01/11/2021 07:20
Bạn Trương Thị Kim Thoa trình bày ý tưởng “Sản xuất túi giấy từ lá lục bình”.
Đây là ý tưởng do nhóm tác giả Trương Thị Kim Thoa, Lê Kim Ngân, Trần Thị Tường Dy và Nguyễn Thị Hồng Thắm mang đến từ Trường Đại học Trà Vinh.
Trao đổi với chúng tôi, bạn Trương Thị Kim Thoa, Trưởng nhóm cho biết, đây là ý tưởng được hình thành dựa trên thực tế việc sử dụng quá nhiều túi ni-lông dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường ở nước ta. Trong khi đó, cây lục bình hiện có rất nhiều ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chưa được khai thác, tận dụng nhiều. Từ đó nhóm của Kim Thoa đã hình thành ý tưởng “Sản xuất túi giấy từ lá lục bình”.
Mô tả về sản phẩm và giá trị của dự án, Kim Thoa cho biết thêm, sản phẩm là chế phẩm sinh học với các thành phần trong lá lục bình, sản phẩm có chức năng thay thế túi ni-lông, bảo vệ môi trường tránh xa rác thải nhựa. Bởi đây là sản phẩm dễ phân hủy, được làm từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, bảo vệ sức khỏe và đem lại thuận tiện cho mọi người sử dụng.
Mục tiêu ý tưởng sẽ thành sản phẩm để có thể cung cấp sản phẩm sạch không gây ô nhiễm môi trường giúp người dân tránh được những bệnh mà các chất trong túi ni-lông có thể gây ra. Ai cũng biết túi ni-lông cần tới mấy ngàn năm để phân hủy và nhiều người biết tác hại của nó, nhưng vẫn sử dụng và thải ra môi trường. Để mọi người không sử dụng túi ni-lông, thì phải có một sản phẩm thay thế không chỉ rẻ hơn mà còn tiện lợi hơn. Mặt khác, túi giấy từ lá lục bình còn là sản phẩm của tự nhiên, thân thiện với môi trường không ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng…
So sánh với các sản phẩm khác, nhóm tác giả của Kim Thoa khẳng định nhiều lợi thế từ nguồn nguyên liệu có sẵn và dồi dào trong tự nhiên với giá thành và chi phí sản xuất không cao… Đặc biệt, sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường với giá thành rẻ lại có thể tự phân hủy trong một thời gian ngắn.
Một lợi thế nữa từ việc nảy sinh ra ý tưởng này, bởi đây là sản phẩm hoàn toàn mới chưa có trên thị trường. Việc sản xuất sản phẩm được tạo ra bởi quá trình đổi mới sáng tạo dẫn đến có chi phí thấp, giá cạnh tranh vượt trội so với các sản phẩm khác.
Đây cũng là một trong những ý tưởng được đánh giá cao tại cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2021.
Đại diện nhóm tác giả hình thành ý tưởng “Sản xuất vải từ sợi lá dứa”, bạn Nguyễn Trần Ngọc Hân chia sẻ, tại Việt Nam, cây dứa (khóm) được trồng khắp từ rất nhiều tỉnh, thành với tổng diện tích khoảng 40.000ha. Sản lượng đạt trên 500.000 tấn/năm. Trong đó 90% diện tích trồng dứa tập trung chủ yếu ở phía Nam. Tập trung ở các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 62% diện tích dứa cả nước.
Một số tỉnh trồng nhiều dứa như: Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và Long An… Sau mùa thu hoạch dứa, lượng lá dứa thải ra môi trường rất lớn và đã trở thành gánh nặng cho người nông dân trong việc xử lý. Cách làm phổ biến nhất của họ là thu gom để đốt, điều này đã vô tình gây ô nhiễm môi trường tại các cánh đồng dứa nói riêng và môi trường sống chúng ta nói chung. Đó là cách làm vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không tạo nguồn thu nhập phụ cho người nông dân từ phụ phẩm lá dứa.
Qua nghiên cứu, nhóm của Ngọc Hân biết được thành phần Cellulose trong lá dứa khá cao, chiếm khoảng 73,4% (Taylor & Francis), nguồn nguyên liệu dồi dào, khả năng phân hủy sinh học cao, sợi lá dứa vô cùng bền bỉ là một lợi thế để nhóm hình thành ý tưởng “Sản xuất vải từ sợi lá dứa” - một giải pháp tuyệt vời vừa giúp người nông dân không tốn công sức để dọn dẹp lá dứa sau khi thu hoạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa tạo thêm nguồn thu nhập phụ cho người trồng dứa; đồng thời còn tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Đặc biệt, việc sản xuất vải từ sợi lá dứa là một ý tưởng thật sự mới mẻ trong ngành công nghiệp dệt may. Việc tạo ra một chất liệu mới thân thiện với môi trường sẽ là một bước tiến mới hứa hẹn cho sự phát triển trong ngành công nghiệp dệt may trong tương lai.
Nói về giá trị của ý tưởng “Sản xuất vải từ sợi lá dứa”, bạn Ngọc Hân cho biết thêm, các loại vải sợi tự nhiên hiện nay đều được đánh giá cao về tính phổ biến cũng như tính hữu ích về đặc tính mềm, nhẹ, có độ thoáng khí, có độ bền cao. Trong đó, vải làm từ sợi lá dứa có một vài đặc tính nổi trội như: có nguồn gốc thực vật, có thể phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường (không cần sử dụng các oxit kim loại nặng hoặc các hóa chất độc hại cho sản xuất).
Bên cạnh đó, việc sản xuất vải từ phần chất thải của cây sẽ không đòi hỏi nhiều về việc chăm sóc (công sức, nước, phân bón, thuốc hóa học) như các loại sợi tơ sen hay sợi tơ tằm nên giá thành sẽ phù hợp với nhiều khách hàng.
Có thể khẳng định, các ý tưởng “Sản xuất túi giấy từ lá lục bình” hay “Sản xuất vải từ sợi lá dứa” là những ý tưởng khá hay, tạo nên chất liệu mới thân thiện với môi trường. Đồng thời đây còn là những ý tưởng bình dị rất gần với đời sống chúng ta hiện nay, nên tính khả thi sẽ rất cao.
Bài, ảnh: BÁ THI
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.