31/07/2023 06:19
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những điểm nổi bật trong hoạt động giáo dục hiện nay.
Lĩnh vực GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 431 cơ sở giáo dục và đào tạo (trong đó Sở GD-ĐT quản lý 426 đơn vị), với tổng số 6.775 lớp, 214.461 học sinh, so với đầu nhiệm kỳ giảm 06 trường, tăng 8.491 học sinh. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, hiện có 8.178 phòng học và phòng chức năng khác, trong đó 7.601 phòng kiên cố (đạt 92,94%), 577 phòng bán kiên cố (7,06%) tăng 439 phòng so với đầu nhiệm kỳ. Trang thiết bị dạy học được tăng cường, từng bước được đầu tư theo hướng đảm bảo cơ bản cho triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Đội ngũ giáo viên được nâng dần về chất lượng, hiện toàn ngành có 14.328 công chức, viên chức, lao động (giảm 218 người so với đầu nhiệm kỳ). Tỷ lệ huy động học sinh đến trường và học sinh tốt nghiệp hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Học sinh giỏi quốc gia tăng dần hàng năm, trong đó, năm học 2020 - 2021 đạt 02 giải, năm học 2021 - 2022 đạt 04 giải, năm 2022 - 2023 đạt 06 giải. Ngoài ra, các cuộc thi lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, công nghệ cũng đạt nhiều giải thưởng, chất lượng thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng được nâng lên.
Các trường trong tỉnh được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. (Trong ảnh: Trường THCS thị trấn Tiểu Cần được xây dựng khang trang, hướng đến đạt chuẩn quốc gia)
Song song đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường đạt chuẩn quốc gia được chú trọng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 54 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ 04 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến nay là 180 trường, đạt 44,66%.
Đồng thời, công tác giáo dục dân tộc được chú trọng ở các mặt như: đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, tăng cường dạy Ngữ văn Khmer ở các trường và ở các điểm chùa Nam tông. Tổng số học sinh dân tộc Khmer đang học ở các trường trong tỉnh đạt hơn 35%. Có trên 120 điểm trường dạy chữ Khmer với hơn 20.000 học sinh theo học.
Đặc biệt, triển khai thực hiện các công việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông được ngành chú trọng thực hiện. Tham mưu trình UBND tỉnh trình và được Bộ GD-ĐT phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương, cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3, cấp THCS từ lớp 6 đến lớp 9 và cấp THPT lớp 10; UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4, cấp THCS từ lớp 6 đến lớp 8 và cấp THPT lớp 10, 11.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: ngành đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực giáo dục, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Qua triển khai thực hiện, đến nay có 33 mô hình đánh giá kết quả thực hiện, phù hợp với thực tế ở chi bộ, cơ quan, đơn vị. Trong đó, có 02 mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn và nhân rộng gồm: mô hình “Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học và quản lý giáo dục, quản lý công đoàn cơ sở, thực hiện chuyển đổi số đối với cấp học mầm non, tiểu học” và mô hình “Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh”.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Trà Vinh) năm học 2022 - 2023.
Song song với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học cũng có nhiều bước tiến đáng kể, Trường Đại học Trà Vinh phát triển không ngừng, đang đào tạo 10 ngành bậc tiến sĩ, 24 ngành bậc thạc sĩ, và trên 52 ngành đại học và 01 ngành trình độ cao đẳng, là trường đại học có số lượng chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế cao so với các trường ở khu vực... Ngoài đào tạo, Trường có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, khẳng định là nơi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, góp phần tăng sản phẩm mới, năng suất, chất lượng lao động, thu nhập cho người dân.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội khác trong tỉnh có nhiều bước tiến, góp phần nâng cao sức khỏe, tinh thần cho người dân, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách dân tộc, tôn giáo… Hoạt động đầu tư, quảng bá, phát triển du lịch, quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Trà Vinh được tập trung đẩy mạnh, góp phần nâng cao mọi mặt đời sống, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong tỉnh.
Những kết quả đạt được khẳng định tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong trong thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết, tạo sức mạnh vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong tỉnh qua nửa nhiệm kỳ đại hội.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Chiều ngày 22/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo sơ kết giai đoạn 2021 - 2024 thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 25/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 1689/QĐ-UBND, ngày 04/9/2019 của UBND tỉnh về tăng cường phát triển giáo dục mầm non.