04/11/2020 05:00
Những hội viên Chi hội Nông dân Trường ĐHTV.
Việc Trường Đại học Trà Vinh (ÐHTV) thành lập Chi hội Nông dân và trao thẻ hội viên Hội Nông dân Việt Nam cho SV vào cuối tháng 7/2020 đã tạo bước đột phá mới trong đào tạo gắn với thực tiễn, giúp SV “học đi đôi với hành” bằng những việc làm thiết thực.
Cô Lê Thị Nghĩa, giảng viên Trường ÐHTV, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Trường ÐHTV cho biết: “Chi hội đã xây dựng điều lệ hoạt động, kế hoạch phát triển gắn với nhiệm vụ học tập nhằm giúp các SV vừa học, vừa thực hành gắn với đời sống thực tế góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Mục đích hoạt động của Chi hội Nông dân Trường ĐHTV là tập hợp, đoàn kết SV, xây dựng lực lượng SV vững mạnh về mọi mặt, nhất là gắn kết giữa việc học lý thuyết trên giảng đường với thực hành sản xuất trên đồng ruộng. Tập hợp nhu cầu, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của SV để phản ánh đến với các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức Hội Nông dân và các cơ quan có thẩm quyền về những chủ trương, chính sách, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và XDNTM.
Theo cô Nghĩa, hiện nay nhiều gia đình chỉ có 01-02 con, phần lớn không muốn con mình cực nhọc với nghề nông nên không cho theo học ngành nông nghiệp. Trong khi đó, thực tế lĩnh vực nông nghiệp lại rất thiếu nguồn nhân lực. Việc học đi đôi với hành mà cụ thể là việc sinh hoạt Hội Nông dân là sự kết hợp giữa giảng viên, SV có tri thức cùng với kinh nghiệm của nông dân nhằm tạo cơ hội để các em cọ xát thực tế. Từ đó, không chỉ giúp các em có thêm điều kiện học tập gắn với thực hành mà còn giúp nông dân nắm bắt được kỹ thuật mới.
Thực tế cho thấy không thiếu mô hình cho SV sinh hoạt, tham gia Hội Nông dân là cách sinh hoạt thiết thực đối với SV các ngành liên quan đến nông nghiệp. Khi tham gia Hội, chúng tôi chia theo nhóm chuyên ngành, phối hợp với nông dân, doanh nghiệp gửi SV để học tập, trau dồi kỹ năng. Trong tương lai, không chỉ có nông nghiệp, thú y mà thêm kinh tế nông nghiệp, công nghệ thực phẩm… sẽ đi đến hoàn thiện chuỗi liên hoàn cơ bản về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp.
Bạn Lê Nhật Tâm, SV năm thứ I ngành Thú y tâm sự: “Trà Vinh là vùng đất có thế mạnh về nông nghiệp nên em quyết định theo học ngành liên quan đến nông nghiệp. Được tham gia vào Hội Nông dân giúp em và các bạn học tập những kinh nghiệm thực tế từ nông dân. Trong những chuyến đi thực tế về các huyện tham quan mô hình, nếu mô hình nào phù hợp, em có thể mang về áp dụng tại địa phương”.
Cùng là những hội viên đầu tiên của Chi hội Nông dân Trường ĐHTV, bạn Phạm Thị Thảo Trâm chia sẻ: “Quê em ở ấp Long Đại, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, kinh tế của gia đình phụ thuộc vào nghề chăn nuôi (gà, heo) nên em muốn học ngành liên quan đến chăn nuôi. Từ những kiến thức học được kết hợp với quá trình sinh hoạt ở Chi hội Nông dân, em sẽ có điều kiện học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm của nông dân, từng bước vận dụng vào mô hình thực tế của gia đình, để tạo nên những mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ áp dụng cho gia đình mà còn nhân rộng ra các nơi khác”.
Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ÐHTV, làm thế nào để các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn tốt nghiệp đại học trở về nông thôn, tiếp thu và áp dụng kiến thức công nghệ mới giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân là trăn trở của các ngành, các cấp và những người có trách nhiệm đối với xã hội. Do đó, ý tưởng thành lập Chi hội Nông dân trong SV các trường đại học là một trong những sáng kiến rất ý nghĩa của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để từng bước đưa lực lượng trí thức trẻ trở về với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Chi hội Nông dân Trường ÐHTV bước đầu gồm 05 giảng viên và 39 SV đang học ngành trồng trọt, thú y. Số lượng tuy không nhiều nhưng mô hình này đang tạo bước đột phá, hướng đến việc đưa trí thức về với ruộng đồng, góp phần vực dậy nền nông nghiệp không chỉ của tỉnh Trà Vinh mà còn cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, thông qua các hoạt động của Chi hội, SV có nhiều cơ hội áp dụng những kiến thức, kỹ thuật được học ở trường và trải nghiệm thực tiễn sản xuất, đồng thời được học hỏi kinh nghiệm quý báu từ nhà nông được đúc kết qua nhiều năm thực tế - những kiến thức mà thầy, cô không thể truyền dạy cho các em. SV sẽ có cơ hội thử thách, rèn luyện bản thân để trưởng thành hơn, khi ra trường sẽ tự tin hơn với kiến thức, kỹ năng thực tiễn của mình để giúp ích cho gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.