05/06/2022 09:30
Năm học 2021 - 2022 sắp kết thúc. Tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng học sinh (HS) trong tỉnh đã khắc phục khó khăn và đạt thành tích cao trong các cuộc thi. Trong đó, HS Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành đạt 01 giải Ba, 03 giải Khuyến khích trong kỳ thi HS giỏi quốc gia và 01 giải Ba trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS bậc trung học. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trao đổi về quá trình học tập, rèn luyện, nghiên cứu của các em, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
HS Trần Phúc Thịnh và Ngô Trần Phương Vân.
Em Trần Phúc Thịnh, lớp 12A5, người nảy sinh ý tưởng thực hiện phần mềm là HS lớp chuyên Tin học của Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành. Em rất đam mê nghiên cứu các phần mềm, trong đó, năm lớp 11, Phúc Thịnh đã cùng một bạn lớp trên nghiên cứu phần mềm ôn thi đại học và đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh. Tiếp nối thành công và đam mê, năm học lớp 12, Phúc Thịnh tiếp tục nghiên cứu “phần mềm REDICT” hỗ trợ học ngôn ngữ Khmer.
Phúc Thịnh cho biết: mục tiêu của đề tài là giúp các bạn HS, các em nhỏ, người dân tộc Khmer có thể học tập chữ và tiếng của dân tộc mình tốt hơn, giúp bảo tồn và phát triển nền văn hóa Khmer. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần học ngoại ngữ của người dân cả nước. Trong đó, REDICT đáp ứng được nhu cầu học tập ngôn ngữ, chủ động thời gian và không gian, giúp dịch thuật và ôn tập từ vựng. Bên cạnh, với giao diện được thiết kế ưa nhìn, trẻ trung, hiện đại, đơn giản, dễ sử dụng, REDICT sẽ mang lại cho người dùng cảm giác vui vẻ và thích thú khi tiếp xúc với ứng dụng.
Theo Phúc Thịnh, nghiên cứu phần mềm, em ứng dụng phương pháp Spaced Repetition (kỹ thuật lặp lại ngắt quãng), áp dụng dựa trên hiệu ứng tâm lý ngắt quãng, bằng cách gia tăng khoảng cách thời gian giữa những lần ôn tập lượng thông tin cần ghi nhớ. Mục đích hướng đến là cải thiện và nâng cao khả năng ghi nhớ thông tin (có thể ghi nhớ một khối lượng thông tin lớn, trong khoảng thời gian dài). Đồng thời, ứng dụng một hiệu ứng tâm lý học gọi là hiệu ứng khoảng cách (spacing effect), hiệu ứng này đề cập đến việc gặp đi gặp lại vấn đề gì đó nhiều lần sẽ giúp chúng ta ghi nhớ hiệu quả. Tuy nhiên, không phải lần lặp lại nào cũng hiệu quả như nhau nên trong thực hiện phần mềm hỗ trợ, mỗi lần lặp của việc ghi nhớ một tập thông tin cần được giãn cách ra và phải được tính toán khoa học.
Do đam mê nghiên cứu nên vừa học trên lớp em vừa sắp xếp thời gian thực hiện đề tài. Phúc Thịnh nghiên cứu các tài liệu trên sách, tạp chí, web... có liên quan đến chuyên môn xây dựng một ứng dụng trên Android, ngôn ngữ kéo và thả - Drag and Drop của MIT App Inventor... Ngoài ra, sưu tầm các bài viết văn hóa, từ vựng qua internet, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi bạn bè, các thầy cô giảng dạy…
Song song với nghiên cứu là quá trình viết đề tài và thực hiện thuyết trình, Phúc Thịnh và Ngô Trần Phương Vân đã phối hợp và Phương Vân chịu trách nhiệm thuyết trình đề tài hoàn toàn bằng tiếng Anh. Phương Vân học lớp 11D, chuyên tiếng Anh, tuy không rành nhiều về thiết kế phần mềm như Phúc Thịnh nhưng qua việc phối hợp thực hiện đề tài với bạn, em đã biết được nhiều hơn và nắm chắc đề tài, 02 em phối hợp viết bài thuyết trình cùng sự hướng dẫn của giáo viên. Trong lần báo cáo đề tài, em tạo ấn tượng với ban giám khảo về khả năng thuyết trình tiếng Anh lưu loát và đây là lợi thế lớn khi ban giám khảo chấm điểm cho đề tài nghiên cứu của 02 em.
