02/08/2024 09:41
Chị Thạch Thị Yến Như, Bí thư Xã Đoàn Long Đức (đứng giữa) đến thăm, tìm hiểu Tổ hợp may của anh Lê Tấn Thành (bên phải).
Sinh ra và lớn lên tại ấp Kinh Lớn, xã Long Đức, vì nhiều lý do khác nhau, nên Lê Tấn Thành không tiếp tục con đường học vấn, mà phải dừng bước khi mới bước sang lớp 9. Nghỉ học, Thành được người thân đưa lên Thành phố Hồ Chí Minh học may tại 01 công ty. Biết nghề và gắn bó với công ty một thời gian, đến giữa năm 2022 Thành quyết định về quê nhà mở cơ sở riêng.
Thông tin chàng trai chỉ mới vừa tròn 23 tuổi tự đứng ra mở cơ sở may đã làm nhiều người dân địa phương bất ngờ, trong đó có không ít người hoài nghi đến sự thành công từ ý tưởng của Tấn Thành. Thế nhưng, vượt qua giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”, cơ sở may của Tấn Thành dần cho “trái ngọt”. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, Tấn Thành cho biết: khi mới mở cơ sở, chỉ mình em biết may. Thế là em phải chiêu sinh học viên và tự dạy nghề cho họ. Rất may mắn nghề may cũng dễ truyền, chính vì vậy sau thời gian ngắn truyền dạy đã có 07 - 08 lao động biết may để hỗ trợ em ra mắt Tổ hợp may Tấn Thành… Một năm sau đó, số lượng thợ may do Tấn Thành đào tạo đã tăng lên con số 13 và hiện nay Tổ hợp may Tấn Thành đã có 25 lao động thạo nghề.
Từ đó, Tổ hợp may Tấn Thành chuyên may gia công các loại trang phục thể thao, với quy trình như sau: nguồn đầu vào gồm các mẫu vải thun quần, áo thể thao được cắt sẵn nhận về từ các công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, các công nhân ở Tổ hợp may Tấn Thành tiến hành ráp, vắt sổ và may thành phẩm. Khi hoàn thành, sản phẩm được chuyển trở lại các công ty để xuất bán. Với quy trình như thế, trung bình khoảng 03 ngày Tấn Thành có sản phẩm xuất kho và nhận về những lô vải mới…
Hiện tại bên cạnh việc đạt lợi nhuận từ 20 - 50 triệu đồng/tháng (tùy vào đầu ra ở các công ty), Tổ hợp may Tấn Thành còn giải quyết việc làm cho 25 lao động tại địa phương. Tùy theo tay nghề và năng suất lao động, Thành trả công cho công nhân với mức từ 4,8 - 8,2 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh những thành công bước đầu, Tấn Thành cũng không quên cảm ơn chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn về công tác vệ sinh an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy... Đặc biệt, từ số tiền 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh theo sự bảo lãnh của tổ chức Đoàn thanh niên đã giúp Tấn Thành khởi nghiệp thành công.
Về hướng tới, Tấn Thành cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất với quy mô khoảng 50 lao động. Khi đó, số lượng máy móc, thiết bị sẽ được trang bị thêm cho phù hợp, bởi hiện nay Tổ hợp của Tấn Thành chỉ mới trang bị 13 máy vắt sổ, 09 máy may 01 kim, 01 máy may 12 kim và 02 máy Kansai lai.
Bài, ảnh: BÁ THI
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.