11/08/2021 08:57
Đảng bộ xã lãnh đạo thực hiện hiệu quả mô hình “Chuyển đổi kinh tế vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Mô hình trồng bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Nghị, ấp Bình Hội, xã Huyền Hội.
Đảng bộ xã Huyền Hội có 17 chi bộ, với 398 đảng viên. Toàn xã có 4.591 nhân khẩu, 11% là đồng bào Khmer. Khoảng 10 năm trước, Nhân dân trong xã sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp theo lối cũ, diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả và đất vườn tạp còn nhiều, hiệu quả kinh tế không cao. Người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xóa nghèo của địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05), Ban Chấp hành Đảng bộ xã thực hiện mô hình “Chuyển đổi kinh tế vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững” nhằm tăng cường chỉ đạo thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng nhanh diện tích trồng màu, diện tích vườn cây ăn trái, phát triển mạnh mô hình lúa - màu gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thúc đẩy nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Đảng ủy thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp và Ban vận động chuyển đổi vườn tạp, lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây màu nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 05 và Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2020.
Ông Phan Trường Khoa, Bí thư Đảng ủy xã Huyền Hội cho biết: để tuyên truyền, vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi đất sản xuất, Ban Thường vụ Đảng ủy xuống địa bàn các ấp dự cuộc họp dân, nội dung triển khai lấy kiến của người dân về chuyển đổi kinh tế và phương án thoát nghèo. Đảng ủy chỉ đạo cán bộ chuyên môn theo dõi việc phát triển cây trồng, vật nuôi theo đơn vị ấp mà xã đã quy hoạch. Đồng thời, cùng Nhân dân đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Thạch Bằng, Bí thư Chi bộ ấp Sóc cho biết: Chi bộ có 30 đảng viên, là một trong những ấp có đông đồng bào Khmer, ấp có 378 hộ, trong đó, có 250 hộ là đồng bào Khmer. Để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, Chi bộ đã quán triệt, triển khai đến đảng viên, Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể và Nhân dân trong ấp gắn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao. Từ đó, giúp nhiều hộ vươn lên ổn định cuộc sống.
Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp cùng với phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, từ năm 2017 đến nay, cấp ủy, chính quyền đã vận động 576 hộ chuyển đổi trên 152ha đất sản xuất. Trong đó, có 116ha chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và sản xuất màu; 36ha đất vườn tạp, trồng tre kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây ăn trái, sản xuất hoa màu, lợi nhuận bình quân từ 30 - 100 triệu đồng/ha.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình kinh tế được nhân rộng ở các địa phương, tăng cường các biện pháp hỗ trợ phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, vay vốn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân đầu tư sản xuất. Năm 2017, có 160 hộ mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích đất trồng kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng cỏ nuôi bò sinh sản. Từ Dự án Nâng cao năng lực nông hộ có hoàn cảnh khó khăn thông qua mô hình phát triển cộng đồng toàn diện của Heifer (Dự án Heifer), mỗi hộ được hỗ trợ 01 con bò cái và 03 triệu đồng để làm chuồng hoặc có thể sản xuất, mua bán nhỏ. Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả và nhân rộng được 432 thành viên, nâng tổng số đàn bò trên toàn xã là 4.651 con, tổng nguồn vốn quy ra thành tiền trên 10 tỷ đồng.
Đảng viên Thạch Nhỏ, chuyển 0,1ha đất trồng tre kém hiệu quả sang trồng đậu phộng lợi nhuận gấp 04 - 05 lần trồng tre, trồng lúa. Mô hình trồng bưởi 5 roi của ông Kim Tư, ở ấp Sóc, lợi nhuận bình quân 170 triệu đồng/ha. Hộ ông Nguyễn Văn Nghị, ấp Bình Hội, với mô hình bưởi da xanh cho lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của hộ bà Nguyễn Thị Út, ấp Lưu Tư, lợi nhuận bình quân trên 300 triệu đồng/ha. Mô hình trồng mít thái của hộ Nguyễn Văn Thôi, ấp Cầu Xây, tổng thu nhập 250 triệu đồng/ha. Các mô hình cho lợi nhuận cao từ 05 - 07 lần so với trồng lúa. |
Ngoài ra, xã tranh thủ nguồn vốn từ các Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (Dự án AMD) và chương trình giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ Nhân dân thực hiện các mô hình chăn nuôi gà thả vườn, gà đẻ trứng, nuôi bò sinh sản, nuôi heo… đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình nuôi gà lấy trứng kết hợp đệm lót sinh học được nhân rộng ở Ấp Sóc, Lưu Tư, Kinh A, Kinh B…
Thực hiện mô hình “Chuyển đổi kinh tế vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững” đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần xóa hộ nghèo ở địa phương. Năm 2016, toàn xã có 574 hộ nghèo, chiếm 15,08% và 276 hộ cận nghèo, chiếm 7,01%. Đến năm 2020, hộ nghèo toàn xã giảm còn 74 hộ, chiếm 1,08%, hộ cận nghèo giảm còn 194 hộ, chiếm 4,74%. Hộ khá vươn lên làm giàu ngày càng tăng, thu nhập bình quân năm 2016, là 33,5 triệu đồng/người/năm đến năm 2020, là 50,477 triệu đồng/người/năm. Năm 2018, Huyền Hội là xã đặc biệt khó khăn có 09/09 ấp nghèo, đến cuối năm 2020, xã còn 02/09 ấp nghèo.
Ông Phan Trường Khoa phấn khởi nói: thực hiện Chỉ thị số 05 đã tạo tiền đề để xã phát triển hơn nữa. Chúng tôi tổ chức cả hệ thống chính trị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, đoàn thể thực hiện nghiêm túc. Cấp ủy luôn thể hiện vai trò trung tâm, đoàn kết, gương mẫu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân trong xã nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là thực hiện hiệu quả mô hình “Chuyển đổi kinh tế vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững” đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần rất lớn vào việc thực hiện chủ trương mang tính cách mạng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà trọng tâm là XDNTM. Năm 2020, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.