Bước đầu hoàn thiện phần mềm, 02 em đã thực hiện 53 lượt khảo sát những học viên tham gia và nhận được các kết quả tích cực về phần mềm cũng như kỹ thuật lặp lại ngắt quãng đã được áp dụng. Với những trải nghiệm đầu tiên, 100% người dùng đã đưa đánh giá khả quan cho các tính năng phần mềm (87,5% đánh giá tốt và 12,5% đánh giá khá. Ngoài ra, khả năng ứng dụng vào thực tế cũng đạt tỷ lệ cao (91,7% cho câu trả lời là tốt và 8,3% cho khá, giúp các em rất phấn khởi.
Phần mềm của 02 em có các tính năng cần thiết, phục vụ hiệu quả việc học tập như: tính năng từ vựng, tính năng từ điển (người dùng có thể dễ dàng tra cứu từ điển Khmer - Việt hoặc Việt - Khmer và có thể lưu vào danh sách từ cần ôn), tính năng thống kê học tập, tính năng văn hóa, tính năng học theo lộ trình, video được biên soạn sẵn, tính năng xác định đồ vật bằng tiếng Khmer thông qua AI camera, tính năng thi đấu giữa 02 người dùng, tính năng tập viết chữ, lộ trình học.
Trong thời đại công nghệ 4.0, mục tiêu học tập mở rộng, giáo viên là người kết nối, tự học là yêu cầu bắt buộc, học tập suốt đời, học mọi lúc mọi nơi và ứng dụng các thiết bị công nghệ phục vụ học tập… Chính là những thay đổi khác biệt này, tạo ra viễn cảnh giáo dục rộng mở và thực sự linh hoạt. Việc trao đổi học tập thông qua các phần mềm ứng dụng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh phức tạp, học tập qua các phần mềm được ưu tiên và phát huy tính tích cực… Có thể nói, công nghệ đã khiến cuộc sống của con người trở nên thuận lợi và tân tiến hơn rất nhiều nên mọi người, nhất là HS cần phát huy khả năng tự học, sáng tạo, nâng cao tri thức, đáp ứng yêu cầu công việc sau này.
02 em cùng chia sẻ, việc nghiên cứu và xây dựng phần mềm REDICT sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học ngôn ngữ Khmer, giúp bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer Nam Bộ, tạo nhiều thuận lợi cho người học khi ứng dụng các phần mềm phục vụ học tập. Bản thân 02 em, trong học tập, các em đã ứng dụng thiết bị công nghệ để học tập tốt hơn nên thành tích của 02 em luôn đạt cao trong các kỳ thi. Trong các cuộc thi cấp tỉnh, Phúc Thịnh từng đạt giải Nhất cuộc thi Tin học trẻ năm lớp 10, đạt giải Ba thi HS giỏi lớp 11… và em sẽ tiếp tục theo đuổi ngành Công nghệ thông tin khi vào Đại học.
Với những thành tích đạt được, Phúc Thịnh đã được tuyển thẳng vào ngành mình yêu thích và dự kiến sẽ học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng Phương Vân, đạt giải Nhất cấp tỉnh thi HS giỏi tiếng Anh năm lớp 10 và giải Ba năm lớp 11. Tin rằng, với sự nỗ lực và ý thức tự học, 02 em sẽ tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong học tập, chọn đúng ngành phù hợp với năng lực và sẽ có nhiều sáng kiến trong học tập và làm việc sau này.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.