26/02/2024 11:19
Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh thuyết trình trong cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp” cấp trường năm 2023.
Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh, viên khởi nghiệp đến năm 2025”, trong năm 2023 Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp thuộc Trường Đại học Trà Vinh đã thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trung tâm đã truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp cho hơn 330.000 lượt bạn trẻ. Trong đó, có trên 155.000 lượt sinh viên khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trên 48.000 lượt sinh viên Trường Đại học Trà Vinh. Qua đó, giúp sinh viên có một định hình tốt hơn về khởi nghiệp, vẽ ra một hướng lựa chọn khác cho tương lai của mình sau khi ra trường là nên khởi nghề hay khởi nghiệp…
Phát huy những kết quả đạt được đó, với khẩu hiệu hành động: “Tinh thần làm chủ, hỗ trợ toàn diện, đổi mới sáng tạo, kết nối, hiệu quả”, trong năm 2024 Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp đề ra 05 chỉ tiêu trọng tâm để tập trung thực hiện gồm: (1) Truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp cho ít nhất 300.000 học sinh, sinh viên; (2) Đào tạo kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho ít nhất 60 cán bộ, giảng viên giảng dạy môn học khởi nghiệp và ít nhất 2.000 sinh viên; (3) Xuất bản ít nhất 01 quyển sách chuyên khảo phục vụ cho công tác đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (4) Tổ chức ít nhất 05 hoạt động, sự kiện kết nối với tổ chức, chuyên gia trong, ngoài nước, cựu sinh viên thành đạt để tạo điều kiện, cơ hội giúp các dự án khởi nghiệp được tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu, các cố vấn, các tổ chức hỗ trợ có liên quan để tìm kiếm các giải pháp, kết nối cần thiết cho các dự án khởi nghiệp; (5) Tìm kiếm và tham mưu Ban giám hiệu Trường Đại học Trà Vinh ký kết thỏa thuận hợp tác với ít nhất 10 đơn vị, tổ chức ươm tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên có thể khởi nghiệp sau khi ra trường.
Để triển khai thực hiện đạt 05 mục tiêu trên, Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp cho biết: về các hoạt động lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, Trung tâm sẽ xây dựng Website và phát triển có hiệu quả Fanpage, tài khoản Zalo chính thức của Trung tâm, nhằm tiếp cận được sinh viên, giảng viên và đối tác có liên quan theo một cách tốt nhất.
Trên các nền tảng mạng xã hội, xây dựng kênh Youtube, kênh Tiktok chia sẻ các đoạn phim ngắn về các hoạt động, sự kiện, công tác ươm tạo tại Trung tâm; chia sẻ các mô hình khởi nghiệp thành công hay thất bại của chính doanh nhân khởi nghiệp cũng như kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, các hội nghị, diễn đàn, các cuộc giao lưu để giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có sản phẩm khả thi, dịch vụ tiềm năng với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh, tổ chức biên soạn các tài liệu, ấn phẩm, trong đó chú trọng các ấn phẩm truyền thông trực tuyến nhằm giới thiệu về các hoạt động của Trung tâm và các thông tin, chính sách khởi nghiệp đến sinh viên, giảng viên và đối tác có liên quan…
Về các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, Trung tâm sẽ đào tạo cán bộ nguồn giảng dạy môn học khởi nghiệp. Trong đó, cung cấp cho giáo viên, giảng viên thuộc Trường Đại học Trà Vinh những kiến thức cơ bản về phát đồ mô hình kinh doanh cũng như quản trị dự án khởi nghiệp như thế nào, góp phần đào tạo, cố vấn cho ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên trường. Đối với môn học khởi nghiệp, Trung tâm đẩy mạnh truyền thông, thu hút sinh viên đăng ký học môn học khởi nghiệp trong học phần kỹ năng mềm… Cùng với đó là việc đào tạo các kỹ năng bổ trợ quá trình khởi nghiệp cho sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp khả thi để giúp các em vững bước trên con đường khởi nghiệp và kêu gọi vốn đầu tư.
Đối với môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An cho biết sẽ tổ chức các hoạt động, sự kiện kết nối để tạo điều kiện, cơ hội giúp các dự án khởi nghiệp được tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu, các cố vấn, các tổ chức hỗ trợ có liên quan nhằm tìm kiếm các giải pháp, kết nối cần thiết cho các dự án khởi nghiệp. Bên cạnh, đẩy mạnh việc tìm kiếm, kết nối và ký kết bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, các tổ chức nhà nước, các nhà tài trợ, dự án nước ngoài, nhà đầu tư, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp… để hình thành nên hệ sinh thái hỗ trợ đối tượng ươm tạo khởi nghiệp trong điều kiện thuận lợi nhất.
Mặt khác, trong hoạt động khởi nghiệp, Trung tâm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hợp tác xã sinh viên của trường và các câu lạc bộ: Khởi nghiệp, Kinh doanh Online, Môi trường… phát triển hiệu quả, để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên toàn trường. Đồng thời, đây cũng là việc làm nhằm phát huy vai trò là nhân sự vệ tinh của Trung tâm trong việc thiết kế các ấn phẩm truyền thông, hậu cần…
Song song đó, Trung tâm phấn đấu tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước tương đồng với Trường Đại học Trà Vinh để rút ra bài học và xây dựng định hướng phát triển Trung tâm phù hợp hơn trong tương lai.
Tuy gặp nhiều thuận lợi, nhưng để hoạt động của Trung tâm được tốt hơn trong thời gian tới, Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An đề nghị cần điều chuyển hoặc tuyển mới 01 nhân sự cho Đoàn Thanh niên của trường phụ trách công tác khởi nghiệp. Bên cạnh, cần bố trí thêm cho Trung tâm 01 phòng chuyên đào tạo về khởi nghiệp theo phương pháp trải nghiệm.
Bài, ảnh: BÁ THI
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.