28/12/2022 07:42
Sau khi đạt chuẩn ấp NTM nâng cao vào cuối năm 2021, Chi bộ ấp Đại Trường tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng ấp NTM kiểu mẫu và phấn đấu đạt trong năm 2023. Chi bộ ấp Đại Trường xác định XDNTM kiểu mẫu là nhằm góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp, việc đầu tiên ông Thạch Ngọc Sang bắt tay làm ngay là vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình mẫu gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình. Và, người tiên phong trong phong trào này, không ai khác đó chính là Bí thư Chi bộ ấp.
Ông Kim Thanh Cần, Chi ủy viên phụ trách địa bàn ấp Đại Trường cho biết: Với cương vị là Bí thư Chi bộ ấp Đại Trường, ông Thạch Ngọc Sang luôn phát huy vai trò “đầu tàu” của cán bộ, đảng viên tiên phong trong XDNTM. Để phát động phong trào, ông đưa những giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng thử nghiệm tại gia đình, sau đó triển khai rộng trong toàn ấp. Đồng thời, ông còn tuyên truyền, vận động Nhân dân hăng hái lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải tự vươn lên làm giàu bằng chính nội lực.
Một trong những mô hình được ông Sang áp dụng đầu tiên tại ấp là trồng dừa sử dụng phân hữu cơ từ phân bò. Mô hình không chỉ thu được thành quả đáng phấn khởi cho gia đình mà còn vận động khoảng 20 hộ dân ở ấp thực hiện theo với tổng diện tích trên 12ha và tổng đàn bò trên 200 con.
Hơn 05 năm qua, thấy được lợi thế của việc trồng dừa mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình, đặc biệt, phân bò luôn là nguồn dinh dưỡng giúp cho cây dừa hấp thụ, sinh trưởng tốt, ông Sang đầu tư khoảng 10 con bò sinh sản và mạnh dạn chuyển đổi diện tích gần 01ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa hữu cơ. Tận dụng đất trống trong vườn dừa, ông trồng cỏ dành làm thức ăn cho bò. Sau 03 năm chăm sóc, vườn dừa cho trái và đàn bò cũng bắt đầu xuất chuồng, thu về lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Anh Thạch Ngọc Thái, ấp Đại Trường chia sẻ: nhận thấy việc sử dụng phân hữu cơ để trồng dừa của ông Sang vừa giảm chi phí mua phân bón và vườn dừa phát triển tốt, nên gia đình tôi cũng mạnh dạn cải tạo 02 công đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa, đồng thời duy trì số lượng đàn bò khoảng 07 con để đủ nguồn phân bón cho cây dừa.
Mô hình trồng dừa hữu cơ không chỉ tạo điều kiện cho những hộ trung bình vươn lên khá giả mà còn là dấu ấn thoát nghèo cho những hộ nghèo khó như gia đình anh Kim Mỹ Mỹ.
Anh Mỹ cho biết: gia đình tôi thoát nghèo ở cuối năm 2021 cũng nhờ mô hình trồng dừa hữu cơ. Trước đó, gia đình có hơn 01 công đất ruộng của cha mẹ chia cho nhưng canh tác lúa năng suất không cao. Thấy vậy Bí thư Chi bộ ấp hướng dẫn cách cải tạo đất lúa sang trồng dừa. Gia đình tôi còn được tạo điều kiện để vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng, cộng với tiền dành dùm của gia đình mua 04 con bò về nuôi. Kinh tế gia đình từ đó dần dần khởi sắc.
Ông Thạch Ngọc Sang chăm sóc đàn bò của gia đình.
Mô hình “Trồng dừa hữu cơ” do ông Sang phát động không chỉ tạo “sức bật” phát triển kinh tế ở vùng quê nghèo có hơn 90% đồng bào Khmer sinh sống mà còn góp phần trong việc xây nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường ở ấp NTM Đại Trường.
Song song với mô hình trồng dừa hữu cơ, ông Sang còn tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn về chuyển giao khoa học - kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trực tiếp tham gia làm giáo viên các lớp dạy nghề tại ấp do các cơ sở đào tạo nghề hợp đồng giảng dạy. Hiện ấp có 06 tổ sản xuất lúa (trong đó có 02 tổ hợp tác với Cty ADC) với 154 thành viên, diện tích 205ha đang hoạt động có hiệu quả; 01 mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao với diện tích 0,3ha; mô hình nuôi bò kết hợp trồng dừa hữu cơ trên diện tích hơn 12ha…
Kinh tế phát triển, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của ấp Đại Trường qua từng năm. Hiện trên địa bàn ấp hộ khá, giàu tăng lên 80 hộ, hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 01 hộ (hộ nghèo do già yếu mất sức lao động). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/năm.
Ông Sang chia sẻ: khi bắt tay vào xây dựng ấp NTM, Chi bộ gặp không ít khó khăn, đặc biệt về tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Phần lớn người dân ở đây sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và một số hộ gia đình đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương dẫn đến khó khăn trong việc huy động người dân tham gia bảo hiểm.
Để khắc phục tình trạng trên, tôi cùng với một số đảng viên trong ấp phối hợp cùng Chi hội Phụ nữ ấp đến từng nhà vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu ý nghĩa của XDNTM và tự nguyên tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời thành lập Tổ hùn vốn mua bảo hiểm y tế do Chi hội Phụ nữ quản lý với 12 thành viên tham gia góp vốn 200.000 đồng/người/tháng. Kết quả, cuối năm 2021 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,76%, bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 71,05%, đưa ấp Đại Trường lên ấp NTM nâng cao vào cuối năm 2021. Hiện ấp đang phấn đấu để đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu vào năm 2023.
Hơn 18 năm với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp Đại Trường, ông Thạch Ngọc Sang đã nêu cao gương sáng của người đảng viên tận tụy với nhiệm vụ được giao, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của quê hương. Ông được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 03 năm liền, giai đoạn 2007 - 2009, và giữ vững thành tích là đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” hơn 10 năm qua.
Bài, ảnh: SỐC KHA
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.