14/01/2020 07:13
Họp mặt họ Thân ấp Lo Co B, xã An Trường A, huyện Càng Long năm 2017. Ảnh: TL
Theo bà Nguyễn Thị Khá, Chủ tịch Hội KH tỉnh Trà Vinh, cuộc vận động xây dựng các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” được các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người dân tham gia hưởng ứng tích cực đã tạo thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ. Qua học tập, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với hoạt động thực tiễn đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức xã hội về sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác KH, KT, xây dựng xã hội học tập. Từ đó, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác KH, KT thông qua việc hiến đất xây trường, ủng hộ vật chất trang thiết bị cho trường, xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập… Trong 09 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 224.571 gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình học tập” (182.464 gia đình tái đăng ký, 43.016 gia đình đăng ký mới), giảm 909 gia đình, đạt 82,4% so với tổng số hộ gia đình. Hội KH cơ sở xét đủ điều kiện để công nhận 197.284 “Gia đình học tập” (163.599 gia đình được tái công nhận), đạt 87,84% số hộ đăng ký, đạt 72,39% số hộ gia đình; công nhận 199/257 “Dòng họ học tập”, đạt 77,43% số dòng họ đăng ký; đối với các danh hiệu học tập có 420/429 trường học; 195/270 cơ quan, đơn vị; 7.201/7.854 tổ; 606/656 ấp, 116/125 khóm; 125/192 cơ sở tôn giáo được công nhận các danh hiệu học tập.
Dòng họ Thân ở ấp Lo Co C (nay là Lo Co B), xã An Trường A, huyện Càng Long được thành lập vào năm 2014 với 29 hộ thành viên. Ông Thân Văn Hường, trưởng dòng họ Thân cho biết: “Năm 2013, tôi vinh dự được chọn tham gia đại hội thi đua và biểu dương phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội. Được nghe các dòng họ ở các tỉnh miền Bắc báo cáo thành tích học tập tại đại hội tôi suy nghĩ tại sao các gia đình trong dòng họ ở địa phương mình lại không thành lập dòng họ như các họ tộc ở miền Bắc. Và sau chuyến đi đó, tôi đã tổ chức họp các gia đình anh em trong họ Thân ở cùng ấp và quyết định thành lập dòng họ Thân”. Khi thành lập dòng họ Thân có thực hiện bầu chọn ban chấp hành, thư ký, thủ quỹ và điều quan trọng là xây dựng quỹ KH. Theo ông Hường, khi mới thành lập dòng họ Thân chỉ có 06 gia đình thành viên tham gia, đến nay đã tăng lên 61gia đình thành viên (29 gia đình ở ấp Lo Co C, 32 gia đình ở các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Bắc Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…). Nguồn quỹ KH cũng tăng lên hàng năm, năm học 2016-2017 dòng họ vận động được 16 triệu đồng tặng quà, học bổng cho 30 học sinh; năm học 2017-2018 vận động được 17,5 triệu đồng hỗ trợ KH cho 60 học sinh. Từ đầu năm 2019 đến nay, dòng họ Thân ở An Trường A đã vận động được số tiền trên 23 triệu đồng và trên 1.000 quyển tập tặng 72 học sinh từ bậc mẫu giáo đến trung học phổ thông (năm học 2019-2020) để động viên, khuyến khích con cháu trong dòng họ học tập tốt.
Từ khi thành lập đến nay, hàng năm vào dịp nghỉ hè, dòng họ Thân tổ chức họp mặt mỗi năm một lần để báo cáo tình hình hoạt động KH, KT của năm trước và định hướng hoạt động cho năm tiếp theo. Đây cũng là dịp để các gia đình thành viên trong thân tộc gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giáo dục con cháu ý thức học tập, kinh nghiệm trong sản xuất phát triển kinh tế, triển khai các phong trào, hoạt động ở địa phương… Ông Thân Văn Thống, thành viên dòng họ Thân nói: “Nhờ thực hiện mô hình dòng họ học tập, các gia đình thành viên nâng cao nhận thức việc học tập của con cháu, các gia đình luôn có ý thức giúp đỡ hỗ trợ nhau về kinh tế để cùng nhau chăm lo cho con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Không để học sinh trong dòng họ phải bỏ học”. Tính đến nay, dòng họ Thân đã có 09 người tốt nghiệp sau đại học, 57 người đang theo học đại học, 10 cao đẳng, 09 trung cấp chuyên nghiệp. Đặc biệt tất cả các gia đình thành viên đều không thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và luôn tạo mọi điều kiện để con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.
Thực hiện phong trào tiết kiệm “Nuôi heo đất khuyến học” năm 2019 các huyện, thị, thành Hội kết hợp với phòng giáo dục và đào tạo phát động các trường hưởng ứng phong trào tiết kiệm “Nuôi heo đất khuyến học” trong nhà trường theo chỉ tiêu cụ thể: cấp tiểu học 55%, cấp THCS 70%, cấp THPT 80% so với số học sinh của trường. Kết quả, nuôi được 139.301 con heo đất KH (3.348 heo đất tập thể, 135.953 heo đất cá nhân). Qua đó, đã khui 60.202 con, tiết kiệm trên 28 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Khá, Chủ tịch Hội KH tỉnh Trà Vinh cho biết: “Cùng với Quỹ Từ thiện - Trí tuệ tỉnh Trà Vinh, Hội triển khai xây dựng 300 căn “Nhà khuyến học” giai đoạn 2019 - 2023, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, với kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng cho các gia đình hội viên KH, hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn nhưng nỗ lực vượt khó nuôi con ăn học”. Năm 2019, triển khai xây dựng 100 căn với số tiền 05 tỷ đồng do Quỹ Từ thiện - Trí tuệ tài trợ. Tính đến nay, các cấp Hội đã triển khai xây dựng 66 căn “Nhà khuyến học” với số tiền 3,3 tỷ đồng (đã bàn giao 08 căn tại xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải). Chị Thạch Thị Lai cùng chồng là anh Kiên Đen không giấu được xúc động khi được Quỹ Từ thiện - Trí tuệ tỉnh Trà Vinh hỗ trợ căn “Nhà khuyến học” trị giá 50 triệu đồng. Chị Lai chia sẻ: “Gia đình tôi không có ruộng đất, cuộc sống hàng ngày dựa vào việc làm thuê của chồng nhưng không ổn định. Cuộc sống khó khăn, việc lo “miếng cơm, manh áo” cho các con đã khiến chúng tôi chật vật không dám nghĩ tới việc xây nhà. Nay nhờ chính quyền địa phương xét tặng cho căn nhà kiên cố, các con có nơi học tập, tôi rất biết ơn lãnh đạo địa phương, đặc biệt là ông Lâm Hoàng Lộc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Từ thiện - Trí tuệ và xin hứa sẽ cố gắng để cho các con ăn học”.
Nói về phương hướng hoạt động của tổ chức Hội KH các cấp từ nay đến năm 2020, bà Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh: Hội tập trung phát triển hội viên đạt 22,8% so với dân số, 100% tổ KH đăng ký xây dựng tổ học tập, 60 - 80% ấp, khóm được công nhận là ấp, khóm học tập, 100% cơ quan, công ty và doanh nghiệp nhà nước có Ban KH, 75 - 80% hộ gia đình được công nhận “Gia đình học tập”, 100% cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp được công nhận đạt danh hiệu học tập, các trường cao đẳng, đại học phải thành lập Hội KH hoặc Ban KH và 50% người lớn ở ấp, khóm được tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng, điểm học tập cộng đồng và các hình thức học tập khác.
HỒNG NHUNG
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.