09/02/2021 12:58
Tuyến đường nhựa ấp Giồng Tranh A vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ông Kim Tha, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Long Hiệp cho biết: là địa phương có đông đồng bào Khmer, chiếm trên 83% số dân toàn xã, nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ dân tộc, đảng viên dân tộc Khmer, mỗi nhiệm kỳ, Đảng ủy xã luôn rà soát, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ dân tộc và bám sát yêu cầu chính trị để xây dựng kế hoạch quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Hiện, Đảng ủy, HĐND, UBND xã có 20 cán bộ, công chức, trong đó 17 cán bộ, công chức là dân tộc Khmer và đặc biệt cán bộ chủ chốt dân tộc Khmer nhiệm kỳ 2020-2025, chiếm trên 60%.
Nếu như trước đây cán bộ xã còn hạn chế về trình độ học vấn thì nay cơ bản đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị theo quy định. Đa số, cán bộ, công chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đã chuyển biến tốt hơn trong lãnh đạo, điều hành. Đồng thời, có khả năng vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức chuyên môn để tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Điển hình như ông Kim Bảy Ly, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, để vận động Nhân dân tham gia XDNTM nhất là thực hiện các tuyến đường hoa, hàng tuần ông đến các ấp vận động Nhân dân đoàn kết, cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng hoa ven đường và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, ông vận động thành lập được 04 tổ tự quản giảm nghèo với 88 thành viên, đa số các thành viên tích cực hỗ trợ, tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, nếu như năm 2015 xã có 23,98% hộ nghèo, đến nay còn 3,62%.
Song song đó, để nâng cao chất lượng đảng bộ cơ sở, hàng năm, Đảng ủy xã và các chi bộ kịp thời triển khai, quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII. Nhiệm kỳ qua, có 14 tập thể, 238/266 cán bộ, đảng viên tự rà soát, nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Qua nhận diện có 14 tập thể, 176 đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, không có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đến nay, 100% tập thể, cá nhân có biểu hiện suy thoái đã khắc phục xong. Không chỉ vậy, các chi bộ xã còn chú trọng phát triển đảng viên, nhiệm kỳ qua, đã bồi dưỡng, kết nạp 40 đoàn viên, hội viên ưu tú vào Đảng.
Đồng thời, thực hiện Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn xã, nhiệm kỳ 2015-2020, xã đã tinh gọn 01 công chức và 06 người hoạt động không chuyên trách. Tiến hành giải thể 01 chi bộ theo sự chỉ đạo của Huyện ủy và sáp nhập 01 chi bộ ấp Nô Rè A và Nô Rè B thành Chi bộ ấp Nô Rè. Hiện nay, các chi bộ đang nâng cao chất lượng sinh hoạt, tham gia giải quyết những vấn đề vướng mắc ở cơ sở, tiếp tục thực hiện, hoàn thành các tiêu chí XDNTM.
Theo sự hướng dẫn của cán bộ xã, chúng tôi về lại ấp Giồng Tranh A, ấp từng một thời được xem là ấp ở vùng sâu nhất, khó khăn nhất của xã Long Hiệp, nay trở lại đây, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự vươn lên ấn tượng của địa phương từ các công trình dân sinh, kinh tế xã hội đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trò chuyện với Nhân dân trong ấp, chúng tôi được biết, diện mạo của ấp được đổi mới, điện, đường, trường, trạm được đầu tư cơ bản, đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên, phần lớn là nhờ vào sự góp sức của cán bộ, đảng viên Khmer ở địa phương và sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân.
Ông Kim Na Ra, Bí thư Chi bộ ấp Giồng Tranh A cho biết: toàn ấp hiện có 303 hộ dân, 97% là đồng bào Khmer, ấp có 27 đảng viên trong đó có 21 đảng viên là dân tộc Khmer. Năm 2014, khi ấp triển khai thực hiện xây dựng ấp văn hóa NTM, cán bộ, đảng viên trong xã và ấp đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân đóng góp sức người, hiến đất làm đường, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vệ sinh môi trường nông thôn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Vận động các vị sư, người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Phật tử tham gia XDNTM, thực hiện tốt các phong trào “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, năm 2018 ấp được công nhận ấp văn hóa NTM. Năm 2020, toàn ấp hiện còn 08 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Điều đáng phấn khởi của một ấp vùng sâu, để các hộ vươn lên thoát khỏi hộ nghèo, ngoài thực hiện các chính sách dân tộc, đảng viên trong ấp đã hỗ trợ nhiệt tình đối với các hộ nghèo. Ông Tăng Minh Hoàng, Trưởng Ban nhân dân ấp Giồng Tranh A cho biết: với mong muốn ấp giảm tỷ lệ hộ nghèo đến mức thấp nhất (chỉ còn hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội) một số đảng viên trong ấp được phân công hỗ trợ, kèm cặp hộ nghèo, hướng dẫn người dân chuyển đổi sản xuất, trồng 02 vụ lúa, 01 vụ màu, nuôi bò, làm hồ… để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và chắt chiu xây dựng nhà cửa, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã nhiệt tình làm theo và thoát nghèo hiệu quả.
Cùng với đó, năm 2020, chi bộ tranh thủ sự đồng tình của Nhân dân, vận động 16 hộ dân sống dọc 02 bên đường hiến gần 2.000m2 đất xây dựng tuyến đường nhựa liên ấp Giồng Tranh A, Giồng Tranh B và ấp Bà Mốt, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, dài 2,8km. Vận động 06 hộ dân hiến 750m2 đất xây dựng tuyến đường nhựa dài 500m, kinh phí 01 tỷ đồng từ nguồn vận động Tết Quân - Dân năm 2021. Bà Thạch Thị Sa Mone, người dân trong ấp chia sẻ: được Nhà nước xây dựng tuyến đường nhựa thay thế tuyến đường đất trước đây, chúng tôi mừng lắm. Dù hiến hết bao nhiêu chiều dài đất tôi cũng đồng ý, chỉ mong có tuyến đường nhựa để người dân dễ đi lại khi trời mưa.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền huyện Trà Cú đã góp phần thúc đẩy việc củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, hoạt động của Đảng bộ cơ sở xã Long Hiệp. Thực tế cho thấy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ Khmer là người địa phương đã tạo dựng niềm tin, sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, tin rằng Long Hiệp sẽ sớm được công nhận xã NTM.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Bài 1: Đảng bộ huyện Châu Thành: Tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo lòng tin giữa Đảng với Nhân dân
Bài 2: Đảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: Giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.