01/03/2022 08:18
Giáo viên Trường Tiểu học Long Vĩnh C học tập chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tại phòng họp trực tuyến của trường.
Trường Tiểu học Long Vĩnh C điểm trụ sở chính tại ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, thuộc khu vực hải đảo của huyện Duyên Hải; trường có 28 cán bộ, giáo viên, công nhân viên (02 cán bộ ban giám hiệu, 21 giáo viên và 05 công nhân viên). Chi bộ trường có 22 đảng viên (trực thuộc Đảng bộ xã Long Vĩnh). Nhà trường có phong trào giáo dục phát triển mạnh, lãnh đạo địa phương và Nhân dân rất quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Tháng 12/2019, trường được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhiều năm liền nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
Năm học 2020 - 2021, áp dụng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, gắn với việc thay sách mới trong năm học này và những năm tiếp theo. Lớp 1 giữ vai trò quan trọng, bởi đây là lớp đầu cấp của bậc tiểu học và cũng là lớp tạo nền móng cho những lớp trên. Do đó, việc rèn luyện, phát triển kỹ năng đọc cho học sinh lớp 1 là rất cần thiết. Qua nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy ở khối lớp 1, giáo viên Sơn Thị Cẩm Linh đề ra sáng kiến “Một số biện pháp tạo hứng thú trong rèn đọc cho học sinh chậm tiến môn Tiếng Việt lớp 1”. Cô Cẩm Linh đã nghiên cứu và tìm ra một số biện pháp tạo hứng thú trong rèn đọc cho học sinh chậm tiến môn tiếng Việt lớp 1 để giúp đỡ học sinh chưa hoàn thành trong hoạt động đọc có những bước tiến bộ, hoàn thiện kỹ năng đọc, có cơ hội vươn lên, học tập đạt kết quả tốt hơn.
Giáo viên Sơn Thị Cẩm Linh cho biết, để thực hiện được sáng kiến này, ngay từ đầu năm, chúng tôi tìm hiểu thực trạng của lớp qua việc khảo sát kỹ năng đọc của học sinh, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra một số biện pháp để áp dụng. Qua khảo sát, có 21/72 học sinh khối lớp 1 của trường chưa nắm được các con chữ, chiếm 29,2%; đọc sai âm, vần có 29/72 học sinh, chiếm 40,3%. Nguyên nhân, số học sinh trên chưa được học qua lớp mẫu giáo; sự phát triển nhận thức của mỗi học sinh không đồng đều; thái độ học tập của các em chưa được định hướng rõ; gia đình thiếu sự quan tâm việc học của các em; nhịp độ giảng bài của giáo viên nhanh (một số học sinh không theo kịp); đồ dùng dạy học chưa tạo cảm hứng cho học sinh; tinh thần trách nhiệm của giáo viên đối với học sinh chưa đầy đủ...
Qua 01 năm áp dụng sáng kiến, học sinh lớp 1 của trường tiến bộ rõ rệt về kỹ năng đọc so với đầu năm, nhờ đó các em hoàn thiện thêm các kỹ năng nghe - nói - viết cần thiết của môn Tiếng Việt. Cuối năm học, môn Tiếng Việt khối lớp 1 của nhà trường có số lượng học sinh đạt kết quả hoàn thành tốt 41/72 em (đạt 56,9%), hoàn thành 31/72 em (đạt 43,1%), không có học sinh chưa hoàn thành. Việc đọc tiến bộ giúp học sinh thêm tự tin trong học tập, mạnh dạn chia sẻ và hợp tác cùng bạn; tham gia hội thi “Vở sạch - Chữ đẹp” cấp huyện đạt 01 giải Khuyến khích; hội thi giải toán qua mạng đạt 01 giải Ba và 01 giải Khuyến khích. Chất lượng giáo dục của khối lớp 1 được nâng cao, có 72/72 học sinh hoàn thành chương trình lớp học (đạt 100%), có 35/72 học sinh của khối được khen thưởng (đạt 48,6%).
Đối với học sinh lớp 2, giáo viên Lữ Thị Nâu có sáng kiến “Một số biện pháp khắc phục lỗi viết sai chính tả cho học sinh lớp 2”. Chính tả là phân môn quan trọng trong dạy học Tiếng Việt ở lớp 2, để thực hiện được sáng kiến này, ngay từ đầu năm, nhà trường tìm hiểu thực trạng của học sinh khối lớp 2 của trường cho thấy, học sinh viết sai nhiều lỗi chính tả là 48/89 em, chiếm 53,9%.
