20/02/2023 08:15
Thầy Hứa Học Tâm và em Lê Yến Thơ trao đổi về dự án “Tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp”.
Nghiên cứu của em Lê Yến Thơ nhằm tận dụng phế phẩm nông nghiệp ứng dụng hiệu quả vào thực tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các phế phẩm nông nghiệp được em tận dụng để thực hiện dự án là bã mía, mạt cưa và vỏ trấu.
Em Lê Yến Thơ chia sẻ: em nhận thấy hàng ngày tại địa phương có nhiều phế phẩm nông nghiệp, nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường nên em muốn làm cách nào đó để tận dụng và xử lý những phế phẩm này đạt hiệu quả. Được nhà trường phát động tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, em suy nghĩ làm sao tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có giá trị thực tiễn cho cuộc sống. Từ đó, em đề xuất ý tưởng với thầy Hứa Học Tâm, giáo viên dạy môn Vật lý và thầy đã hướng dẫn em nghiên cứu tạo ra tấm panel cách nhiệt.
Qua khoảng 05 tháng vừa học vừa thực hiện sản phẩm, em muốn tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh nhất có thể nên dành nhiều thời gian thực hiện các công đoạn, nhất là công đoạn xử lý các phế phẩm để vừa đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn phù hợp để tạo các sản phẩm. Trong đó, nguyên liệu được lựa chọn đảm bảo còn tốt, đảm bảo về cơ tính, màu sắc đồng đều và đẹp. Nguyên liệu sau khi thu gom sẽ được ngâm với dung dịch phèn chua 15 phút để ngừa mối, mọt, sau đó vắt khô đem phơi nhằm giúp các sản phẩm không bị nấm mốc và quan trọng là đảm bảo tính cách nhiệt tốt. Tiếp đó, sàng lọc, chọn lại nguyên liệu đảm bảo chất lượng, băm nhỏ nguyên liệu đạt kích cỡ phù hợp để đảm bảo chất lượng bề mặt các tấm panel khi ép.
Công đoạn quan trọng là phối trộn keo dính hỗn hợp cùng với nguyên liệu. Yến Thơ chọn keo silicate, là loại keo dính hỗn hợp nhằm đảm bảo tính liên kết, giữ màu sắc lâu dài cho sản phẩm, đảm bảo tấm panel không bị thấm nước, phân rã. Số lượng keo dính được sử dụng được tính toán phù hợp cho mỗi loại nguyên liệu và kích thước tấm panel khác nhau. Quy trình thực hiện phối trộn vô cùng quan trong, phải phối trộn sao cho keo và nguyên liệu đồng đều, đảm bảo đạt yêu cầu, nhất là không thấm nước làm rã tấm panel.
Do thực hiện hoàn toàn bằng thủ công nên công đoạn ép khuôn được Yến Thơ thực hiện cẩn thận, khuôn ép được chế tạo từ thép tấm, diện tích 25 x 25cm, khi đưa nguyên liệu vào ép, em thực hiện đảm bảo độ dày sản phẩm 02cm. Sau 45 phút ép sẽ lấy sản phẩm ra ngoài phơi nắng 10 - 15 phút. Sau đó đánh bóng và trang trí thêm giúp sản phẩm đẹp mắt.
Khi hoàn chỉnh sản phẩm, Yến Thơ và giáo viên hướng dẫn chọn một góc nhỏ, lót thử tấm panel và nhận thấy khả năng cách nhiệt tốt, giúp nhiệt độ phòng mát hơn, màu sắc tự nhiên, đảm bảo tính thẩm mỹ và không bị mối mọt. Đồng thời, dự án của em giúp tận dụng hiệu quả số lượng lớn phế thải nông nghiệp, giúp giảm chi phí xây dựng, giảm một lượng lớn nguồn tài nguyên khoáng sản cần thiết để phục vụ hoạt động xây dựng.
Qua thực hiện, Yến Thơ đã tạo ra sản phẩm tấm panel cách nhiệt với kích thước 25cm x 25cm x 02cm, em mang đi dự thi 03 tấm panel từ 03 nguyên liệu khác nhau (mạt cưa, trấu và bã mía) và được ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao về hiệu quả ứng dụng của sản phẩm.
Thầy Hứa Học Tâm cho biết, vào đầu năm học, Lê Yến Thơ đề xuất ý tưởng và tôi hướng dẫn em thực hiện dự án. Kết quả đoạt giải Nhất Cuộc thi, khẳng định sự nỗ lực của em trong học tập, nghiên cứu. Thành tích học tập hàng năm của em đều đạt học sinh giỏi, học kỳ I, điểm bình quân của em đạt 9,4. Đặc biệt, Yến Thơ học rất tốt môn Vật lý và luôn đạt điểm tối đa ở môn học này.
Thầy Nguyễn Bảo Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Hưng cho biết, là vùng nông thôn, đa số phụ huynh đều là nông dân, tuy vậy, nhiều học sinh của trường rất ý thức học tập tốt, Lê Yến Thơ là một điển hình. Gia đình luôn động viên và tạo điều kiện cho em học tốt và bản thân em luôn ý thức nỗ lực học tập, nhìn vào những gương học sinh giỏi để làm mục tiêu phấn đấu. Thành tích đạt được sẽ tạo động lực để em tiếp tục học tốt hơn.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.