12/04/2023 07:03
Ở các ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống, cuộc sống với nhiều khó khăn, thiếu thốn thuở nào, giờ đây, diện mạo thôn xóm đổi thay, nhà cửa khang trang, đường sá thông suốt, đời sống ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Tân Hiệp là xã có đông đồng bào Khmer, chiếm trên 80% dân số. Trước đây, khi đời sống kinh tế đồng bào Khmer chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất lúa truyền thống, mỗi năm chỉ 01 vụ lúa và chăn nuôi hộ gia đình. Khi đó, đường sá quanh co, nhỏ hẹp, mỗi khi mùa mưa đến chỉ có thể dẫn xe đạp hoặc đi bộ…
Trước thực trạng trên, Đảng ủy, UBND xã vận động Nhân dân đổi mới cách làm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Đặc biệt, là tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer học và làm theo Bác, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên phát triển kinh tế, nhiều hộ Khmer đã vượt khó thoát nghèo hiệu quả, hạn chế rất nhiều tình trạng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng chí Võ Chí Tâm, Trưởng Ban Nhân dân ấp Con Lọp phấn khởi nói về đời sống đồng bào Khmer: tôi rất vui vì đường làng, ngõ xóm trong xã được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đồng bào Khmer đồng lòng, chung tay, góp sức xây dựng quê hương và có ý thức vươn lên. Nhiều hộ trước đây là hộ nghèo nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn nên vươn lên khá giả, cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhiều người có của ăn, của để, thường xuyên giúp đỡ hàng xóm, láng giềng, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết dân tộc.
Ấp Con Lọp là 01 trong 09 ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống, toàn ấp có 242 hộ dân. Ông Thạch Văn Sang, Bí thư Chi bộ ấp nói: khoảng năm 2010, 60% hộ dân trong ấp là hộ nghèo. Với mục tiêu từng bước xóa hộ nghèo, xây dựng ấp văn hóa NTM, xây dựng xã đạt chuẩn NTM, từ đó đến nay, có khoảng 80% hộ nghèo, cận nghèo trong ấp được tiếp cận các nguồn hỗ trợ.
Năm 2022, ấp có 100 hộ được vay vốn phát triển sản xuất với tổng nguồn vốn 2,9 tỷ đồng, 15 hộ được xây dựng nhà đại đoàn kết. Ấp Con Lọp là địa phương có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; nhiều hộ làm kinh tế từ những mô hình như: nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo, trồng rau màu, đan lục bình, trồng lúa chất lượng cao…đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,4 triệu đồng/năm.
Bà Lý Kiều Nga đang vận chuyển các bó lục bình lên xe để giao cho thành viên tổ đan lục bình.
Là hộ thực hiện hiệu quả mô hình đan lục bình, mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng, theo bà Lý Kiều Nga, Tổ trưởng Tổ đan lục bình ấp Con Lọp, năm 2015, gia đình bà là hộ khó khăn, hàng ngày vợ chồng bà đi làm thuê, bán vé số kiếm tiền xoay sở cuộc sống. Lúc đó, bà được UBND xã mời tham gia lớp tập huấn đan đát, đan lục bình cho lao động nhà rỗi ở địa phương. Tham gia tập huấn, biết cách làm, về ấp Con Lọp, Chi hội Phụ nữ ấp thành lập 01 tổ đan lục bình với 15 thành viên. Bà Nga được chọn làm tổ trưởng, thu gom các sản phẩm của chị em giao cho công ty và trả tiền lại cho chị em. Từ khi thực hiện mô hình, nguồn thu nhập ổn định.
Các chị tham gia đan, có chị thu nhập từ 1,5 - 03 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cuộc sống. Mô hình từng bước phát huy hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hộ gia đình, vì vậy mô hình được duy trì đến nay. Hiện tổ mô hình đan lục bình có 300 thành viên, không chỉ ở ấp Con Lọp, mà nhiều hộ dân ở ấp Ba Trạch A, Ba Trạch B, Chông Bát… cũng tham gia. Từ mô hình này, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt đan từng cọng lục bình vào khung, thấy khách ghé nhà, bà Thạch Thị Duyên, 58 tuổi, ngụ ấp Ba Trạch B vui vẻ bộc bạch: tôi theo nghề đan lục bình hơn 02 năm nay, hiện giờ như thuộc từng loại khung mà tổ giao tôi làm nên thấy nó nhẹ và phù hợp với độ tuổi của tôi. Mỗi ngày tôi làm được từ 03 - 05 khung, thu nhập từ 50.000 - 150.000 đồng. Bà Duyên là hộ nghèo, vừa được hỗ trợ con bò sinh sản là nguồn sinh kế để vươn lên thoát nghèo. Dự kiến năm 2023, thoát khỏi diện hộ nghèo.
Bà Thạch Thị Duyên đan sọt lục bình.
Đồng chí Kim Thị Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp cho biết: đời sống đồng bào Khmer xã Tân Hiệp khởi sắc như hôm nay, bản thân người dân đã có sự nỗ lực rất lớn, cùng với đó công tác giảm nghèo được Đảng ủy xã xác định là nhiệm vụ cần thiết, quan trọng, từ đó tập trung đầu tư và thực hiện có hiệu quả.
Năm 2022, thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước chăm lo cho đồng bào Khmer nghèo, xã đã triển khai xây dựng 38 căn nhà cho hộ nghèo từ nguồn Quỹ An sinh xã hội tỉnh; hỗ trợ 34 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn cải thiện nhà ở theo Nghị quyết của HĐND tỉnh với số tiền 1,7 tỷ đồng. Trong năm, toàn xã có 121 hộ thoát nghèo. Hiện xã còn 359 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,22%, phấn đấu cuối năm 2023, dự kiến xã có gần 200 hộ thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào Khmer không ngừng được cải thiện, hệ thống y tế được củng cố, cơ sở vật chất và trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường phát triển. Công tác giáo dục được đặc biệt quan tâm, đến nay trên 98% học sinh được đến trường đúng độ tuổi.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được ổn định, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được đồng bào Khmer hưởng ứng tích cực, người dân có ý thức giữ gìn trật tự an toàn trong xóm, ấp. Tích cực thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh. Hiện xã đang rà soát, đánh giá, nâng chất lượng các tiêu chí xã NTM.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.