26/08/2020 05:22
Đảng viên Lâm Chí Hướng (bên trái) nói về mô hình “nuôi cá chạch lấu”.
Xã Trường Thọ hiện có 2.511 hộ dân, đồng bào Khmer chiếm hơn 80% dân số của xã, đa số người dân sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, một số ít buôn bán nhỏ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. 04 năm qua (2016-2019), kế thừa và phát huy kết quả của việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nên từ khi Chỉ thị số 05 ra đời cho đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Trường Thọ luôn tích cực thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo Bác.
Ông Trần Vân Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thọ cho biết: Đảng bộ xã hiện có 14 chi bộ với 238 đảng viên. Xác định việc học làm theo Bác là góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ, tập thể, cá nhân mỗi đảng viên xây dựng mô hình, phần việc làm theo Bác thiết thực, hiệu quả, đây cũng là cơ sở để đánh giá, phân loại đảng viên, chi bộ cuối năm.
Đặc biệt, Đảng ủy xã xác định cần có những mô hình mới, cách làm hay thì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mới có sức lan tỏa và trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân nên Đảng ủy xã phát động xây dựng các mô hình hay, có thể nhân rộng như: mô hình vận động cán bộ, công chức và Nhân dân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn; hợp tác xã sản xuất lúa giống; vận động Nhân dân bảo vệ môi trường,…tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Đối với mô hình “vận động cán bộ, công chức và Nhân dân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn” của đảng viên Trầm Thị Diễm Phương, công chức Tư pháp-Hộ tịch xã đã lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Được biết, 04 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 05, Trầm Thị Diễm Phương đã thực hiện mô hình bằng cách nắm rõ địa chỉ, hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ, từ đó, ra sức vận động gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đóng góp để kịp thời giúp đỡ họ.
Cụ thể, Trầm Thị Diễm Phương đã vận động tiền 5,8 triệu đồng hỗ trợ cho bà Thạch Thị Cà Xiếp, ấp Cós Xoài sửa lại căn nhà; khoan giếng và mua lá lợp nhà cho bà Thạch Thị Soi số tiền 08 triệu đồng; trao cho 05 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em 500.000 đồng,... 04 năm qua, số tiền mà nữ cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã đã vận động hỗ trợ những hoàn cảnh hơn 25 triệu đồng; số tiền tuy không lớn nhưng đối với những hoàn cảnh nghèo, khó khăn thì đó là khoản tiền khá lớn, khó xoay sở được. Đây thật sự là việc làm ý nghĩa cần được lan tỏa trong cộng đồng.
Song song đó, nói về mô hình mới trong thực hiện Chỉ thị số 05, chúng tôi còn được Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu mô hình “nuôi cá chạch lấu” khá tâm đắc của đảng viên Lâm Chí Hướng, Công chức Địa chính-Nông nghiệp-Môi trường của xã. Đây là mô hình mới mà đảng viên Lâm Chí Hướng tiên phong thực hiện nhằm tạo chuyển biến trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Đảng viên Lâm Chí Hướng chia sẻ: là con nhà nông ở ấp Sóc Cụt, xã Trường Thọ, năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, tôi về công tác tại xã Nhị Trường đến nay. Vốn là kỹ sư thủy sản nhưng lúc đó chưa có ý định sẽ chăn nuôi hay thực hiện một mô hình kinh tế nào khác ngoài công việc chính tại UBND xã. Đến đầu năm 2020, sau một lần tình cờ đến dự tiệc tại nhà bạn ở Hậu Giang, tôi mới được giới thiệu mô hình “nuôi cá chạch lấu”. Nhận thấy cá chạch lấu thương phẩm cho giá trị kinh tế cao, sau khi suy nghĩ, tính toán kỹ, tháng 6/2020, tôi mạnh dạn thuê đất để đầu tư nuôi cá chạch lấu. Bước đầu tôi thuê 2.000m2 đất để làm 03 ao, mỗi ao khoảng 400m2, đáy ao có bể lót bạt để thả nuôi 15.000 con cá chạch lấu (bình quân 5.000 con/ao), đối với con giống, tôi chọn mua con giống ở tỉnh Hậu Giang, với giá 7.000 đồng/con.
Theo đảng viên Lâm Chí Hướng, nuôi cá chạch lấu quan trọng nhất là nguồn nước nuôi cá phải sạch, trung bình 03 ngày thay nước ao 01 lần và phải đặt máy tạo oxy 24/24, để cá có nơi trú ẩn cần đặt ống nhựa cắt ngắn hoặc chà tre trong bể. Cá ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp dạng viên, trung bình cho ăn 02 lần/ngày. Tính từ lúc bắt về, trung bình 340 con/kg, sau 02 tháng nuôi, cá có trọng lượng 34 con/ký, giai đoạn càng về sau tốc độ tăng trưởng của cá sẽ chậm lại. Do đó, theo nhiều người từng nuôi, cá chạch lấu được nuôi khoảng 07-08 tháng tuổi, trọng lượng đạt từ 250-300gam/con, với trọng lượng đó, hiện nay, giá thị trường từ 300.000-360.000 đồng/ký, có khi lên đến 400.000 đồng/kg, đây là loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Dự kiến, khoảng 05 tháng nữa, anh Lâm Chí Hướng sẽ xuất bán đàn cá chạch lấu thương phẩm. Cũng theo anh Hướng, nuôi cá chạch lấu so về kỹ thuật, công, chi phí và cả rủi ro cũng rất ít so với nuôi tôm công nghiệp.
Ông Trần Vân Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thọ cho biết thêm: nếu mô hình “Nuôi cá chạch lấu” của đảng viên Lâm Chí Hướng đạt hiệu quả, thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ tổ chức hội thảo, nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã, đây là mô hình mới góp phần phát huy thế mạnh, chuyển đổi con giống theo đúng định hướng, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo lời Bác tại xã Trường Thọ đã phát huy được tinh thần đoàn kết, dân chủ trong toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Từ đó từng bước nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác của từng cán bộ, đảng viên, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và cải thiện cuộc sống của người dân.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.