Theo giáo viên Lữ Thị Nâu, qua tìm hiểu nhận thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trường có điều chỉnh thời gian dạy học theo Công văn số 961/UBND-KGVX, ngày 20/3/2020 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020, học sinh phải học 09 tuần cho chương trình của 14 tuần, là những nguyên nhân khiến học sinh có những lổ hỏng kiến thức về viết chính tả. Nguyên nhân học sinh viết sai chính tả là do hạn chế về cách phát âm cũng như ngôn ngữ giao tiếp và một phần do chưa nắm vững âm vần, chưa phân biệt được cách phát âm của giáo viên, chưa hiểu rõ nghĩa của từ, chưa có ý thức tự học, tự rèn về bộ môn chính tả...
Qua 01 năm áp dụng sáng kiến, nhà trường nhận thấy học sinh có sự tiến bộ rõ rệt và hứng thú hơn trong học tập phân môn chính tả, số lỗi viết sai chính tả của học sinh giảm dần, chữ viết ngày càng đẹp hơn, các em tham gia tích cực hơn trong giờ học môn chính tả và cả các môn học khác. Sự tiến bộ đó là nhờ học sinh nắm vững quy tắc, mẹo luật trong chính tả, biết cách phân tích và hiểu nghĩa của từ khó. Nhờ hoàn thiện kỹ năng viết đúng chính tả mà học sinh lớp 2 của trường có sự chuyển biến rõ rệt ở môn Tiếng Việt.
Năm học 2020 - 2021, chất lượng dạy học ở khối lớp 2 của trường được nâng lên đáng kể; số học sinh đạt kết quả hoàn thành tốt 42 em (đạt 47,2%), hoàn thành 47 em (đạt 52,8%), không có học sinh chưa hoàn thành. Học sinh khối lớp 2 của trường tham gia hội thi “Vở sạch - Chữ đẹp” cấp huyện đạt 01 giải Nhì. Cuối năm, có 89/89 em hoàn thành chương trình lớp học, có 35/89 học sinh được khen thưởng, đạt 39,3% so tổng số học sinh khối lớp 2 của trường.
Sáng kiến “Giải pháp thu hút bạn đọc đến thư viện” của giáo viên Lương Hoàng Tần, nhằm tạo môi trường hoạt động thư viện hiệu quả, thu hút bạn đọc đến đọc và nghiên cứu tài liệu càng nhiều càng tốt; tri thức được truyền bá rộng rãi, tài liệu được sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, qua khảo sát, số lượng học sinh của trường đến thư viện đọc còn ít, không đồng đều giữa các lớp. Nguyên nhân chính là do các em chưa hứng thú đến việc đọc sách. Bởi hiện nay có quá nhiều nội dung giải trí chiếm phần lớn thời gian ngoài giờ học của học sinh, như: chơi game, xem Youtube, các game show... Bên cạnh đó, nhu cầu đọc, hứng thú đọc của học sinh ngày càng giảm do thư viện chưa đáp ứng phù hợp và kịp thời (bổ sung sách, tài liệu mới, các hình thức phục vụ còn hạn chế...).
Sau khi áp dụng sáng kiến, số lượng học sinh đến thư viện tăng rất nhanh. Các em đam mê với việc đọc sách, nghiên cứu cũng như tham gia các hoạt động tham quan học tập với thư viện thông minh lưu động, vẽ tranh các nhân vật, tham quan ngày hội đọc sách, các cuộc thi trưng bày và giới thiệu sách, “Rung chuông vàng”, viết bài dự thi “Đại sứ văn hóa đọc”… các em tham gia không chỉ tăng về số lượng mà còn có nhận thức tốt, chuẩn bị chu đáo và có chất lượng. Qua cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp trường, Ban tổ chức chọn 08 bài dự thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh, kết quả, đạt 01 giải Ba và 02 giải Khuyến khích.
Bà Hồng Kim Ân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Vĩnh C cho biết, qua 01 năm áp dụng sáng kiến, học sinh có sự tiến bộ rõ rệt kỹ năng đọc, hiểu của môn Tiếng Việt lớp 1, viết đúng chính tả ở khối lớp 2 và hứng thú hơn trong học tập của các môn học khác; thư viện trường hoạt động thu hút học sinh đến đọc, tìm hiểu, trau dồi kiến thức ngày càng nhiều, giúp học sinh học tập tốt hơn. Các sáng kiến của trường được nhiều trường tiểu học trong huyện học tập và áp dụng vào thực tế giảng dạy, góp phần phát triển kỹ năng đọc của học sinh khối lớp 1; viết đúng, viết đẹp của học sinh khối lớp 2; nâng cao chất lượng hoạt động thư viện trường học trong toàn huyện. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Trường Tiểu học Long Vĩnh C.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.