25/10/2024 07:18
Ông Lê Tấn Hùng (phải), ấp Đa Hậu, xã Phước Hảo làm việc với nhân viên kỹ thuật Điện nông thôn Trà Vinh về hợp đồng gắn đồng hồ điện kế cho đường dây thắp sáng đường quê của ấp được đầu tư bằng kinh phí tiền bán đồng cho chủ chăn nuôi vịt.
Chi bộ ấp Đa Hậu có 31 đảng viên lãnh đạo chính quyền quản lý 12 tổ tự quản, có 289 hộ, với 2.347 nhân khẩu. Ấp có 120ha đất sản xuất nông nghiệp, trong tổng số 178ha diện tích đất tự nhiên. Đời sống của người dân địa phương chủ yếu là sản xuất 02 vụ lúa trong năm, một phần sản xuất cây màu và chăn nuôi. Ấp Đa Hậu thuộc địa bàn khu vực nội đồng của xã Phước Hảo, trước đây, giao thông đường bộ rất khó khăn trong việc đi lại, giao thương hàng hóa.
Sau khi thống nhất trong Ban Chi ủy Chi bộ lựa chọn xây dựng mô hình “Vận động Nhân dân hiến tiền đồng xây dựng nông thôn mới” nhằm phát huy sức dân - lợi cho dân, tháo gỡ khó khăn của giao thông đường bộ tại địa phương.
Được sự hiến kế của ông Trần Bá Lộc, người cao tuổi ở địa phương, với hình thức vận động hộ gia đình sản xuất lúa của ấp sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân bán đồng cho những người chăn nuôi vịt (gọi là nuôi vịt chạy đồng) để chăn thả vịt vào đồng ăn lúa rơi vải sau vụ mùa thu hoạch. Tiền bán đồng từ chủ nuôi vịt trả, các hộ sản xuất lúa của địa phương hiến toàn bộ cho ấp để đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ cho người dân trong ấp. Thực hiện mô hình, Chi bộ tiến hành triển khai trong cuộc họp lấy ý kiến thống nhất chung của tập thể. Sau đó, tổ chức họp dân (các hộ có đất sản xuất lúa) lấy ý kiến. Đồng thời, chi bộ lập danh sách các hộ sản xuất lúa trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, công khai. Xây dựng quy chế, hàng năm, công khai kinh phí thu, chi của mô hình cho đảng viên và người dân nắm trong định kỳ 06 tháng, 01 năm.
Từ năm 2012 đến nay, hàng năm, mô hình thu được từ bán đồng khoảng 30 triệu đồng đầu tư trải đá, nâng cấp mở rộng mặt đường và xây dựng, lắp đặt, sửa chữa đèn thắp sáng đường quê, vận động góp kinh phí xây dựng cầu giao thông trên địa bàn ấp... Mô hình luôn được nâng chất qua hàng năm, phát huy hiệu quả thiết thực. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương thuận tiện trong việc đi lại, thông thương hàng hóa nông sản, vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, nhất là học đi học dễ dàng, giảm đáng kể các vụ trộm cắp vặt xảy ra về đêm, tình hình trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân, người dân an tâm, chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần XDNTM.
Hơn 10 năm qua, mô hình đã đầu tư trải đá mặt đường và lắp đặt đèn đường trong ấp với chiều dài khoảng 3,5km và được tu bổ, sửa chữa hàng năm, kinh phí từ tiền bán đồng.
Nông dân Lê Tấn Hùng, gia đình sản xuất 01ha lúa 02 vụ/năm, cho biết: người dân trong ấp rất đồng tâm, hiệp lực trong việc đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng các công trình phục vụ dân sinh tại địa phương. Tiền bán đồng không đủ xây dựng công trình, người dân sẵn lòng góp thêm tiền để cùng nhau xây dựng”
Nông dân Trương Văn Hóa, gia đình sản xuất trên 02ha lúa, nói: ngoài việc đóng góp tiền bán đồng, hàng năm, chúng tôi góp công lao động khoảng 15 ngày công/năm.
Đồng chí Trương Hữu Toàn, Bí thư Chi bộ ấp Đa Hậu cho biết, mô hình “Vận động Nhân dân hiến tiền đồng xây dựng nông thôn mới” những năm đã thu hút các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm đến đóng góp ủng hộ kinh phí xây dựng được 06 cây cầu, mặt cầu rộng từ 1,5 đến 02m, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 550 triệu đồng. Trong đó, có một phần kinh phí đóng góp từ mô hình và ngày công lao động của người dân địa phương.
Với phong trào hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả phục vụ đời sống hàng ngày cho người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chung tay XDNTM, ngày 21/7/2024, ấp Đa Hậu được Chủ tịch UBND huyện Châu Thành ký quyết định công nhận ấp nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng chí Thạch Khởi Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hảo cho biết: mô hình “Vận động Nhân dân hiến tiền đồng xây dựng nông thôn mới” trong thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Chi bộ ấp Đa Hậu thực sự đi vào cuộc sống, thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực trong “Phát huy tài dân, sức dân - lợi cho dân”.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.