17/12/2023 16:46
Bà Phạm Thị Bé Hạnh tận dụng thời gian rảnh để đan dây nhựa vào khung sắt.
Họ đạo Bãi Xan gồm 03 ấp: ấp Thượng, ấp Trung và ấp Hạ. Trong đó, ấp Trung có dân số đông nhất với 371 hộ, đồng bào công giáo chiếm hơn 98% số hộ. Với tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, nhiều năm qua, giáo dân ấp Trung đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chung sức XDNTM.
Đồng chí Lê Văn Ngon, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phước cho biết: đồng bào Công giáo trên địa bàn xã luôn phát huy truyền thống sống “tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào XDNTM, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Riêng ấp Trung, có thể nói, đồng bào tôn giáo là lực lượng nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa, NTM ở địa phương.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ xã tập trung tuyên truyền, vận động chi bộ nêu cao tinh thần gương mẫu của đảng viên, tích cực vận động Nhân dân tham gia các phong trào, hành động cách mạng ở địa phương, như: xây dựng ấp văn hóa - nông thôn mới, thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 19/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Theo hướng dẫn của cán bộ xã, chúng tôi về lại ấp Trung, ấp đang dần “thay da đổi thịt”, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt, những con đường, ngõ xóm được đal hóa, nhựa hóa. Người dân ấp Trung sống chủ yếu trồng lúa, trồng lác, mua bán nhỏ. Lúc nông nhàn thì tham gia chăm sóc cây kiểng, trồng hoa ven đường; tham các mô hình tổ hợp tác, tăng thu nhập, vươn lên, ổn định cuộc sống.
Ông Lê Văn Nhớ, Bí thư Chi bộ ấp Trung nhớ lại, trước đây, để xây dựng thành công ấp văn hóa - nông thôn mới, chi bộ vận động Nhân dân đóng góp thực hiện 04 tuyến đèn đường, dài gần 07km, với kinh phí hơn 110 triệu đồng. Vận động Nhân dân trồng hoa ven đường, phát quan bụi rậm. Năm 2023, ngoài việc nâng chất lượng các tiêu chí ấp nông thôn mới, ấp thành lập 01 tổ hợp tác đan dây nhựa trên khung sắt với 30 thành viên, góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Diễm Thúy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trung chia sẻ: mô hình đan dây nhựa trên khung sắt ở ấp Trung đã có trên 05 năm nhưng các hộ tự thực hiện nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là phụ nữ nội trợ lãnh về làm thêm lúc nhàn rỗi, giá thành 01 sản phẩm đan không cao, người lao động không được bảo vệ quyền lợi khi sản phẩm gặp sự cố hay chất lượng không đạt. Thấy vậy, năm 2023, Chi hội Phụ nữ ấp vận động các hộ tham gia vào tổ hợp tác để được thực hiện hợp đồng, bảo vệ quyền bình đẳng của các thành viên. Tổ hợp tác hoạt động ổn định sẽ tạo điều kiện cho thành viên tổ chức sản xuất ổn định và hiệu quả, đời sống thành viên được nâng lên. Từ đó, chị em đồng ý thành lập tổ hợp tác đan dây nhựa trên khung sắt, với 30 thành viên tham gia.
Bà Phạm Thị Bé Hạnh, 42 tuổi, trước đây là hộ nghèo, được xã vận động hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết, có “an cư lạc nghiệp”, vợ chồng bà chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, bà Hạnh tham gia tổ hợp tác đan dây nhựa trên khung sắt kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Bà Hạnh chia sẻ: tôi thường đan lúc rảnh, sau khi làm việc nhà, đưa, rước con đi học. Tùy theo khung sắt mà thời gian hoàn thành 01 sản phẩm nhanh hay chậm. Bình quân, 01 sản phẩm có giá từ 15.000 - 20.000 đồng. Đan xong, sau 01- 02 ngày sẽ có người đến tận nhà thu gom sản phẩm. Trung bình, tôi kiếm thêm thu nhập từ 1,5 - 02 triệu đồng/tháng.
Nhờ siêng năng, cần cù lao động mà đa số hộ dân ấp Trung có cuộc sống ổn định. Năm 2023, ấp có 260 hộ khá, giàu; 89 hộ trung bình, 18 hộ cận nghèo, 04 hộ nghèo (thuộc diện bảo trợ xã hội), thu nhập bình quân đạt 69,3 triệu đồng/người/năm. Cùng với tham gia XDNTM, phát triển kinh tế hộ, đồng bào công giáo trên địa bàn ấp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Giáo xứ Bãi Xan thường xuyên tuyên truyền, vận động giáo dân xây dựng gia đình hòa thuận, vun đắp tình làng nghĩa xóm, các khu dân cư vận động giáo dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khuyến học, khuyến tài. Toàn ấp, có trên 98% hộ gia đình văn hóa - nông thôn mới, 100% học sinh được đến trường đúng độ tuổi.
Năm 2023, Ban Công tác Mặt trận ấp phối hợp vận động xây dựng và bàn giao 03 căn nhà Đại đoàn kết, tặng 180 phần quà cho hộ dân và học sinh có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 140 triệu đồng. Đặc biệt, phát huy được vai trò các chức sắc, chức việc trong Nhà thờ Bãi Xan vận động đồng bào Công giáo duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình giáo xứ, họ đạo không có tội phạm, không ma túy và tệ nạn xã hội. Ấp đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự nhiều năm liền.
Ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Trung chia sẻ: đồng bào Công giáo trên địa bàn ấp luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động công giáo theo hướng gắn với đời sống xã hội, “tốt đời, đẹp đạo”. Sắp đến ngày lễ Giáng sinh, ấp phối hợp cùng với Nhà thờ Bãi Xan (tọa lạc trên địa bàn ấp) trang trí cờ trên đất Thánh, tuyên truyền giáo dân tham gia lễ chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nhất là Luật Giao thông đường bộ, giữ gìn an ninh, trật tự địa phương.
Với những kết quả mà đồng bào Công giáo ấp Trung đã nỗ lực đạt được, tạo tiền đề vững chắc, thúc đẩy kinh tế - xã hội xã Đại Phước ngày càng phát triển. Qua đó, góp phần làm cho diện mạo nông thôn xứ đạo Bãi Xan ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.