ở địa phương tổ chức.
Ông Trần Ngọc Quang. |
Chi hội Khuyến học Khóm 4, Phường 7, thành phố Trà Vinh là một trong những “Cộng đồng học tập” tiêu biểu nhiều năm liền của thành phố Trà Vinh. Ông Trần Ngọc Quang, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học Khóm 4 cho biết: Chi hội có 242 hội viên, có 157/160 gia đình được công nhận “gia đình học tập”. Trong 05 năm qua, Chi hội đã tổ chức 42 cuộc tuyên truyền về các văn bản liên quan công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, có trên 4.600 lượt người dự. Làm thế nào để đảm bảo học sinh trong khóm đều được đến trường và không phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, vướng vào các tệ nạn xã hội là trăn trở của người làm công tác khuyến học. Từ năm 2016-2020, cộng đồng học tập Khóm 4 đã vận động 3.000 quyển tập, 500 cây viết, trên 1,2 tấn gạo trị giá trên 40,7 triệu đồng hỗ trợ học bổng, quà cho 30 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong khóm. Thực hiện phong trào tiết kiệm “nuôi heo đất khuyến học”, chi hội đã vận động trên 195 lượt gia đình nuôi heo đất, tiết kiệm trên 45 triệu đồng. Ngoài công tác hỗ trợ, động viên học sinh đến trường, chi hội còn tích cực vận động những người lớn trong khóm tham gia học tập với nhiều hình thức: sinh hoạt tại Trung tâm học tập cộng đồng, thường xuyên xem báo, xem ti-vi… để nâng cao trình độ hiểu biết về thời sự, pháp luật, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình. Hiện tại, cộng đồng học tập Khóm 4 có 12 người đăng ký theo học các lớp đại học tại chức và sau đại học; nhân dân trong khóm tích cực tham gia và hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc sống mới ở khu dân cư, góp phần đưa Khóm 4 đạt danh hiệu khóm văn hóa - đô thị văn minh hàng năm.
Phong trào học tập suốt đời đã tác động tích cực đối với mọi người, việc học đã trở thành nhu cầu tất yếu, việc người dân tham gia các lớp học ở Trung tâm học tập cộng đồng, tự học qua mạng, học trên ti-vi, sách, báo, học ở bạn bè… nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất mới vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc, cải thiện cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.