07/04/2021 05:55
Xã Hiếu Trung hiện có 06 ấp, với 2.690 hộ dân, đồng bào Khmer chiếm 20% dân số. Trước đây, Hiếu Trung là xã nông nghiệp nhưng hiện nay xã đang chuyển dịch theo hướng cơ giới hóa nông nghiệp, vận động Nhân dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, hoa màu mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời, vận động các hộ dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ đan đát, trồng rau an toàn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Ông Huỳnh Văn Lý, Bí thư Đảng ủy xã Hiếu Trung cho biết: “toàn Đảng bộ có 13 chi bộ, 292 đảng viên, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác tạo động lực cho xã phát triển tốt hơn. Hàng năm, chúng tôi tổ chức cả hệ thống chính trị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, đoàn thể thực hiện nghiêm túc. Cấp ủy tập trung lãnh đạo, tạo mối đoàn kết, gắn bó để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân nắm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Một số mô hình có hiệu quả thiết thực, như: mô hình chung tay cùng nhà trường giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn; gây quỹ tái hòa nhập cộng đồng; tổ lao động đơn giản; chuyển đổi đất giồng cát trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu; nuôi vịt xiêm giống pháp lai… trong đó, các cơ sở gia công các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp tại gia đình đã phát huy hiệu quả, giúp hội viên phụ nữ có việc làm tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống”.
Việc nhận gia công các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, đan đát là công việc không nặng nhọc, chỉ cần để ý và có chút khéo léo sẽ làm được, kể cả nam lẫn nữ. Bà Kim Thị Sa Rum, ấp Tân Trung Giồng A nói với tôi, “trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, ruộng đất ít, 02 đứa con nhỏ còn trong độ tuổi ăn học. Chồng tôi ở nhà ai mướn gì làm đó nhưng tiền làm được cũng không thấm vào đâu. May nhờ có nghề đan đát gia công tại nhà của cô Vân nên chị em trong ấp rủ làm theo. Lúc rảnh rỗi thì chị đến cơ sở của cô Vân đan cùng với chị em cho vui, khi bận việc thì nhận nguyên liệu về nhà làm, mỗi tháng thu nhập 03 - 04 triệu đồng”.
Bà Lưu Thị Lập, ấp Tân Trung Giồng A cho biết: “tôi làm công việc gia công các mặt hàng, đan giỏ, sọt nhựa được gần 04 năm nay, nhà không ruộng đất, lúc trước tôi đi làm thuê kiếm sống, từ ngày có công việc gia công các mặt hàng này, tôi nhận về nhà làm. Nhờ vậy, tôi vừa làm được việc nhà, cắt cỏ cho bò, vừa tranh thủ thời gian đan gia công. Nhờ chắt chiu tiết kiệm, chí thú làm ăn, tôi thoát khỏi hộ cận nghèo năm 2019”.
Ông Huỳnh Văn Lý cho biết thêm: hiện nay, trên địa bàn xã có 03 cơ sở gia công các mặt hàng đan đát, góp phần tạo việc làm cho trên 250 lao động nông thôn. Đồng thời, các hội, đoàn thể xã thành lập các mô hình tổ góp vốn xoay vòng, tổ tiết kiệm, vốn tiết kiệm tín dụng, hoạt động khởi nghiệp để vận động và hỗ trợ đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Nhờ đó, năm 2020, xã có 14 hộ thoát nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,37%.
Thời gian tới, Đảng ủy tiếp tục nhân rộng các mô hình phát huy hiệu quả, nhất là vận động các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ phát triển thành cơ sở, tổ hợp tác để tập hợp Nhân dân vào tham gia, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đảng bộ xã Hiếu Trung tiếp tục vận động Nhân dân học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và giảm nghèo bền vững.
Bà Cao Thị Cẩm Vân bên mặt hàng sọt nhựa đan. Theo sự hướng dẫn của cán bộ xã, chúng tôi gặp gỡ hộ bà Cao Thị Cẩm Vân, tổ trưởng gia công các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp ấp Tân Trung Giồng A, bà Vân chia sẻ: “năm 2016, hoàn cảnh gia đình tôi thuộc diện đủ ăn trong xã. Tôi làm giáo viên và là hội viên phụ nữ ấp, lúc đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã có mở lớp dạy nghề đan đát nên tôi được tham gia tập huấn và nhận một số mặt hàng về để gia công vào buổi tối và các ngày nghỉ trong tuần. Dần dần, khi đan quen tay, tôi cũng đan được số lượng nhiều và được doanh nghiệp tin tưởng nên đã giao cho tôi nguyên liệu, mẫu, khung với số lượng lớn. Tôi nhận hàng và phân phối cho các chị gia công. Hiện nay, trung bình 01 tuần cơ sở gia công và giao hàng trên 30.000 sản phẩm các loại cho các công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tạo việc làm cho trên 100 lao động trong và ngoài xã”. Bà Cao Thị Cẩm Vân cho biết thêm: “thực tế công tác đào tạo nghề của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ và chính quyền địa phương rất có hiệu quả, đối với cơ sở chúng tôi, hiện không chỉ giải quyết cho hàng trăm lao động không chỉ trong xã mà còn rải rác ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Cầu Kè, giúp họ thoát được cảnh khó khăn, túng thiếu. Nghề đan đát không khó mà giá tiền công được trả cao thấp tùy theo sản phẩm, bình quân sọt nhỏ nhất, các chị được trả từ 7.000 - 10.000 đồng/sọt, sọt lớn từ 60.000 - 70.000 đồng/sọt. Có nhiều chị tuổi trung niên, khó xin việc làm, nhờ nghề đan đát mà thu nhập đều đặn, thu nhập từ 03 - 04 triệu đồng/tháng”. |
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.