07/10/2020 07:00
Mạnh thường quân tặng quà, học bổng cho học sinh xã Long Đức.
Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập thành phố Trà Vinh đã triển khai, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, hỗ trợ Hội Khuyến học (KH) phường, xã triển khai trong cán bộ, đảng viên, đoàn hội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện xây dựng xã hội học tập. Từ năm 2015 đến nay, Hội KH thành phố đã chỉ đạo Hội KH cơ sở vận động đăng ký xây dựng 19.268 gia đình học tập, đạt 82,39% số hộ thành phố. Qua kiểm tra, đánh giá có 19.080 gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, đạt 99,02% số hộ đăng ký và đạt 81,59% so với hộ dân toàn thành phố.
Bà Lê Thị Ngọt, Chủ tịch Hội KH thành phố Trà Vinh cho biết: công tác tuyên truyền về lợi ích của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời đã nâng cao trình độ về văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, giúp nhiều người trang bị tri thức mới, kỹ năng mới góp phần tăng năng suất lao động, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trong đó, nhiều người nhờ được học thêm nghề, có việc làm ổn định, tham gia tổ hợp tác, tạo mô hình sản xuất, kinh doanh mới như: chuyển đổi cơ cấu sản xuất, dịch vụ, phát triển kinh tế trang trại, xây dựng cuộc sống ngày càng sung túc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao, góp phần thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đô thị văn minh, XDNTM; giữ gìn, thực hiện tốt an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Cũng từ các mô hình này, các gia đình quan tâm ngày càng nhiều hơn đến việc học tập của con em và cả việc tự học của người lớn tại nhà. Điển hình như gia đình ông Lâm Ngọc Hiền (Khóm 4, Phường 1), gia đình bà Phan Thị Ngọc Hạnh (ấp Long Bình, Phường 4)…
Xuất phát từ phong trào vận động xây dựng gia đình học tập, tiến tới xây dựng dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập tiêu biểu, điển hình, 05 năm qua, việc triển khai thực hiện các mô hình học tập đạt nhiều kết quả. Trong đó, 749 tổ, 62 ấp, khóm, 10 phường, xã được xét công nhận đạt “cộng đồng học tập”, 47 cơ quan, 36 trường học, 03 doanh nghiệp được công nhận đạt “đơn vị học tập”.
Các mô hình học tập được phát triển như trên cho thấy sự nhận thức của cán bộ và Nhân dân về lợi ích của việc học tập thường xuyên, học suốt đời, giúp nâng cao hiệu quả công tác. Số lượng, chất lượng các mô hình học tập được nâng lên, nhận thức của các ngành, các cấp và Nhân dân trên địa bàn thành phố chuyển biến tích cực. Các tầng lớp Nhân dân được nâng cao nhận thức về học tập suốt đời và có trách nhiệm tham gia xây dựng xã hội học tập ở địa phương.
Hội KH các cấp đóng vai trò nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với ngành, đoàn thể thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, vận động xây dựng quỹ để hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. 05 năm qua, các nhà trường đã vận động trên 2,4 tỷ đồng tiền mặt và nhiều dụng cụ học tập, quần áo, xe đạp, gạo trên 2,88 tỷ đồng, cấp cho 18.451 lượt học sinh, sinh viên. Các hội, đoàn thể khác cũng vận động thực hiện hiệu quả công tác KH, hỗ trợ 2.646 lượt học sinh khó khăn.
Nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập trong thời gian tới, Hội KH thành phố Trà Vinh đề ra nhiều chỉ tiêu cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền giúp cộng đồng nhận rõ lợi ích và sự cần thiết của việc học, học để nâng cao trình độ hiểu biết, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, học để làm người, để làm việc, góp phần giảm nghèo và là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.