27/11/2023 12:14
Nhóm học sinh trình bày ý tưởng “Nâng cao sản lượng, tạo nguồn thực phẩm sạch, không kháng sinh từ cây chùm ngây” trước Ban giám khảo cuộc thi.
Ý tưởng “Nâng cao sản lượng, tạo nguồn thực phẩm sạch, không kháng sinh từ lá cây chùm ngây” của nhóm học sinh lớp 11, Trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh là một minh chứng. Trải qua thời gian nghiên cứu từ ý tưởng độc đáo này, nhóm học sinh gồm 04 thành viên: Dương Nguyễn, Dương Trần Hoàng Sang, Phạm Hoàng Ngọc Tú và Nguyễn Quốc Huy Khương với sự hỗ trợ của thầy Châu Văn Ngoan đã thuyết phục được Ban giám khảo để đoạt giải Ba cuộc thi.
Theo thầy Châu Văn Ngoan, hiện nay, ếch là loại thực phẩm khá phổ biến và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy ếch có tiềm năng rất lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế gia đình và các địa phương. Trước đây việc nuôi ếch thường sử dụng thức ăn dạng viên (cám) thông thường trên thị trường có lượng đạm đi đôi với giá thành. Để có lợi nhuận cao, nhiều hộ chăn nuôi lạm dụng hóa chất kháng sinh hoặc hóc-môn tăng trưởng… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để giải quyết các vấn đề trên một cách an toàn, hiệu quả và tiết kiệm, sau thời gian nghiên cứu từ nhóm học sinh trên, thầy Châu Văn Ngoan đã hướng dẫn các em hoàn thiện giải pháp ứng dụng thảo dược vào chăn nuôi ếch, cụ thể là lá cây chùm ngây. Đây cũng là lý do hình thành của ý tưởng “Nâng cao sản lượng, tạo nguồn thực phẩm sạch, không kháng sinh từ cây chùm ngây”.
Qua tìm hiểu, các thành viên trong nhóm biết được cây chùm ngây có nhiều công dụng có lợi đối với thủy sản nói chung và với ếch nuôi nói riêng. Cụ thể, loài thảo dược này khi sử dụng sẽ giúp ếch kích thích tăng trưởng, cải thiện khả năng miễn dịch và kháng bệnh...
Đi vào thực tế nghiên cứu, Trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh đã hỗ trợ nhóm xây dựng các hồ nuôi ếch thực nghiệm và phân ra 03 nhóm nuôi. Nhóm thứ nhất chỉ cho ếch ăn thức ăn viên, không thêm chất dinh dưỡng khác; nhóm thứ hai cho ăn thức ăn viên có trộn chùm ngây với lượng 30g/kg thức ăn và nhóm thứ ba cho ếch ăn thức ăn viên có trộn chùm ngây với lượng 50g/kg thức ăn. Sau đó dùng kết quả để so sánh và đánh giá hiệu quả. Kết quả sau thời gian nuôi khoảng 75 ngày ở nhóm thứ hai đạt hiệu quả cao nhất vì lượng chùm ngay trộn vào thức ăn vừa phải.
Bên cạnh, ở nhóm thứ nhất tỷ lệ ếch nhiễm bệnh và hao hụt cũng cao hơn làm giảm năng suất nuôi. Đặc biệt, đúc kết từ ý tưởng “Nâng cao sản lượng, tạo nguồn thực phẩm sạch, không kháng sinh từ cây chùm ngây” sẽ giúp người nuôi ếch tạo ra nguồn sản phẩm sạch, an toàn không kháng sinh giúp rút ngắn thời gian và giảm tỷ lệ hao hụt. Tiến tới xây dựng mô hình nuôi ếch đạt chuẩn OCOP nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ ý tưởng này sẽ giúp người nông dân nghiên cứu cải thiện và phát triển sản phẩm từ lá chùm ngây phục vụ cho chăn nuôi.
Ý tưởng “Nâng cao sản lượng, tạo nguồn thực phẩm sạch, không kháng sinh từ cây chùm ngây” không chỉ dừng lại từ việc được Ban tổ chức trao giải Ba. Đây còn là cơ hội để tuổi trẻ nói chung và học sinh, sinh viên trải nghiệm thực tế, đúc kết kinh nghiệm, kiến thức về kinh doanh, góp phần hiện thực hóa ý tưởng của mình và tìm ra con đường lập nghiệp trong tương lai.
Bài, ảnh: BÁ THI
Thầy Ngô Đức Hùng, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Với những nỗ lực vượt bật trong công tác giáo dục, thầy được ghi nhận thành tích và được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.