10/04/2021 11:26
Cử nhân Lý Ngọc Thành
Sinh ra và lớn lên tại xã Đại Phúc, huyện Càng Long, cuộc sống gia đình thuộc diện khá, lại là con một, nhưng Lý Ngọc Thành chọn việc học nghề cho cuộc sống của mình sau này.
Trao đổi với chúng tôi, tân cử nhân lớp Cao đẳng ngành Điện công nghiệp Lý Ngọc Thành cho biết, trải qua 12 năm học phổ thông em luôn đạt học lực từ khá đến giỏi, kết hợp hoàn cảnh kinh tế gia đình ổn định, nên hoàn toàn có thể bước vào giảng đường đai học với các ngành khác nhau. Tuy nhiên, xét thấy việc học nghề có nhiều thuận lợi hơn nên Ngọc Thành lựa chọn học tập tại Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh. Phân tích thêm về việc học nghề, chàng trai sinh năm 2000 này cho biết, cha mẹ em vốn lớn tuổi, sống nhờ vào nghề làm vườn với thế mạnh từ cây dừa. Khi chọn Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh, trước nhất là gần nhà và mỗi ngày đi học về có điều kiện chăm sóc cha mẹ và phụ giúp việc nhà.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại khá toàn khóa, Ngọc Thành cho biết hướng tới sẽ xin vào làm việc tại 01 công ty thuộc Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh. Khi có điều kiện, Ngọc Thành sẽ về gần nhà mở một cơ sở để phát huy thế mạnh theo ngành nghề mình đã học.
Cử nhân Kim Thị Chanh Thi
Sinh năm 1999 tại một vùng quê thuộc xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần. Từ nhỏ Chanh Thi và người em trai (đang học lớp 10) ngoài giờ học thường phụ giúp cha mẹ bên những ruộng lúa. Chứng kiến cha mẹ cả đời vất vả, nên Chanh Thi quyết tâm “đổi đời” bằng việc chọn cho mình cái nghề để theo học. Sau thời gian tìm hiểu, thì ngành thú y là thích hợp nhất, nên Chanh Thi quyết định chọn. Qua 03 năm học tập tại Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh, Chanh Thi tốt nghiệp đạt loại giỏi.
Chanh Thi cho biết, trong thời gian học tại trường em có chuyến thực tập tại một doanh nghiệp thuộc tỉnh Long An. Đây cũng là địa chỉ Chanh Thi muốn gắn bó sau khi ra trường và công việc của em sẽ là kỹ thuật viên cho 01 trang trại chăn nuôi gia cầm. Nếu xin làm việc được tại doanh nghiệp này, em sẽ phấn đấu hết khả năng của mình, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế để sau này có thể mở một cửa hàng bán thức ăn và chăm sóc vật nuôi ngay tại quê nhà. Theo Chanh Thi, hiện nay trên địa bàn xã Hùng Hòa cũng có cửa hàng cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm, nhưng quy mô chưa lớn lắm. Chính vì vậy, ước mơ của Chanh Thi sẽ sở hữu một cửa hàng với đầy đủ vật tư cung cấp cho người chăn nuôi, đồng thời là một “bác sĩ thú y” nhiệt huyết vừa khởi nghiệp cho riêng mình, vừa góp phần cùng người dân địa phương phát triển kinh tế.
Cử nhân Kiên Chường
Nhanh nhẹn, hoạt bát và vui tính là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với Kiên Chường, chàng thanh niên sinh năm 2000, có hộ khẩu tại xã Long Hiệp, huyện Trà Cú.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu chúng tôi mới biết hoàn cảnh gia đình Kiên Chường khá khó khăn. Nhà có 02 anh em, trong đó người em gái của Kiên Chường có vấn đề về não, nên khi nhớ khi quên. Đặc biệt, cha của em đã mất vì đột quỵ khi em mới học đến lớp 9. Hiện tại mẹ của Kiên Chường phải mang cô con gái lên Thành phố Hồ Chí Minh vừa phụ giúp việc nhà cho một người quen, vừa chăm sóc con.
Riêng Kiên Chường sau thời gian phấn đấu vượt qua các bậc học phổ thông, ban đầu em cũng có ý định vào tiếp đại học, nhưng khi tìm hiểu về học phí và các khoản khác, em quyết định đi học nghề. Ngày nhận bằng tốt nghiệp ngành Công nghệ ô-tô, Kiên Chường rất vui, bởi trong suốt quá trình học tại Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh, em đã được thầy cô, bạn bè yêu mến. Đặc biệt, với hoàn cảnh của em Ban Giám hiệu trường không chỉ miễn học phí hoàn toàn mà còn xét trợ cấp cho em hàng tháng gần 1,4 triệu đồng.
Kiên Chường cho biết, trước mắt em sẽ xin việc làm tại một sơ sở sửa chữa ô-tô ở tỉnh Đồng Tháp để kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Khi Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh có lớp liên thông từ cao đẳng lên đại học theo đúng ngành nghề của mình, Kiên Chường sẽ đăng ký học tiếp. Nguyện vọng của Kiên Chường hiện tại là sẽ khởi nghiệp với tiệm sửa chữa ô-tô của riêng mình khi đủ điều kiện; đồng thời em cũng nuôi dưỡng ước mơ trở thành giảng viên của Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh sau khi hoàn thành khóa liên thông lên đại học.
Bài, ảnh: BÁ THI
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.