20/10/2021 09:59
Cả cộng đồng đã chung tay hỗ trợ học bổng, nhận đỡ đầu, tiết kiệm nuôi heo đất…để cùng chăm lo, tiếp sức cho học sinh, sinh viên khó khăn, gia đình nghèo. Qua đó, góp phần vận động toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đây là mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết thực, được Đảng ủy xã Hòa Thuận chỉ đạo duy trì thực hiện hàng năm.
Em Sơn Quách Minh Anh học online tại nhà. |
Hòa Thuận có 09 ấp với 3.864 hộ dân, đồng bào Khmer chiếm 23,6%, người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, số còn lại kinh doanh, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và đánh bắt thủy sản. Để phát huy vai trò của Hội KH trong việc hỗ trợ học sinh nghèo, xây dựng xã hội học tập, hàng năm, Hội KH xã đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm cùng chăm lo, tiếp sức cho học sinh, như tặng học bổng, xe đạp, góc học tập, dụng cụ học tập… cùng chung tay, góp sức chăm lo cho các em được tiếp bước đến trường.
Ông Thạch Sua Sa Đây, Chủ tịch Hội KH xã Hòa Thuận cho biết: nhiều năm qua, Hội KH xã luôn chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể và trung tâm học tập cộng đồng đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học đối với cá nhân, gia đình, dòng họ và toàn xã hội, nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định số 281-QĐ/TTg, ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (Đề án 281).
Ấp Đầu Bờ, là 01 trong 09 ấp của xã có truyền thống hiếu học, bà Kim Tuyết Mai, Chi hội trưởng Chi hội KH ấp chia sẻ: sau khi tiếp thu Đề án 281 về việc xây dựng các danh hiệu gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, chúng tôi tham mưu Ban Nhân dân ấp triển khai vận động trong cán bộ, đảng viên thành lập tổ KH lồng ghép với tổ tự quản.
Với nhiệm vụ vừa là Chi hội trưởng Chi hội KH vừa là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, mỗi lần sinh hoạt chi hội, tôi lồng ghép tuyên truyền công tác giáo dục, KH, KT, giới thiệu các gia đình học tập, dòng họ học tập, tấm gương nghèo vượt khó học giỏi. Tuyên truyền về trách nhiệm, nhận thức của cha mẹ trong việc nuôi dạy, chăm lo cho con cái được học hành thành đạt. Tôi thường xuyên phối hợp với Ban Quản trị các chùa Khmer tuyên truyền đến đồng bào Phật tử quan tâm, chăm lo cho con em đến trường, nuôi con khỏe, dạy con ngoan…nhờ vậy, phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập được các gia đình quan tâm nhiều hơn.
Hiện, ấp Đầu Bờ có 26/26 tổ KH, 572/624 hộ đạt danh hiệu Gia đình học tập, đạt 87,7%. Trong đó, có 300 gia đình học tập tiên tiến, 215 gia đình học tập xuất sắc, 01 dòng họ Thạch đạt danh hiệu dòng họ học tập. 05 năm liền, ấp được công nhận và tái công nhận cộng đồng học tập tiên tiến.
Theo bà Kim Tuyết Mai, giai đoạn 2016-2020, Chi hội KH ấp vận động nhà hảo tâm hỗ trợ dụng cụ học tập cho 128 học sinh nghèo, vận động được 6.500 quyển tập, 10 cái cặp hỗ trợ cho các em. Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chi hội vận động hội viên thực hiện mô hình “tiết kiệm nuôi heo đất KH”. Qua vận động, toàn ấp nuôi được 280 heo đất KH, tiết kiệm được trên 1,1 tỷ đồng. Các gia đình dùng khoản tiền nuôi heo đất KH chăm lo, mua dụng cụ học tập, quần áo cho các em vào năm học mới.
Bạn Sơn Quách Minh Anh, ngụ ấp Đầu Bờ, hiện là học sinh lớp 12A9, Trường THPT Phạm Thái Bường, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hàng ngày bạn sống trong sự yêu thương, đùm bọc của mẹ trong ngôi nhà nhỏ, thiếu vắng tình cha. Tuy vậy, 12 năm liền Minh Anh luôn là học sinh giỏi, hàng năm luôn được Chi hội KH ấp và Hội KH xã hỗ trợ học bổng, tập, viết để tiếp thêm động lực, niềm tin tiếp tục cắp sách đến trường.
Minh Anh chia sẻ: “thấy mẹ cực nhọc đi làm phụ hồ mỗi ngày dù mưa hay nắng, em thương mẹ lắm. Em cố gắng học giỏi để mẹ yên tâm và vui lòng. Mỗi năm học, em đều được hỗ trợ tập, quà hoặc học bổng. Năm học lớp 12 này, em vừa hoàn thành bộ hồ sơ gửi về Hội KH xã để được xét nhận học bổng Quỹ Thiện Tâm. Đây là niềm động viên tinh thần rất lớn để em tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình”. Bạn dự định sẽ xét tuyển vào ngành Báo chí - Truyền thông.
Qua 05 năm thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Đề án 281, Hội KH xã Hòa Thuận đã xây dựng được 2.991 gia đình hiếu học, 07 dòng họ hiếu học, 09/09 ấp, 145 tổ tự quản đạt được công nhận cộng đồng học tập, có 03 trường học, 01 cơ quan và 03 cơ sở tôn giáo đạt danh hiệu đơn vị học tập.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, vận động xây dựng quỹ KH, Hội KH xã đã vận động tiền và hiện vật trên 02 tỷ đồng (gồm 02 căn nhà, 27 xe đạp, 01 ti-vi, 72.000 quyển tập và nhiều quần áo, dụng cụ học tập…) trao cho 1.759 lượt học sinh nghèo, khó khăn trên địa bàn. Hội vận động hội viên, Nhân dân, học sinh thực hiện phong trào tiết kiệm “nuôi heo đất”, trong 05 năm, toàn xã nuôi được 338 heo đất tập thể, 6.304 heo đất cá nhân, với tổng số tiền tiết kiệm hơn 2,5 tỷ đồng.
Hàng năm, Hội KH xã luôn duy trì mô hình nhận đỡ đầu học sinh nghèo. Năm học 2020-2021, Hội KH vận động tập thể, cá nhân nhận đỡ đầu 48 học sinh, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà các em được nhận đỡ đầu 01 năm hoặc hết cấp học. Hội tham gia vận động 13/57 học sinh bỏ học giữa chừng trở lại lớp. Song song đó, Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện cho Nhân dân nhiều độ tuổi đều được tham gia học tập với phương châm “ai cần gì học nấy”, “học để hành”. 05 năm qua, Trung tâm học tập cộng đồng mở 408 lớp học nghề ngắn hạn, tập huấn, tuyên truyền…nhờ đó, các hộ dân đã ý thực tự học vươn lên, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,45%, tương đương 56 hộ, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân 51,2 triệu đồng/người/năm.
Với những việc làm thiết thực của từng gia đình, dòng họ, sự quan tâm, chia sẻ của các ngành, đoàn thể, mạnh thường quân và Hội KH xã đã trở thành đòn bẩy đưa phong trào KH, KT, xây dựng xã hội học tập ở Hòa Thuận luôn được lan tỏa. Đây là động lực để các em học sinh ngày càng phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.