06/04/2022 08:15
Ông Trần Trọng Thế, Phó ban Tuyên giáo xã Hiệp Hòa cho biết: Đảng bộ xã có 14 chi bộ trực thuộc với 231 đảng viên. Hiện nay, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã thật sự lan tỏa, tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp ở từng cơ quan, đơn vị; từng cá nhân cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên toàn xã.
Từ đó hình thành nhiều mô hình “làm theo” gương Bác thiết thực như: Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ của Chi bộ ấp Bình Tân, vận động Nhân dân tham gia vào tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học, thu nhập cao gấp 1,5 lần so với sản xuất lúa thường. Mô hình trồng màu tưới tiết kiệm nước của Chi bộ ấp Sóc Chuối, nông dân ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm được nguồn nước trong điều kiện nắng nóng, xâm nhập mặn. Chi bộ ấp Hòa Lục, Sóc Xoài, Sóc Chuối nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong vùng đồng bào Khmer thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua người có uy tín và Hội Săn khụm của ấp, góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Bí thư Chi bộ ấp Phiêu cho biết: Chi bộ có 22 đảng viên, một trong những hoạt động làm theo gương Bác được Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng là chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Bằng những cách làm cụ thể và hiệu quả như xem xét đề nghị các hội, đoàn thể xã tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn để hộ nghèo đầu tư phát triển kinh tế, chăn nuôi; thành lập các tổ đan đát, đan lục bình, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn…
Bà Kim Thị Ngọc Mai đan lục bình theo khung.
Nếu như trước đây hộ bà Kim Thị Ngọc Mai ở ấp Phiêu thuộc diện hộ nghèo, thì hiện nay gia đình bà Mai đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống cơ bản ổn định, nhờ vợ chồng đồng lòng, chăm chỉ làm ăn. Bà Mai chia sẻ: trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không đất sản xuất, mặc dù vợ chồng tôi siêng năng và tiết kiệm nhưng do không có nguồn vốn để xoay sở, không thể sửa lại nhà cho lành lặn, cái nghèo vẫn đeo đẳng.
Năm 2016, bà Mai được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ đề án giảm nghèo của huyện để sửa lại căn nhà. Năm 2018, bà tiếp tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cầu Ngang 40 triệu đồng mua bò nuôi sinh sản. Chăn nuôi hiệu quả, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo. Có vốn, vợ chồng bà Mai đầu tư mua thêm 02 con bò sinh sản. Cùng với đó, hàng ngày vợ chồng bà Mai đi làm thuê theo thời vụ, với giá khoảng 160.000 đồng/người/ngày. Buổi tối, tranh thủ làm thêm nghề đan đát theo khung, đan lục bình để kiếm thêm thu nhập. Đến cuối năm 2020, gia đình bà Mai thoát nghèo. Bà Mai chia sẻ: thoát nghèo được cả nhà tôi mừng lắm. Đó là quyết tâm lớn nhất mà vợ chồng tôi phải ráng làm. Giờ có nhà cửa đàng hoàng, tôi yên tâm lo làm trả nợ ngân hàng.
Chúng tôi gặp bà Lê Thị Kim Cương, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ đan đát, đan lục bình của Chi hội Phụ nữ ấp Phiêu, bà rất vui vẻ và không ngớt khoe thành tích của cá nhân và cả tổ đan đát, đan lục bình của ấp. Năm 2020, nhận thấy trong ấp còn nhiều phụ nữ nhàn rỗi, không việc làm ổn định, thu nhập chính nhờ vào công đi làm thuê của chồng nên cuộc sống bấp bênh. Được sự hỗ trợ dạy nghề đan đát theo khung từ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Ngang, Chi hội Phụ nữ ấp quyết định thành lập Tổ Phụ nữ đan đát ấp Phiêu và được duy trì đến nay. Tổ gồm 15 thành viên là hội viên Chi hội Phụ nữ ấp.
Hàng ngày, các chị đến nhà bà Lê Thị Kim Cương để nhận nguyên vật liệu về đan theo khung, theo mẫu sẵn có. Đan xong các chị đem sản phẩm đến nhà tổ trưởng giao và nhận tiền theo số lượng sản phẩm. Khi cả tổ đan hết nguyên liệu, công ty ở Đồng Tháp sẽ đến kiểm tra và nhận hàng. Năm 2022, tổ tiếp tục đan các sản phẩm bằng lục bình tự nhiên.
Bà Lê Thị Kim Cương cho biết: lúc đầu khi đan lục bình, công ty chở lục bình xuống giao nguyên liệu cho chúng tôi đan. Dần dần, chúng tôi nhận thấy trên những dòng kênh, dòng sông địa bàn ấp Phiêu có lục bình trôi tự nhiên mà không ai khai thác gây cản trở dòng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tôi cùng 03 thành viên trong tổ tiến hành khai thác lục bình tự nhiên phơi khô và bán lại cho công ty làm nguyên liệu đan.
Theo bà Lê Thị Kim Cương, lục bình khi vớt lên, sau khi phơi khô từ 01 - 02 nắng thì công ty sẽ thu mua, trung bình lục bình khô có giá dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Chồng bà vừa mổ khớp gối, mất sức lao động, chỉ làm được việc nhẹ nhàng, hàng ngày, ông phơi lục bình để bán, kiếm thêm thu nhập. Đây được xem là 01 công việc nhẹ, tạo động lực để ông làm thêm, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa có thêm thu nhập. Còn đối với ngọn lục bình non, bà Kim Cương dùng làm thức ăn cho bò, hiện bà nuôi 05 con bò sinh sản. Bò chỉ ăn ngọn lục bình non và rơm, không cần phải cắt cỏ.
Bà Thạch Thị Phèn thuộc diện hộ cận nghèo, chuyên khai thác lục bình phơi khô để bán. Cuộc sống của gia đình bà nhờ thu nhập từ trồng lúa, đi chài cá bán cùng với tham gia tổ đan đát và bán lục bình khô. Trong đó, nguồn thu từ đan đát và vớt lục bình phơi bán, 01 tháng bà thu nhập được trên 04 triệu đồng.
Ông Trần Trọng Thế cho biết thêm: đối với Chi bộ ấp Phiêu, mô hình Tổ Phụ nữ đan đát, đan lục bình là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ trên địa bàn, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của ấp xuống còn 18 hộ, cận nghèo 41 hộ. Từ những việc làm hiệu quả, Chi bộ ấp Phiêu đã đưa phong trào học tập và làm theo Bác ngày càng lan tỏa trong đời sống Nhân dân. Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả mô hình mang lại và có hướng đề xuất với Đảng ủy xã để nhân rộng mô hình ở các chi bộ ấp trên địa bàn xã.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.