13/10/2022 13:50
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu.
Tham dự lễ khai mạc sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam); đại diện Ban Thư ký ASEAN; Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) và Giám đốc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).
Hành động mạnh mẽ để thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nếu tính luân phiên tổ chức trong ASEAN thì 20 năm nữa Việt Nam mới lại có vinh dự này. Sự kiện còn đặc biệt hơn khi được tổ chức trực tiếp sau 2 năm cả thế giới, trong đó có ngành giáo dục phải chống chọi với đại dịch Covid-19, việc học tập ở khắp nơi trên thế giới đều bị gián đoạn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ: khu vực ASEAN hiện có quy mô kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới và đang được kỳ vọng vươn lên vị trí thứ 4 vào năm 2050. Cộng đồng ASEAN với tổng dân số đạt gần 680 triệu người, có lợi thế về lực lượng lao động lớn, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, nhóm dân số trẻ chiếm 1/3 dân số cả ASEAN và đây là lực lượng trẻ đông đảo nhất từ trước đến nay, hứa hẹn sẽ đóng góp quan trọng vào mối quan hệ hợp tác, phát triển và sự thịnh vượng chung của cả khu vực.
Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, pháp luật Việt Nam quy định phải dành ít nhất 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục. Có thể nói, với tất cả các nước, giáo dục chính là chìa khóa của thành công, có vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước, mà trực tiếp nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động, nguồn lực cạnh tranh của cả quốc gia và khu vực.
Giáo dục cũng được xác định là ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN; là một trong ba mục tiêu được ghi trong Hiến chương ASEAN. Trong điều kiện thế giới đang thay đổi nhanh chóng, chúng ta đã xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển bởi xét đến cùng thì tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội hay gì đi chăng nữa cũng là để phát triển con người, vì con người, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn của từng người và của mọi người.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: 02 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có thể nói, đại dịch đã gây ra một cuộc khủng hoảng học tập trên toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các trẻ em, nhất là ở những nước đang phát triển.
Ở các nước ASEAN, trong thời gian hai năm qua, hoạt động học tập của ít nhất 180 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa, có đến 35 triệu học sinh đã không được đến trường trong gần hai năm học vừa qua. Việc các trường học phải đóng cửa trung bình 136 ngày trong 18 tháng qua, tính đến tháng 5/2022, đã tác động rất tiêu cực đến thể chất, tinh thần và hoạt động học tập của học sinh. Những ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động học tập của học sinh ngày càng rõ rệt. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không cùng nhau hành động, hành động mạnh mẽ hơn và hành động ngay từ lúc này.
Thông qua hội nghị này và cùng với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam được vinh dự làm Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 - 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ tin tưởng, những người đứng đầu ngành giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả, trước mắt để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập. Sau đó, về trung và dài hạn, từng quốc gia trong cộng đồng ASEAN sẵn sàng ứng phó với những thách thức tương lai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể làm gián đoạn học tập bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Bộ GD - ĐT Việt Nam chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện các hành động được thống nhất tại Hội nghị này phù hợp với tinh thần của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN đến năm 2025, góp phần để Việt Nam và ASEAN hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.
Nỗ lực chung nhằm tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục
Bày tỏ sự vinh dự khi Bộ GD - ĐT Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 - 2023 trong bối cảnh mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Với tinh thần “giáo dục cần dựa trên những nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết”, Bộ GD - ĐTViệt Nam lựa chọn chủ đề của nhiệm kỳ này là "Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.
Để phù hợp với chương trình hành động của ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, cũng như hướng tới tăng cường thúc đẩy khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục trong bối cảnh mới, Bộ GD - ĐT đã đưa ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch kênh giáo dục 2022 - 2023.
Đó là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Những ưu tiên này phù hợp với 05 nội dung mà Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đưa ra để kêu gọi các nước cam kết cho giáo dục và 5 chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh giáo dục được tổ chức tại New York vừa qua.
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Việt Nam chia sẻ: Một năm vừa qua, những ưu tiên này đã được chúng ta hiện thực hóa bởi rất nhiều hoạt động theo đúng tinh thần “nỗ lực chung”, trong đó có những hoạt động chính như: Hội nghị giáo dục với chủ đề “Hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục”; Tài liệu phục hồi và thích ứng trong giáo dục: Hướng dẫn cho các quốc gia ASEAN do Campuchia chủ trì xây dựng; Tuyên bố ASEAN về chuyển đổi số trong giáo dục do Philippines chủ trì xây dựng; Lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025 được công bố tại Hà Nội.
Với mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Việt Nam cam kết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới”.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi về tình hình GD - ĐT của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp hợp tác, hướng tới phát triển giáo dục bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19. Hội nghị cũng cập nhật tình hình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025 và thảo luận các vấn đề khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đại biểu chụp ảnh chung.
Hội nghị thống nhất về sự cần thiết của việc mở cửa trường học trở lại an toàn và duy trì việc mở cửa các trường học, khắc phục tình trạng hao hụt kiến thức và gia tăng khả năng thích ứng cho hệ thống giáo dục trong ASEAN và các quốc gia thành viên trước đại dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp trong tương lai. Nhu cầu chuyển đổi số các hệ thống giáo dục trong ASEAN cùng sự cần thiết của việc đảm bảo sức khỏe tinh thần và phúc lợi cho các bên liên quan trong nền giáo dục toàn ASEAN cũng được nhấn mạnh tại Hội nghị.
Sau Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, trong ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 (với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á ASEAN-EAS (gồm các nước ASEAN+3 và các đối tác Mỹ, Australia, New Zealand, Nga, Ấn Độ) lần thứ 6.
Trước đó, từ ngày 11 - 12/10, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc chủ trì các Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN, gồm Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN lần thứ 17; Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 12 và Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN-EAS lần thứ 7.
Theo Báo Tin tức
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.