30/01/2022 08:49
Học sinh huyện Càng Long nhận học bổng trong năm 2021.
Bà Phương Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Càng Long cho biết: Càng Long có 36.195 hội viên khuyến học, chiếm 23,97% dân số, có 20 Hội cơ sở, 39 Ban Khuyến học cơ quan ngành huyện, 27 Ban Khuyến học cấp xã, thị trấn, 17 Ban Khuyến học ở cơ sở thờ tự. Toàn huyện có 54 Chi hội trường học, 121 Chi hội ấp, khóm và có 1.362 tổ tự quản kiêm tổ khuyến học.
Mô hình “Công dân học tập” gồm các nhóm đặc trưng về mối quan hệ của công dân, gia đình, với công việc, nghề nghiệp, môi trường và cộng đồng xã hội. Năm 2021, Hội Khuyến học huyện chọn ấp Thạnh Hiệp, xã Nhị Long Phú, ấp Lo Co B, xã An Trường A, và Khóm 6, thị trấn Càng Long làm điểm của huyện để triển khai mô hình với 54 hộ, 77 cá nhân thuộc 03 nhóm đối tượng (nông dân và lao động nông thôn; công nhân lao động, tiểu thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng; người có trình độ cao đẳng trở lên, cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên từ cấp xã trở lên) tham gia thí điểm. Qua bình xét, có 72/77 cá nhân được công nhận đạt danh hiệu “Công dân học tập”.
Ngoài ra, Hội còn chỉ đạo mỗi xã, thị trấn chọn 01 ấp, khóm làm điểm để thực hiện mô hình. Qua đó, có 13 ấp và 02 khóm tham gia với tổng số 318 hộ, 320 cá nhân thuộc 03 nhóm đối tượng tham gia (139 nông dân và lao động nông thôn, 58 công nhân lao động, tiểu thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng và 123 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên từ cấp xã trở lên). Tổng số mô hình thí điểm của huyện, xã, thị trấn có 397 cá nhân tham gia. Sau 01 năm thực hiện mô hình, toàn huyện có 394/397 cá nhân được công nhận đạt danh hiệu “Công dân học tập”.
Từ khi phát động phong trào, các cá nhân tham gia mô hình “Công dân học tập” đã cùng với gia đình quan tâm chăm lo việc học cho con em nhiều hơn, thường xuyên động viên nhắc nhỡ con em học tập, bản thân cũng không ngừng nâng cao kiến thức qua việc đọc sách, nghe đài, xem truyền hình, mạng internet, qua các buổi hội họp, sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ… chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể học tập từ những chuyên gia về các lĩnh vực trên cả nước. Ông Nguyễn Văn Chúc, ấp Số 7, xã Mỹ Cẩm là một trong số những nông dân tiên phong trong chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái của xã Mỹ Cẩm. Năm 2010, ông Chúc mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha đất trồng lúa sang mô hình trồng bưởi. Ông Chúc chia sẻ: nhờ tham gia lớp dạy nghề trồng cây có múi của xã nên tôi biết thêm một số kỹ thuật về trồng bưởi, trong đó có cách xử lý khi bưởi bị sâu bệnh… Hiện vườn bưởi của ông Chúc đang phát triển tốt cho thu nhập từ vài chục đến trăm triệu đồng mỗi năm.
Xây dựng xã hội học tập bắt đầu từ phong trào học tập thường xuyên, học suốt đời của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trong đó công dân học tập đóng vai trò nòng cốt. Triển khai mô hình “Công dân học tập” gắn với đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng là việc làm rất cần thiết, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập và đổi mới.
Năm 2022 và những năm tiếp theo, để mô hình “Công dân học tập” được thực hiện đạt kết quả tốt hơn, Ban Chấp hành Hội Khuyến học huyện Càng Long và các xã, thị trấn tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, cùng Nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng mô hình “Công dân học tập”; nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng gắn với đào tạo nghề ngắn hạn cho Nhân dân khi Nhân dân có nhu cầu.
Đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhằm thúc đẩy việc học tập trong mọi cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị. Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, trong đó mô hình “Công dân học tập” sẽ là động lực cho mọi người dân có cơ hội học tập và học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, người lao động có tay nghề, có tri thức sẽ có việc làm ổn định, đó chính là giải pháp thoát nghèo bền vững ở địa phương cũng như góp phần phát triển xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.