15/10/2021 14:14
Ông Trần Minh Tuấn (bên trái) trao đổi cách chăm sóc thanh long ruột đỏ với cán bộ xã.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Nguyệt Hóa cho biết: thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05), các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các chi bộ trực thuộc nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) sát với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị. Qua 05 năm học tập và làm theo Bác, các chi bộ đã tạo nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong toàn Đảng bộ, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, an ninh chính trị được giữ vững, chính sách xã hội được quan tâm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chúng tôi về lại ấp Trà Đét, địa phương đi đầu trong phong trào XDNTM ở xã Nguyệt Hóa. Tiếp chúng tôi, ông Trần Minh Tuấn, Bí thư Chi bộ ấp phấn khởi nói: Trà Đét đang chuyển mình phát triển. Ấp xây dựng thành công ấp văn hóa NTM vào năm 2019, đời sống kinh tế người dân có bước phát triển vượt bật.
Ông Tuấn nhớ lại, khoảng năm 2011, số hộ nghèo của ấp là 47 hộ, chiếm 22% so với tổng số hộ, thì nay ấp còn 01 hộ nghèo, dự kiến thoát nghèo cuối năm nay. Để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, UBND xã đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng xây dựng căn nhà kiên cố và hỗ trợ 01 con bò sinh sản, cùng với mô hình trồng thanh long ruột đỏ 1.000m2.
Ở Trà Đét hiện nay, cây trồng chủ lực là thanh long ruột đỏ, nhiều hộ thoát nghèo không chỉ nỗ lực vươn lên mà còn nhờ vào giá trị kinh tế cao từ cây thanh long ruột đỏ này. Ông Tuấn chia sẻ: năm 2010 trở về trước, thanh long ruột đỏ còn xa lạ với người dân trong ấp. Các hộ dân đa số trồng lúa, cây có múi và trồng cỏ nuôi bò.
Năm 2011, hộ ông Lê Phước Trượng, Võ Văn Thuận, Ngô Chí Thành, là 03 hộ đầu tiên mua giống thanh long ruột đỏ ở ngoài tỉnh về trồng. Những năm đó, giá trị kinh tế thanh long ruột đỏ rất cao, lúc thu hoạch, có giá lên đến 60.000 đồng/kg. Từ đó, nhiều hộ trong ấp học tập, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ vậy, nhiều hộ vươn lên khá giả, dần dần, các hộ chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ ngày một nhiều hơn và duy trì đến nay. Hiện, toàn ấp có 108/210 hộ trồng thanh long với diện tích trên 120ha, gia đình ông Tuấn đã trồng 1.500m2 với 300 trụ thanh long ruột đỏ, nay đã hơn 03 năm tuổi.
Theo ông Tuấn, thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư không lớn, dễ chăm sóc, không sử dụng phân, thuốc hóa học nhiều vì ít sâu bệnh. Cây trồng hơn 01 năm sẽ cho ra trái và trồng 01 lần thu hoạch được nhiều năm. Cây cho trái thường xuyên, nhưng để đảm chất lượng, năng suất cao, người trồng cần phải xông đèn vào buổi tối. Mỗi tháng, ông Tuấn thu hoạch từ 1,2-1,5 tấn trái, tùy thời điểm, giá bán từ 18.000 - 40.000 đồng, bình quân gia đình ông thu nhập từ 08-10 triệu đồng/tháng. Từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, thanh long ruột đỏ bị rớt giá, hiện giá thanh long loại 01 là 18.000 đồng/kg. Trên địa bàn xã đã thành lập được 01 doanh nghiệp thu mua thanh long nên người dân yên tâm về đầu ra khi thu hoạch.
Song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều dễ dàng nhận thấy ở Trà Đét nữa là, người dân đã đoàn kết xây dựng thành công ấp văn hóa NTM. Nổi bật là việc đóng góp thực hiện tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, với 76 trụ đèn dài 02km, tổng số tiền trên 90 triệu đồng do các hộ dân và mạnh thường quân đóng góp.
Ông Tuấn cho biết: để Nhân dân đồng thuận đóng góp, chúng tôi họp dân bàn bạc, triển khai kế hoạch thực hiện, kinh phí đóng góp. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, đa số các hộ đồng tình cao. Từ đó, mỗi hộ đồng ý đóng góp 300.000 đồng, tiền điện mỗi năm đóng 120.000 đồng/hộ. Do vậy, tuyến đường được hoàn thành, góp phần xây dựng thành công ấp văn hóa NTM.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo cho biết thêm: việc học tập và làm theo Bác đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ việc xây dựng các nghị quyết sát với tình hình thực tế và tổ chức thực hiện có hiệu quả, hàng năm Đảng bộ xã đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 06/06 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa NTM. Xã được công nhận xã NTM vào năm 2020. Để việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác tiếp tục được lan tỏa trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2025, xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nội dung cam kết, tu dưỡng, rèn luyện đối với cán bộ, đảng viên; phát động sâu rộng phong trào thi đua làm theo Bác gắn với thực hiện nội dung các phong trào, các cuộc vận động đã triển khai, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 05. Khen thưởng những mô hình hay, hiệu quả, cá nhân điển hình tiên tiến. Năm 2020, đảng bộ có 15 đảng viên, 02 chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tuyên dương.
Qua hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05, Đảng ủy khen thưởng cho 05 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sự phát triển mọi mặt của Nguyệt Hóa hôm nay là kết quả tiêu biểu nhất của đảng bộ xã trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo Bác thời gian qua.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.