22/09/2021 08:42
Với việc gắn học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua XDNTM, thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, Đảng bộ xã Đại Phước tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đảng bộ xã Đại Phước có 216 đảng viên sinh hoạt ở 15 chi bộ trực thuộc. Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đảng ủy xã bám sát sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Huyện ủy, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05 phù hợp với nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của địa phương, nhất là trong thời điểm xã đang XDNTM nâng cao và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bám sát nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội từng năm của Đảng ủy, các chi bộ và đảng viên trong xã đăng ký thực hiện các mô hình học và làm theo Bác gắn với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện thâm canh tăng vụ, cải tạo đất. Nhiều đảng viên đã tiên phong, gương mẫu cải tạo đất kém hiệu quả sang trồng dừa xen canh ca cao, trồng lác, thanh long ruột đỏ; nuôi nhữ thủy sản, gia súc, gia cầm.
Để động viên cán bộ, đảng viên, nông dân thực hiện các mô hình, UBND xã triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh “Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025”.
Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại ấp Trung.
Trong những tháng đầu năm, toàn xã có 313ha đất trồng lác, với năng suất 11,2 tấn/ha, đạt 53,6% nghị quyết; 7,2ha đất trồng ca cao xen dừa, tổng diện tích đất trồng dừa là 720,4ha, sản lượng 6,3 triệu trái; thanh long ruột đỏ chiếm 17ha. Đàn gia súc có 4.877 con, đạt 98% nghị quyết, đàn gia cầm 189.000 con, đạt 94% nghị quyết. Toàn xã có 676 hộ kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ước đạt 65,3 tỷ đồng, đạt 52,3% chỉ tiêu nghị quyết. Thành lập mới 03 doanh nghiệp, đạt 100%, đến nay xã có 14 doanh nghiệp.
Năm 2020, đã xóa 16 hộ nghèo, hiện còn 20 hộ nghèo, chiếm 0,81% tỷ lệ hộ dân toàn xã. Những tháng đầu năm 2021, giới thiệu việc làm mới cho 137 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh, đạt 62% nghị quyết. Thu nhập bình quân đạt 56,4 triệu đồng/người/năm.
Trong XDNTM, cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong trong thực hiện các phong trào, ông Lê Văn Nhớ, Bí thư Chi bộ ấp Trung cho biết: ấp có 271 hộ dân, với 1.582 nhân khẩu, 15 đảng viên, 98% người dân theo đạo công giáo.
Một trong những hoạt động làm theo gương Bác được Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng là xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng”. Chi bộ vận động Nhân dân đóng góp từ 240.000 - 320.000 đồng/hộ và vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua 226 trụ đèn, mắc 04 tuyến đèn đường trong ấp, với chiều dài gần 07km. Vận động Nhân dân trồng hoa dọc các tuyến đường, thường xuyên ra quân thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”.
Hiện nay, xã đạt 16 tiêu chí XDNTM nâng cao, 1.815/2.025 hộ đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 89,6%; 08/08 ấp đạt ấp văn hóa nông thôn mới. Xã đang tiếp tục thực hiện các quy trình, thủ tục công nhận “ấp văn hóa - nông thôn mới”, “gia đình văn hóa - nông thôn mới”. Năm 2021, xã tiếp tục hoàn thiện các công trình xây dựng cơ bản, giao thông nông thôn để đảm bảo và nâng chất các tiêu chí XDNTM; phối hợp đơn vị thi công sửa lại một số hạng mục Nhà văn hóa ấp Trung, ấp Hạ; đường đal nông thôn, cầu Rạch Dừa 1, Rạch Dừa 2. Triển khai xây dựng 01 cầu nông thôn ấp Rạch Dừa, kinh phí 63 triệu đồng do mạnh thường quân và Nhân dân đóng góp. Tổ chức bàn giao mặt bằng và khởi công xây dựng công trình di, dân sạt lở giai đoạn 2 với diện tích 4.450m2 để hỗ trợ, bố trí cho các hộ dân có nguy cơ sạt lở do triều cường cặp tuyến đê sông Cổ Chiên.
Cùng với những chuyển biến trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, hiện nay, việc học tập và làm theo Bác trên địa bàn xã được gắn với tinh thần chủ động, ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Từ khi xuất hiện dịch bệnh đến nay, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Theo dõi, quản lý và thực hiện khai báo y tế, cách ly theo quy định. Xã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các ấp thành lập 67 tổ Covid-19 cộng đồng, với 201 thành viên, quản lý 2.361 hộ. Triển khai đăng ký thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với Ban quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Hàng ngày, trạm truyền thanh xã tiếp sóng 02 lần/ngày, nhằm tuyền truyền các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để người dân tuân thủ, chấp hành. Chủ động trực 24/24 giờ để nắm bắt, phát hiện tình hình trong Nhân dân. Thống kê, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với người bệnh để hướng dẫn cách ly y tế và thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Xã thực hiện nghiêm Công văn số 3875/UBND-KGVX, ngày 03/9/2021 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn xây dựng “pháo đài” phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở xã, phường, thị trấn.
Ông Phạm Văn Nghĩa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Phước cho biết: việc học tập và làm theo Bác luôn gắn với XDNTM, thực hiện các cuộc vận động, phong trào ở địa phương. Từ đó, xã có sự “thay da đổi thịt” rõ rệt. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng gắn bó với Nhân dân. Công tác vận động Nhân dân được dễ dàng, nhanh chóng và thực hiện có hiệu quả các phong trào đề ra. Đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng cao mọi mặt, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, sớm xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.