22/08/2024 15:13
Quang cảnh Trường THCS Hưng Mỹ.
Thầy Nguyễn Thanh Nhàn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Mỹ cho biết, trong triển khai thực hiện, cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh của trường được hướng dẫn cách thức phân loại, lưu giữ và giao chất thải cho đơn vị thu gom đúng quy định.
Lợi ích từ việc phân loại rác thải tại nguồn để tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm gánh nặng chi phí xử lý chất thải sinh hoạt và nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý nhà nước về quản lý chất thải sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường sống. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh trong việc phân loại rác thải sinh hoạt khi có phát sinh, góp phần bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo mô hình nhà trường tập trung tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn; trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động, phụ huynh và học sinh về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức, từng bước hình thành thói quen, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh. Ban Chỉ đạo mô hình nhà trường tổ chức xây dựng các câu khẩu hiệu có nội dung tuyên truyền, giáo dục bằng những câu theo thể loại thơ lục bát, dễ nhớ, phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi tại các khối lớp học, như:
“Chung tay bảo vệ môi trường/Cho lớp sạch đẹp, cho trường xanh tươi”.
“Thấy rác mà chẳng nhặt lên/Thì con người ấy làm nên việc gì”.
“Bỏ rác phải bỏ đúng nơi/Vứt rác bừa bãi bẩn dơ môi trường”.
Các nội dung tuyên truyền trên được đặt dọc hành lang ở các dãy lớp học và những nơi trực quan. Trực tiếp tuyên truyền thông qua các buổi họp Hội đồng sư phạm, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục về ý thức, hành động và tổ chức cho đội phát thanh măng non phát nội dung tuyên truyền trong các giờ ra chơi lớn. Đồng thời, tổ chức thi đua tại các lớp học, làm kế hoạch tiết kiệm cho lớp trong việc thu gom rác thải sinh hoạt tại trường.
Rác thải sinh hoạt thực tế tại trường học phân thành 03 loại được chứa trong 03 ngăn riêng biệt của thùng rác được nhà trường thiết kế đặt ở các lớp học và khuôn viên của trường, gồm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nước uống và thức ăn thừa); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (chai, lon nhựa, giấy); chất thải khó phân hủy (hộp xốp, bao bì ni-lông).
Nhà trường bố trí đặt thùng rác tại 12 lớp học, mỗi lớp 01 thùng và 03 thùng tại các dãi hành lang khu làm việc các bộ phận của trường, tạo thuận lợi cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động trong trường học bỏ rác phân loại theo quy định; xây dựng khu tập kết xử lý rác tại 01 điểm thuận lợi, phù hợp, bảo đảm vệ sinh, mỹ quan trong khuôn viên trường học để tập kết, phân loại và xử lý từng loại rác sau khi được phân loại.
Đối với rác thải là bao bì ni-lông, hộp xốp, chất khó phân hủy được vận chuyển ra nơi tập trung để xe rác công cộng thu gom, xử lý. Rác thải là thức ăn, uống thừa tiến hành lọc lấy thức ăn cho các hộ nuôi gia cầm để tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Đối với rác thải tái chế được, Liên đội Trường thu gom để bán hoặc đổi dụng cụ học tập hỗ trợ cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.
Năm học 2023 - 2024, “Mô hình giáo dục bảo vệ môi trường gắn với hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong trường học” của Trường THCS Hưng Mỹ đã thu gom, phân loại hơn 04 tấn rác thải. Qua phân loại, nhà trường đã thu nhập từ nguồn rác tái chế khoảng 3,7 triệu đồng. Trong thực hiện, Ban Chỉ đạo mô hình nhà trường có kiểm tra, giám sát, theo dõi, kịp thời biểu dương, khen thưởng những học sinh thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn.
Thầy Nguyễn Thanh Nhàn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Mỹ cho biết thêm, kết quả đáng phấn khởi là nhà trường đạt được mục tiêu giáo dục đề ra. Học sinh biết được lợi ích, ý nghĩa của việc thu gom, phân loại rác thải. Từ đó, hình thành thói quen, sự tự giác trong việc thu gom, phân loại rác đúng quy định, góp phần xây dựng nhà trường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, tạo môi trường học tập thân thiện, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh.
Mô hình được cấp ủy, chính quyền xã Hưng Mỹ đánh giá cao, góp phần cùng địa phương xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về giáo dục và được chỉ đạo nhân rộng ở các trường học tại địa phương.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.