15/12/2020 07:00
Em Kim Bình Lư (bìa trái) đang giới thiệu sản phẩm BioStrachTV đến ĐVTN. Ảnh: KN
BioStrachTV là nhựa phân hủy sinh học từ tinh bột của các cây trồng trên đất giồng cát (ở các xã thuộc huyện Trà Cú, Cầu Ngang) được tạo thành từ khoai mì và polivinylanol. Em Kim Bình Lư cho biết: bao bì ni-lông và các loại nhựa đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội với sự tiện lợi của chúng.
Tuy nhiên, số lượng chất thải từ bao bì ni-lông ra môi trường là rất lớn trong khi thời gian phân hủy của chúng rất dài gây ô nhiễm môi trường sống. Hiện nay nhựa dễ phân hủy chưa phổ biến và có thể nói nhựa dễ phân hủy chưa thể sản xuất để thay thế hoàn toàn cho nhựa truyền thống. Xuất phát từ thực tế địa phương cần một lượng lớn nhựa để làm bao bì cho các sản phẩm như đậu phộng sấy, cốm dẹp, màng bọc bảo quản trái cây, mặt nạ truyền thống của người Khmer… tận dụng nguồn tinh bột phế phẩm (từ nguồn nguyên liệu sẵn có dồi dào là khoai mì, khoai môn ở địa phương), với chất hóa dẻo poli (vinyl ancol) dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên và khi phân hủy không sinh ra các tạp chất độc hại cho môi trường, cùng với phương pháp sản xuất không dùng thêm các hóa chất và các chất phụ gia độc hại. Nhóm nghiên cứu Trường THPT Long Hiệp mong muốn tạo ra nhựa sinh học, phân hủy hoàn toàn thành sản phẩm không độc hại, phương pháp sản xuất đơn giản, chi phí thấp và có hiệu quả kinh tế cao.
Nhóm đã tiến hành khảo sát ứng dụng bảo quản trái cây trên quả cà chua. So sánh các chỉ tiêu chất lượng của cà chua bọc bằng màng tự tạo với cà chua bọc bằng màng lucky của Thái Lan làm từ PVC và cà chua để tự nhiên, không bọc làm mẫu đối chứng. Chọn trái không bị khuyết tật, tương đối đồng đều về kích cỡ, khối lượng trung bình 60g/trái, rửa sạch, lau khô, sau đó tiến hành bọc cà chua bằng các vật liệu trên. Kết quả về mặt cảm quan sau 07 ngày thí nghiệm cà chua bọc bằng màng tự tạo có vỏ ngoài hầu như không nhăn, màu đỏ của quả cà chua vẫn tươi nguyên, ruột bên trong không bị hư.
Theo em Kim Bình Lư, các sản phẩm nhựa dễ phân hủy trên thị trường có nhiều nguồn gốc khác nhau và có giá thành cao. BioStrachTV tận dụng nguồn cây trồng phổ biến ở địa phương kết hợp với mục tiêu chính là sản xuất mặt nạ, mảo truyền thống của đồng bào Khmer (có sự cộng tác với chuyên gia chế tác) để vừa cung cấp cho các chùa Khmer trên địa bàn, vừa bán đồ chơi cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc (kết hợp với truyền thông về chống rác thải nhựa). Mục tiêu thứ hai là cung cấp vật liệu bảo quản trái cây và rau, củ trên địa bàn (chuối, cam, cà chua, nấm rơm)… đây là những hướng đi trên thị trường hiện nay chưa có.
Không chỉ tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, BioStrachTV còn là sản phẩm mà nhóm HS Trường THPT Long Hiệp đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho HS trung học năm học 2019-2020. Có thể nói cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2020 nhằm khuyến khích các HS trong tỉnh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực và phẩm chất của HS, thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục trung học. Đồng thời, khuyến khích hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của HS Trung học cũng như tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của mình và tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Anh Võ Minh Nhựt, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Trà Vinh cho biết: thực hiện cuộc vận động “Mỗi ĐVTN một ý tưởng, sáng kiến sáng tạo”, thời gian tới các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ, ĐVTN, HS, sinh viên đề xuất những ý tưởng, sáng kiến sáng tạo. Đồng thời, tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ để các ý tưởng, sáng kiến trở thành hiện thực.
Sau khi phát động cuộc thi, có 147 ý tưởng và 42 dự án của các thí sinh tham gia và qua 02 vòng chấm thi (vòng loại và vòng bán kết). Ban Tổ chức đã chọn 14 ý tưởng và 14 dự án tiêu biểu nhất tham gia vòng chung kết.
HỒNG NHUNG
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.