18/10/2023 07:21
Xã Huyền Hội hiện có 09 ấp, hơn 3.700 hộ dân. Trước đây, Huyền Hội là xã đặc biệt khó khăn của huyện Càng Long, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 11,6%. Năm 2020, xã đạt chuẩn NTM, diện mạo nông thôn ở các phum, sóc được thay đổi rõ rệt.
Được sự giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình bà Trương Thị Ngọc Dung, ngụ ấp Lưu Tư, là hộ đồng bào dân tộc Khmer vượt khó thoát nghèo hiệu quả. Trong căn nhà khang trang vừa mới xây xong, bà Dung phấn khởi chia sẻ: cuộc sống gia đình tôi hiện nay khấm khá hơn nhiều. 02 đứa con gái tôi cũng tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định nên phụ tôi cất lại căn nhà chắc chắn hơn. Qua chia sẻ, trước kia bà Dung là hộ nghèo, được 01 công đất do ông bà để lại, vợ chồng bà cất nhà ở, vừa trồng màu, cuộc sống bấp bênh, thiếu trước hụt sau. Với quyết tâm vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo, vợ chồng bà vừa làm thuê theo thời vụ, vừa trồng màu. Năm 1998, bà được vay vốn 10 triệu đồng từ chính sách dân tộc, bà mua 02 con bò sinh sản. Bà chăm sóc đàn bò, bình quân từ 01 - 02 năm, bà Dung bán 01 con bê con, tính đến nay, bà đã bán ra 12 con bê, với giá từ 15- 20 triệu đồng/con.
Nhờ chắt chiu, tiết kiệm, năm 2010, vợ chồng bà Dung mua được 02 công đất trồng màu. Từ đó, gia đình bà vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo. Tuy vậy, cuộc sống vẫn còn chật vật khi bà nuôi 02 người con gái vào đại học. Với quyết tâm lo cho con học “đến nơi đến chốn”, con bà vừa đi học, vừa làm thêm và được tiếp cận nguồn vốn sinh viên, bà vay 38 triệu đồng để trang trải việc học cho con. Giờ đây, 02 người con của bà đã ra trường và có việc làm ổn định, hỗ trợ bà cất được căn nhà khang trang với kinh phí gần 450 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo hiệu quả, vợ chồng bà Dung còn tự nguyện hiến gần 100m2 đất trước nhà để Nhà nước làm đường nhựa, tạo giao thông thuận lợi, lưu thông hàng hóa dễ dàng.
Mô hình trồng đậu Hà Lan của bà Trương Thị Dung.
Bà Trương Thị Dung phấn khởi nói: nhà nghèo, mua được đất rất mừng, nhưng khi xã vận động hiến đất làm đường, vợ chồng tôi vui vẻ đồng tình. Nhờ vậy, người dân trong xóm mới có đường nhựa đi, nhà tôi cũng ra được “mặt tiền”.
Cuộc sống hiện nay đã khá giả hơn, nhưng bà Dung vẫn cần cù lao động, ngày chúng tôi đến, bà Dung đang thu hoạch đậu Hà Lan. Với đôi tay nhanh thoăn thoắt, bà vén lá, lặt nhanh từng trái đậu. Bà Dung cho biết, đậu này trái nhỏ, thu hoạch hơi lâu nhưng bán được giá cao. Mỗi ngày bà thu hoạch từ 05 - 06kg, bán cho thương lái tại chợ Trà Vinh với giá 50.000 đồng/kg.
Theo đồng chí Phan Quốc Phong, Phó Bí thư Đảng ủy xã Huyền Hội, những năm qua, ngoài việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm lo đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc Khmer, xã Huyền Hội còn tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ các hộ dân tộc Khmer nghèo như: phân công đảng viên quản lý, theo dõi các hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời hỗ trợ; tạo mô hình sinh kế; vay vốn xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế; đào tạo nghề... Nhờ đó, xã đã từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Khmer đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là vận động đồng bào dân tộc Khmer đẩy mạnh học và làm theo Bác, cần cù lao động, dám nghĩ, dám làm vươn lên phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương, góp phần nâng chất lượng các tiêu chí xã NTM.
