30/06/2021 16:31
Học viên thực hành về điện dân dụng. Ảnh: TL
Ông Nguyễn Hữu Bảo Long, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Càng Long cho biết: năm 2020, Trung tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa bậc THPT, dạy nghề lao động nông thôn, liên kết đào tạo trung cấp và mở rộng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo chuyên đề hằng năm. Ngay từ đầu năm học, Trung tâm đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP, ngày 09/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VIII (khóa XI) và kế hoạch hành động của UBND tỉnh, của ngành giáo dục trong quản lý giáo dục, giáo viên, công nhân viên, HS, đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong thực hiện công tác tuyển sinh, phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong và ngoài tỉnh thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.
Trung tâm phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành về vai trò của ngành học GDTX, trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) và chủ trương xây dựng xã hội học tập. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho Ban điều hành các Trung tâm HTCĐ hoạt động có hiệu quả; phối hợp với Trung tâm HTCĐ khảo sát nhu cầu học tập của cán bộ và Nhân dân để mở các loại hình học tập. Trong những năm học qua Trung tâm đã phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh, Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh, Trường Cao đẳng kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, Trường Cao đẳng Hàng Hải II, Trường Cao đẳng xây dựng, Trung tâm Dạy nghề giao thông vận tải Viễn Đông (cùng địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) và các công ty xuất khẩu lao động... để ký hợp đồng phối hợp đào tạo. Từ năm 2015 - 2019, có trên 1.000 học viên học văn hóa tại trung tâm (tỷ lệ huy động học viên vào học đúng độ tuổi đạt 70,84%, với tổng số đầu vào 16 lớp) đạt 60% hiệu suất đào tạo; kết quả tốt nghiệp đạt bình quân 85,74%. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết dạy nghề lái xe hạng B2 (10 khóa); 06 lớp chương trình tiếng Anh cho thiếu nhi; 04 lớp chứng chỉ A Tin học cơ bản và tin học nâng cao cho 80 học viên.
Dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956, ngày 27/11/2009 về phê duyệt đề án đào tạo nghệ cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ mà Trung tâm đã và đang thực hiện trong thời gian qua. Từ năm 2006 đến nay, đã tổ chức 206 lớp có 4.626 lao động nông thôn tham gia các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp; phối hợp liên kết đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và văn bằng hai cho lực lượng cán bộ công chức, viên chức cấp xã với các ngành: đại học Luật, Đại học Mầm non và Trung cấp thoát nước.
Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 14 lớp trung cấp, tổng số 355 học viên với các ngành, nghề: cắt gọt kim loại, chăn nuôi thú y, kế toán doanh nghiệp, điện dân dụng, điện tử công nghiệp… trong đó đã tốt nghiệp 04 lớp. Thành lập tổ tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Giám đốc Trung Tâm làm tổ trưởng. Hàng năm, tổ tư vấn đến các trường THCS trên địa bàn huyện để tư vấn cho HS và phụ huynh nắm rõ lợi ích của việc học văn hóa song song với học nghề. Từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức trên 60 cuộc tư vấn, tổ chức trên 10 chuyến tham quan các trường cao đẳng, đại học dành cho HS khối lớp 12.
Ông Nguyễn Hữu Bảo Long cho biết thêm, ban đầu công tác phân luồng HS còn một số phụ huynh HS nhận thức chưa đúng về việc phân luồng nên ít quan tâm đến việc học nghề, chưa đồng thuận với quan điểm, chủ trương của ngành, còn lo sợ con em xa nhà tiếp cận xã hội quá sớm dễ bị cám dỗ rơi vào hư hỏng, khó quản lý, đặc biệt là đối với HS nữ; một số học viên vì hoàn cảnh kinh tế gia đình nên phải lao động sớm, làm thêm phụ giúp gia đình nên việc học viên bỏ học giữa chừng vẫn còn xảy ra, cán bộ, giáo viên phải vận động nhiều lần làm ảnh hưởng thời gian đào tạo.
Qua quá trình triển khai và quán triệt Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình chuyển biến trong đại bộ phận đảng viên, giáo viên và nhân viên Trung tâm cũng như trong quần chúng Nhân dân đã có chuyển biến trong công tác phân luồng HS. Người dân không còn tư tưởng e ngại khi cho con học hệ giáo dục thường xuyên như trước đây cũng như hướng con phải đi học đại học như trước đây, có những phụ huynh đã chủ động cho con vào học tại Trung tâm để có thể vừa học nghề vừa học văn hóa nhằm đảm bảo việc làm trong tương lai.
Em Đặng Thị Cẩm Nhung, lớp 12A1 cho biết: sau khi tốt nghiệp THCS gia đình đăng ký cho em vào học ở Trung tâm. Tại đây, ngoài việc học các môn văn hóa em còn tham gia lớp Trung cấp Kế toán do Trung tâm liên kết với Trường Cao đẳng kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ tổ chức. Hiện tại em đã có bằng Trung cấp Kế toán và đang đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để tiếp tục liên thông lên cao đẳng.
Từ những kết quả đạt được trong công tác giảng dạy và phân luồng HS sau THCS và THPT, hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Càng Long không chỉ ngày càng nâng cao chất lượng mà còn được chọn làm đại diện các Trung tâm trong tỉnh báo cáo điển hình tại hội nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo được tổ chức tháng 10/2018 tại Cần Thơ; báo cáo điển hình tại Hội nghị điển hình tiên tiến của Hội Khuyến học Càng Long về việc sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg, ngày 20/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các danh hiệu học tập. Mô hình “Mở rộng liên kết các mô hình hoạt động tại trung tâm” của Trung tâm được UBND huyện Càng Long tặng giấy khen trong phong trào thi đua Dân vận khéo năm 2020.
HỒNG NHUNG
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.