20/08/2020 09:10
Ngôi nhà bà Thạch Thị On được cất năm 2010 từ nguồn vốn của tổ tiết kiệm.
Ông Nguyễn Văn Hừng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tân cho biết: Đảng bộ xã Hòa Tân có 14 chi bộ trực thuộc với 248 đảng viên. Qua 04 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong toàn Đảng bộ, thúc đẩy kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, an ninh chính trị được giữ vững, chính sách xã hội được quan tâm và góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực; tác phong làm việc sâu sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe, tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị số 05 đã đi vào cuộc sống khi ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, nổi bật như: mô hình trồng đinh lăng tạo cảnh quan môi trường góp phần nâng cao kinh tế hộ; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; công tác vận động làm đẹp khuôn viên trường gắn với XDNTM; công tác vận động quần chúng Nhân dân thực hiện xã hội hóa chung tay XDNTM. Nổi bật là mô hình “Phụ nữ dân tộc với mô hình tiết kiệm phát triển kinh tế gia đình theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” (tổ tiết kiệm) của Chi hội Phụ nữ ấp Sóc Ruộng.
Cùng cán bộ phụ nữ xã, chúng tôi đến nhà bà Thạch Thị On, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sóc Ruộng, bà On chia sẻ: khoảng năm 2010, ở ấp Sóc Ruộng rất ít nhà tường, đa số là nhà lá, còn nhiều nhà dột nát, ấp có 100% hội viên phụ nữ là đồng bào Khmer. Ngày nay, thay đổi nhiều, từ diện mạo ấp cho đến cuộc sống người dân, ấp không còn hội viên nghèo. Tôi thấy rất phấn khởi. Nhìn chung, chị em hội viên hàng ngày đều đi làm thuê theo mùa vụ, số ít có vốn thì buôn bán nhỏ lo cho cuộc sống gia đình, không có số vốn lớn để cất lại nhà cửa nên một số chị em nghèo vẫn còn nghèo. Tôi nhận thấy, đa số chị em đều chịu khó đi làm thuê, mỗi ngày cũng kiếm ra tiền nhưng chỉ là chưa tiết kiệm được số tiền lớn được. Từ đó, tôi tập hợp và vận động chị em tham gia tổ tiết kiệm bằng cách hùn vàng để có được số tiền lớn cất lại nhà cửa hoặc mua sắm vật dụng gia đình. Đây cũng là mô hình thiết thực vận động hội viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Lúc đầu, tổ có 20 chị em tham gia, 03 tháng tổ họp 01 lần, mỗi thành viên hùn 01 chỉ vàng và sẽ có 01 chị nhận được số vàng đó, bà Thạch Thị On nói: tôi nhớ lúc đó vàng 24kara khoảng 2,5 triệu/chỉ, mỗi lần hốt, một chị nhận được gần 50 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn mà nhiều chị sử dụng để xây nhà kiên cố, chuộc lại đất sản xuất. Nhờ vậy, nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Tôi cũng tham gia vào tổ, khi đó tôi nhận vàng xong, bán ra, tôi lấy vốn cùng với số tiền dành dụm thêm, tôi cất lại căn nhà cấp 4, cơ bản kiên cố và ở đến bây giờ.
Còn đối với chị Thạch Thị Si Nga, thành viên tổ tiết kiệm cho biết: lúc tham gia mô hình tôi còn là hộ nghèo, không đất sản xuất, vợ chồng đi làm thuê theo mùa vụ thường thì xịt thuốc, dặm lúa cũng ráng dành dụm tiền hàng ngày để tham gia tổ tiết kiệm. Nhờ đó, khi được nhận số vàng từ tổ tiết kiệm, tôi bán ra lấy tiền để sửa lại nhà cửa và trích một phần làm vốn mua bán tạp hóa nhỏ tại nhà. Mỗi ngày, tôi chạy xe bán rau cải, thịt, cá từ chợ về nhà, ông xã thì làm thuê, cứ chắt chiu, tiết kiệm, tham gia tổ tiết kiệm như thế, đến năm 2016, tôi đã vươn lên thoát nghèo. Tôi mừng lắm. Chị Thạch Thị Đẹp cũng vậy, tham gia tổ tiết kiệm, khi nhận được 20 chỉ vàng, bán ra (ở thời điểm khoảng năm 2013) được gần 55 triệu đồng, chị đã chuộc lại 02 công đất trồng lúa và làm vốn để mua sắm vật dụng gia đình.
Bà Thạch Thị On cho biết thêm: nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, năm 2015, có thêm 10 hội viên tham gia vào tổ tiết kiệm, nâng tổng số thành viên của tổ tiết kiệm hiện có 30 người. Đồng thời, để mô hình được thực hiện công tâm, khách quan, có sự bàn bạc, thuận vợ, thuận chồng, tổ đã cho ông Thạch Dinh, là chồng của 01 chị là thành viên trong tổ làm tổ phó. Ông Thạch Dinh cho biết: tôi thấy mô hình rất ý nghĩa, giúp được rất nhiều chị em phụ nữ. Điều quan trọng là phải có uy tín và tin tưởng lẫn nhau. Bởi, tiết kiệm bằng cách hùn 01 chỉ vàng, thời điểm này vàng có giá cao nên khi quy ra tiền thì số tiền rất lớn nên cần có sự bàn bạc, thống nhất trong gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Tân cho biết: mô hình tiết kiệm của Chi hội Phụ nữ ấp Sóc Ruộng hoạt động hiệu quả, thiết thực, thu hút được nhiều hội viên tham gia. Điều đặc biệt là không phải hùn vốn bằng tiền mà bằng vàng, nên khi bán số vàng ra thì cũng được số tiền lớn, có thể trang trải được nhiều việc. Tính từ khi thành lập mô hình tổ tiết kiệm đến nay, có 30 chị tham gia, số tiền cao nhất mà các chị nhận được là 165 triệu đồng, đã giúp cho 40 lượt chị em mượn để phát triển kinh tế, mua sắm vật dụng gia đình. Nhờ vậy, có 02 hội viên thoát nghèo và 28 hội viên khó khăn vươn lên khá, giàu. Hiện nay toàn ấp không còn hội viên phụ nữ nghèo. Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các chi hội ấp với mong muốn toàn xã không còn hội viên phụ nữ nghèo.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.