20/04/2021 05:47
Bà Dương Thị Huỳnh Anh đan đát tại nhà.
Xã Hưng Mỹ hiện có 14 chi bộ, 266 đảng viên, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 05 năm qua, cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương đã chung sức, đồng lòng tích cực tham gia các phong trào, mô hình do Đảng ủy, chi bộ phát động, đặc biệt là tham gia xây dựng xã NTM nâng cao. Đảng bộ chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thúc đẩy sản xuất, tuyên truyền, vận động các chi bộ lựa chọn đăng ký thực hiện các mô hình gắn với khâu đột phá, thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương mang lại kinh tế cao.
Ông Đoàn Văn Bính, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Mỹ cho biết: thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với xây dựng xã NTM nâng cao, hàng năm, Đảng ủy tuyên truyền, quán triệt các chi bộ thực hiện các mô hình gắn với 02 nội dung đột phá. Đối với nội dung thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, hiện nay, Nhân dân toàn xã đã chuyển đổi được 94,1ha đất. Trong đó, chuyển đổi từ đất lúa sang màu 29,81ha, tập trung ở các ấp Ngãi Hiệp, Bà Trầm, Đại Thôn; chuyển sang trồng dừa kết hợp bưởi da xanh 52,19ha, ở các ấp Rạch Giữa, Bà Trầm, Rạch Vồn; chuyển sang nuôi trồng thủy sản 12,1ha ở ấp Ngãi Lợi, Bà Trầm, Cồn Cò. Sau khi chuyển đổi, Nhân dân sản xuất đạt năng suất cao, bình quân 01ha thu nhập từ 110 - 140 triệu đồng/ha/năm.
Bà Dương Thị Huỳnh Anh, Bí thư Chi bộ ấp Ngãi Lợi cho biết: trong thực hiện Chỉ thị số 05, ngoài thực hiện nội dung đột phá của Đảng ủy xã, Chi bộ vận động các hộ dân, nhất là hội viên phụ nữ tham gia mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng, giải quyết việc làm ấp Ngãi Lợi”. Theo đó, để thực hiện mô hình, với lợi thế bản thân là Bí thư chi bộ nữ nên việc vận động chị em tham gia tổ tiết kiệm tín dụng được thuận lợi, dễ dàng hơn, cụ thể: tham gia mô hình đan đát đang được thực hiện hiệu quả trên địa bàn ấp. Tổ tiết kiệm tín dụng được các chị em tham gia đầy đủ, nhiệt tình và đạt hiệu quả là do hầu hết chị em đều tham gia tổ đan đát. Qua đó, hàng tuần khi chị em được nhận tiền công thì các chị trích từ 50.000 - 200.000 đồng/chị để tham gia tổ tiết kiệm tín dụng. Nhờ đó, nhiều chị có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo hiệu quả.
Hiện, toàn ấp duy trì được 04 tổ phụ nữ đan đát, góp phần tạo việc làm cho trên 140 lao động nữ tại ấp. Cụ thể, đối với Tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng, giải quyết việc làm do bà Huỳnh Anh làm tổ trưởng có khoảng 55 chị em tham gia, với công việc phù hợp, làm vào những lúc nhàn rỗi, chị em có thể vừa làm được việc nhà, chăn nuôi, tranh thủ thời gian thực hiện công việc đan đát. Được biết, năm 2014, bà Huỳnh Anh lên tận công ty ở Khu Công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long để ký hợp đồng, từ đó, hàng tuần xe công ty chở nguyên liệu giao cho bà, bà phân phối cho thợ nhận về đan. Theo bà Huỳnh Anh, đan 01 sản phẩm hộp cối se trung bình mất 20 phút, giá mỗi sản phẩm là 4.300 đồng. Bình quân, 01 hội viên phụ nữ tranh thủ đan 01 ngày được ít nhất là 04 sản phẩm, tùy vào quỹ thời gian của mỗi người thực hiện đan, có chị đan được 12 hoặc 15 sản phẩm trong ngày.
Được biết, khoảng năm 2017, số hộ nghèo trong ấp còn cao, tổ đan đát do bà Huỳnh Anh làm tổ trưởng, có 19 hội viên nghèo, cận nghèo nên tất cả chị em đều siêng năng, chịu khó, phấn đấu đang được nhiều sản phẩm để có thêm tiền trang trải cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, đến nay, số hộ nghèo giảm dần, toàn ấp còn 09 hộ nghèo. Bà Nguyễn Thị Phượng Em, ngụ ấp Ngãi Lợi cho biết: “chúng tôi nhận nguyên liệu từ nhà bà Huỳnh Anh về làm, tôi thấy thu nhập cũng sống được, trung bình 01 tuần, mỗi hộ đạt từ 200.000 - 500.000 đồng. Khi nhận tiền hội viên phụ nữ chúng tôi được bà Huỳnh Ánh vận động tham gia mô hình tiết kiệm tín dụng để các chị em có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi bò”.
Bà Nguyễn Thị Phượng, ấp Ngãi Lợi chia sẻ: năm 2017 về trước, cái nghèo cứ đeo bám gia đình tôi. Khi được bà Huỳnh Anh vận động tham gia mô hình, nhờ vậy mà tôi có thêm thu nhập, cùng với đó, tôi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được 17 triệu, tôi mua 01 con bò sinh sản. Hàng ngày, sau khi dọn dẹp nhà, lo cơm nước xong, tôi bắt đầu đan đát đến chiều. Nhờ vậy, năm 2018, tôi thoát khỏi hộ nghèo. Năm 2019, con tôi thi đỗ đại học, vợ chồng tôi ráng đan đát để nuôi con ăn học, vậy mà thời gian lay lắt rồi cũng qua. Cũng năm 2019, tôi nhận tiền tiết kiệm được 15 triệu đồng từ tổ tiết kiệm tín dụng, tôi vay ngân hàng thêm 50 triệu đồng, sửa lại căn nhà khang trang hơn.
Ông Đoàn Văn Bính cho biết thêm: hiện nay, xã đạt 15/16 tiêu chí, còn lại tiêu chí 5 về trường học chưa đạt, do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học ở trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05, tình hình kinh tế - xã hội xã đạt được kết quả đáng ghi nhận, xã có 08/08 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa - NTM; vận động thành lập 13 doanh nghiệp tư nhân, 02 công ty, nâng tổng số đến nay, toàn xã có 03 công ty, 19 doanh nghiệp tư nhân, 477 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Phối hợp ngành chức năng mở 18 lớp dạy nghề, giải quyết việc làm mới cho lao động nông thôn. Vận động thành lập 10 tổ kinh tế hợp tác, nâng đến nay xã có 32 tổ kinh tế hợp tác, nổi bật: tổ nuôi trồng thủy sản ở Cồn Cò, tổ trồng lúa ấp Ngãi Lợi… Thu nhập bình quân bình quân năm 2020 đạt 60,3 triệu đồng/người/năm.
Sau 05 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần tạo nên những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.