Đẩy mạnh học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện các chính sách chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer, xã tạo điều kiện cho 20 hộ vay vốn nhà ở, mỗi hộ 25 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 25 căn nhà Đại đoàn kết, mỗi căn 40 triệu đồng; hỗ trợ 08 hộ vay vốn xây dựng nhà ở theo Nghị quyết HĐND tỉnh, mỗi hộ được vay 50 triệu đồng. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện cho hơn 80 hộ vay vốn phát triển sản xuất, xây dựng hố xí hợp vệ sinh, kéo nước sạch với tổng nguồn vốn 4,6 tỷ đồng. Nhờ vậy, 05 năm qua, xã có 78 hộ Khmer vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Hiện toàn xã còn 50 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34% (trong này có 15 hộ đồng bào Khmer) và 142 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,8% so tổng số hộ. Thu nhập bình quân đạt 60,5 triệu đồng/người/năm,
Cũng ở ấp Lưu Tư, gia đình bà Thạch Thị Phượng cũng đã thoát “hộ nghèo có sổ” vào năm 2017 nhờ tính cần cù lao động và sự giúp đỡ đúng lúc, đúng nhu cầu từ UBND xã. Nhà bà Thạch Thị Phượng có 02 công đất trồng màu nên dù làm lụng quanh năm cũng không đủ trang trải cuộc sống. Để giúp hộ vươn lên, xã hỗ trợ vay vốn nuôi bò, xây nhà tắm hợp vệ sinh, vào nước sạch. Dần dần, thu nhập gia đình bà được ổn định, trả nợ ngân hàng đúng quy định, gia đình bà được xã tuyên dương gia đình văn hóa.
Bà Thạch Thị Phượng cho biết: nhờ có các đồng vốn vay, gia đình tôi mới có cuộc sống ấm no như ngày nay. Giờ đây, tôi không chỉ cố gắng lao động mà còn dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, tham gia cùng ấp dọn vệ sinh môi trường, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Ấp Lưu Tư là 01 trong 02 ấp của xã Huyền Hội có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ấp có 581 hộ, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 24%. Toàn ấp hiện còn 58 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm 2023, ấp dự kiến có 33 hộ thoát khỏi diện hộ nghèo, cận nghèo.
Cán bộ xã trao đổi với bà Thạch Thị Phượng về mô hình nuôi bò sinh sản.
Ông Ưng Hoàng Hăng, Trưởng Ban Nhân dân ấp Lưu Tư cho biết: để tạo tiền đề cho các hộ vươn lên thoát nghèo, chúng tôi xác định vừa trao vốn, trao luôn cách làm ăn, hướng dẫn các hộ chuyển đổi sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, chăn nuôi con giống chủ lực, có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ vay vốn cất nhà... Năm 2023, trong số các hộ có danh sách thoát nghèo, có 11 hộ được Công ty Xổ số kiến thiết Trà Vinh hỗ trợ xây nhà ở, từ 40 - 50 triệu đồng/căn/hộ. 05 hộ được vay vốn cất nhà ở, mỗi hộ được vay 50 triệu đồng. Tôi tin tưởng rằng các hộ sẽ thoát nghèo hiệu quả, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Bằng mọi cách, mọi nguồn lực xã hội hóa, hàng năm, xã luôn ưu tiên cho hộ đồng bào dân tộc Khmer, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn xã không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Bên cạnh đó, các chính sách dân tộc được thực hiện thường xuyên. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Một khi đời sống phát triển, đồng bào Khmer tích cực đóng góp công sức, vật chất xây dựng quê hương. Đây là việc học và làm theo Bác thiết thực nhất mà Đảng bộ xã Huyền Hội duy trì thực hiện hàng năm. Đồng chí Phan Quốc Phong cho biết.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.