15/06/2023 07:13
Đồng chí Trầm Hải Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Đôn Xuân cho biết: Đảng ủy xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều hội nghị học tập, quán triệt. Cùng với đó, Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch, đưa việc học và làm theo Bác vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, chỉ đạo UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các chi bộ xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Hằng năm, các ngành, đoàn thể, các chi bộ và mỗi cán bộ, đảng viên chọn từ 01-02 việc làm theo để thực hiện.
Trong học tập và làm theo Bác, Đảng ủy xã cũng chú trọng phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Theo đó, cán bộ chủ chốt, trực tiếp là bí thư cấp ủy, trưởng các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch cá nhân học Bác bằng những việc làm cụ thể như tự mình gương mẫu học trước, làm trước; cải tiến lề lối, tác phong làm việc; khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả công việc; lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc Nhân dân quan tâm, kiến nghị để tập trung chỉ đạo giải quyết có hiệu quả.
Qua học tập và làm theo Bác, Đảng bộ xã đã lan tỏa nhiều phong trào thi đua thiết thực, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia như: phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh; nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, Thanh niên lập nghiệp... Nửa nhiệm kỳ qua, xã có 22 mô hình học tập và làm theo Bác; có 17 tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng qua các hình thức.
Thông qua những việc làm cụ thể của các tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực đã góp phần giúp xã Đôn Xuân hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã triển khai thực hiện 19 chỉ tiêu nghị quyết, hiện có 09 chỉ tiêu đạt từ 50 - 75%, 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Xã khai thác các nguồn đầu tư cho xây dựng cơ bản, có 27 công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng như đường giao thông, cơ sở vật chất trường học, các công trình phục vụ cho sản xuất và đời sống, làm thay đổi diện mạo nông thôn của xã. Các công trình Nhân dân đầu tư, xây dựng ngày càng nhiều, xã có 635 căn nhà, xưởng được tu sửa, xây mới, giá trị ước đạt 575,24 tỷ đồng. Nổi bật hơn cả là xã đã xây dựng thành công xã NTM vào năm 2022. Toàn xã hiện có 3.317/3.437 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa NTM, chiếm 96% số hộ, tăng 3,35% so với đầu nhiệm kỳ.
Ông Hà Văn Thanh, Trưởng Ban Nhân dân ấp Bà Nhì cho biết: toàn ấp có 385 hộ; người dân sống chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, màu kết hợp nuôi tôm, số ít mua bán nhỏ. Trong đó, có 56 hộ nuôi vọp với diện tích hơn 01ha. Ấp thành lập 02 tổ mô hình nuôi vọp của chi đoàn ấp và chi hội cựu chiến binh ấp với 16 thành viên, số ít hộ gia đình tự phát nuôi nhỏ lẻ.
Ông Thạch Văn Mư (bìa phải) trao đổi về quy mô, diện tích nuôi vọp của gia đình.
Ông Thạch Văn Mư, 74 tuổi ngụ ấp Bà Nhì là hộ đầu tiên trong ấp nuôi vọp với quy mô lớn. Theo lời kể của ông Mư, khoảng 20 năm trước, vọp là loài hải sản tự nhiên, xuất hiện rất nhiều ở các ngạn. Khi nước cạn, người dân trong ấp bắt ăn, một số hộ nuôi số lượng ít phục vụ bữa ăn gia đình, chưa ai nuôi vọp bán để kiếm thu nhập vì giá rất rẻ.
Nhận thấy vọp dễ nuôi, không tốn chi phí thức ăn nên ông Mư nuôi số ít để ăn, số còn lại ai cần mua thì bán. Dần dần, nhiều người hỏi mua, ông bán được nhiều hơn, giá cũng cao hơn. Thấy vậy, hộ dân trong ấp nuôi theo. Hiện nay, ông Mư đã mở rộng nuôi khoảng 3.000m2 mặt nước để nuôi vọp, trung bình 01 công ông thả hơn 150.000 con vọp, tiền con giống gần 100 triệu đồng. Sau 02 năm nuôi, đạt 13 - 14 con/kg, giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng.
Ông Thạch Văn Mư nói: vọp rất dễ sống, không tốn công chăm sóc, lại không tốn thức ăn. Tôi thả nuôi liên tục hàng năm nên có vọp bán liên tục, lứa này vừa hết đến lứa sau cũng kịp lớn, đủ trọng lượng 13-14 con/kg; vọp càng lớn thì giá càng cao. Ngoài nuôi vọp, ông còn nuôi cua thương phẩm với diện tích gần 2,5ha đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Xuân cho biết: Ngoài nuôi tôm, cua thì địa phương cũng vận động người dân đa canh, đa con để tăng thu nhập. Đặc biệt, ấp Bà Nhì có mô hình nuôi vọp mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập. Hiện có 04 đoàn viên ấp Bà Nhì được Tỉnh Đoàn hỗ trợ vốn nuôi vọp, tổng kinh phí 200 triệu đồng. Hiện nay, xã đang phối hợp với ngành chuyên môn tập huấn kỹ thuật cho người dân về cách nuôi, thời vụ xuống giống, tìm đầu ra để mở rộng mô hình, đảm bảo nuôi hàng năm.
Song song đó, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nông - ngư nghiệp đạt kết quả quan trọng, đã phát huy được lợi thế của từng vùng sản xuất, nâng giá trị trên cùng một diện tích. Kết quả, các hộ dân đã chuyển đổi 119ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cỏ nuôi bò, cây ăn quả; hơn 55ha từ nuôi quảng canh sang thâm canh và thâm canh mật độ cao.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển. Lĩnh vực văn hóa - giáo dục, y tế phát triển toàn diện, giới thiệu 827 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh và 14 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, giảm 241 hộ nghèo, hiện số hộ nghèo toàn xã còn 82 hộ, chiếm 2,4%. Lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chăm lo gia đình chính sách, an sinh xã hội hàng năm đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bí thư Đảng ủy xã Trầm Hải Vũ cho biết: thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), trọng tâm là thực hiện đạt kết quả cao chuyên đề năm 2023. Đảng bộ xã tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc;
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường lãnh đạo phát triển kinh tế, chủ yếu là trồng màu và nuôi thủy sản; chăm lo công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.