30/03/2021 07:00
Bà Phạm Thị Kim Loan chăm sóc cà chua.
Ông Trần Vân Sơn, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi nói về những mô hình phát huy hiệu quả từ phong trào học tập và làm theo Bác của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn. Học Bác, mỗi chi bộ đều đăng ký thực hiện các mô hình cụ thể, nhưng nổi bật nhất là công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào Khmer. Hiện nay, các hộ nghèo, cận nghèo ý thức được việc tự vươn lên phát triển kinh tế, các hộ cần cù lao động, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, quyết tâm xóa nghèo hiệu quả. Ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ thực hiện các mô hình trồng màu, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2020, xã Trường Thọ thoát nghèo được 118 hộ, hiện, toàn xã còn 240 hộ nghèo. Xã Trường Thọ có 3.400ha đất trồng lúa, năng suất bình quân 06 tấn/ha; 658ha trồng màu; có 63 hộ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu với diện tích 12ha, nâng tổng số đến nay, có 129 hộ đã chuyển đổi sản xuất với diện tích 25,3ha; chăn nuôi đàn bò được 4.000 con, đạt 117% kế hoạch; đàn gia cầm trên 66.000 con. |
Đảng ủy xã xác định, nuôi bò sinh sản là mô hình phát triển kinh tế phát huy hiệu quả từ nhiều năm nay. Hàng năm, UBND xã luôn tạo điều kiện cho Nhân dân vay vốn chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, tập huấn phòng ngừa dịch bệnh. Hơn hết là người dân cần thay đổi con giống, lựa chọn nuôi những giống bò có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu trong việc học và làm theo Bác về phát triển kinh tế phải kể đến Chi bộ ấp Chông Văn. Ông Hồ Thanh Tâm, Trưởng ban Nhân dân ấp Chông Văn cho biết: toàn ấp có 2.460 nhân khẩu, trong đó, có 11% đồng bào Khmer, ấp có 23 đảng viên. Các đảng viên trong ấp tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình là đảng viên Nguyễn Văn Danh, công an viên ấp, thực hiện mô hình kinh tế nuôi bò sinh sản 04 con và trồng lúa với diện tích 1,4ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, ấp có nhiều hộ dân học và làm theo mô hình chăn nuôi bò của đảng viên Nguyễn Văn Danh để thoát nghèo.
Gia đình bà Phạm Thị Kim Loan, ấp Chông Văn đã thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi bò kết hợp trồng màu, bà Loan nhớ lại: “năm 2017 trở về trước, do không đất sản xuất, thu nhập bấp bênh, nhà tôi thuộc diện hộ nghèo nhất xóm, nuôi 03 con nhỏ. Thấy hoàn cảnh quá khổ, xã hỗ trợ cất căn nhà Đại đoàn kết và dự án hỗ trợ 01 con bò sinh sản. Vợ chồng tôi chắt chiu tiết kiệm từ việc đi làm thuê theo mùa vụ, năm 2018, tôi thuê được 04 công đất ruộng, 02 triệu đồng/công/năm, để trồng màu và trồng cỏ nuôi bò. Từ đó, ngày ngày tôi ở ngoài ruộng trồng đủ các loại rau, dưa leo, cà chua… dần dần, gia đình tôi có thu nhập hàng ngày từ việc bán rau, hoa màu, trung bình mỗi ngày thu nhập 200.000 đồng.
Từ 01 con bò sinh sản được hỗ trợ, gia đình tôi nuôi và nhân thêm con giống, đến nay, bò sinh được 02 con bê. Khi được hỗ trợ vay vốn, vợ chồng tôi vay thêm 52 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua thêm 02 con bò sinh sản. Đồng thời, anh chồng hỗ trợ 02 con bò sinh sản cho vợ chồng tôi nuôi thêm. Hiện nay, tôi nuôi được 05 con bò sinh sản và 02 con bê, cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn và có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, gia đình tôi thoát khỏi hộ nghèo”.
Hộ Thạch Thị Sô Khum, ấp Chông Văn, năm 2018, gia đình bà được tạo điều kiện vay vốn 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. Bà Khum mua 01 con bò sinh sản 17 triệu đồng và xây dựng chuồng trại. Sau 03 năm, con bò sinh ra 02 con bê. Sau 05 tháng nuôi, bà Khum bán 01 con bê đực với giá 20 triệu đồng. Năm 2020, gia đình bà Khum thoát khỏi hộ nghèo.
Bà Khum chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, hàng ngày, tôi ở nhà lo cho con đi học và nuôi bò, chồng tôi đi làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ dành dụm, tiết kiệm và cộng với số tiền có được từ bán bò, tôi sửa lại căn nhà cho kiên cố hơn. Gia đình tôi mới vừa được thoát nghèo. Tôi mừng lắm! Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để con tôi có cuộc sống đầy đủ hơn”.
Ông Trần Vân Sơn cho biết thêm: qua học tập và làm theo Bác đã tạo sự chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội nhưng nổi bật hơn cả là công tác thoát nghèo bền vững, từ thực tế đạt được đã tạo động lực quan trọng để đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Năm 2020, tuy ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19 nhưng việc thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị đều đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Năm 2021, đảng bộ tiếp tục vận động các chi bộ, Nhân dân duy trì các mô hình phát huy hiệu quả và thực hiện các mô hình mới như nuôi cá chạch lấu, cá thác lác cườm, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác sản xuất lúa giống, vận động đoàn viên, thanh niên học nghề, giải quyết việc làm gắn với xuất khẩu lao động… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, sớm xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.