02/07/2024 10:54
Anh Ngô Hoàng Thông giới thiệu mô hình với chị Trần Thị Diệu Hiền.
Đây là mô hình khá “độc” vì khi mới nghe, nhiều người đã “nổi óc cụt”, bởi sản phẩm từ mô hình này chính là những con sâu trông rất đáng sợ. Tuy nhiên, đây là mô hình đang phát huy hiệu quả. Bởi sản phẩm sâu rồng (tên khoa học là Supperworm) mà anh Thông đang nuôi là loại thức ăn có độ dinh dưỡng khá cao cho chim cảnh, gà và một số loại cá…
Thanh niên Ngô Hoàng Thông, sinh năm 1998 trong một gia đình có 02 chị em. Cha Hoàng Thông là cựu chiến binh từng tham gia trong đoàn quân tình nguyện sang giúp nước bạn tại chiến trường Campuchia. Với truyền thống đó, anh đã đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 02 năm cống hiến sức trẻ tại Trung đoàn 20, Quân khu 9 đóng quân tại Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (2018 - 2019), anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Xuất ngũ trở về gia đình, anh Thông có gần 03 năm “trải nghiệm” việc làm tại 02 công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh và Khu Công nghiệp Long Đức (thành phố Trà Vinh). Tuy nhiên, qua thực tế “làm công ăn lương”, anh thấy chưa phù hợp với mình, nên quyết định trở về phụ giúp gia đình.
Đến cuối năm 2022, ý tưởng khởi nghiệp ở chàng cựu quân nhân Ngô Hoàng Thông xuất hiện. Từ một niềm đam mê nghiên cứu các loài côn trùng khi còn đi học, Hoàng Thông đã quyết định đầu tư gần 20 triệu đồng trang bị các khay nhựa (sau này chuyển sang khay thiếc) để thực hiện mô hình nuôi sâu. Trong đó, mỗi khay anh Thông thiết kế kích thước rộng khoảng 80 x 40cm, chiều cao khay khoảng 10cm đủ để sâu sinh trưởng dưới 01 lớp mùng dừa dầy chừng 2 - 3cm, đảm bảo sâu không bò được ra ngoài. Với số lượng 80 khay hiện có, anh Thông thiết kế sắp xếp trên 02 kệ sắt trông vừa đẹp, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường trong diện tích mặt bằng chưa tới 20m² bên hiên nhà.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình, anh Thông cho biết, từ niềm đam mê côn trùng, khi triển khai ý tưởng anh tự tìm hiểu thêm trên môi trường mạng. Sau đó, anh quyết định đầu tư cơ sở vật chất, mua sâu giống về nuôi và nhân giống thành công. Trong đó, quy trình từ khi sâu giống đủ độ trưởng thành, đẻ trứng đến sinh trưởng khoảng 03 tháng có thể xuất bán.
Sản phẩm sâu rồng.
Hiện tại, tùy theo môi trường bên ngoài, mỗi tháng anh Thông có từ 80 - 150kg sâu cung cấp cho các cơ sở kinh doanh tại thành phố Trà Vinh và khách hàng địa phương. Do thức ăn của loài sâu này chủ yếu là thức ăn công nghiệp và các loại củ quả tại địa phương chi phí cũng tương đối và dễ tìm. Giá sâu bán ra hiện giao động từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu vào, anh Thông có lợi nhuận khoảng 30%.
Về hướng phát triển, anh Ngô Hoàng Thông cho biết, sẽ nâng diện tích nuôi với mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh. Để hỗ trợ mô hình và có thể nhân rộng, hiện tại Đoàn Thanh niên xã Tập Ngãi đang hướng dẫn anh Thông thực hiện thủ tục vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chị Trần Thị Diệu Hiền, Bí thư Xã Đoàn Tập Ngãi khẳng định, đây là mô hình khá mới ở địa phương. Tuy nhiên, qua tìm hiểu Bí thư Xã Đoàn Tập Ngãi cho biết mô hình này có chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện, gần như chưa phát hiện rủi ro và nhất là thị trường tiêu thụ cũng ổn định…
Bài, ảnh: BÁ THI
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.