04/05/2024 20:43
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, từ dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, với niềm tự hào về thời khắc lịch sử của dân tộc, lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng giải phóng dân tộc - người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Bác Hồ muôn vàn kính yêu, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh đã dành thời gian tâm huyết đọc hàng trăm bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân, từ đó rút ra những đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật đặt tít bài viết của Bác.
Bìa 3 tập sách được xuất bản năm 2016.
Chỉ còn một năm nữa là tròn 100 năm nền báo chí cách mạng Việt Nam. Những người làm báo nước ta trân trọng tưởng nhớ và ghi ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người không chỉ là lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc ta, mà còn là nhà báo lỗi lạc đã sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, khởi đầu là số báo Thanh Niên, cơ quan của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng, được ra mắt ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Báo Thanh Niên ra đời chính là sự chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho quá trình ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc). Chúng ta kính phục tài ba và sự nhiệt huyết của Bác Hồ vì cùng lúc vừa đảm nhiệm cương vị chủ bút, phóng viên, vừa làm họa sĩ trình bày ma két và vẽ các bức tranh cổ động cách mạng cùng các bức vẽ châm biếm bọn thực dân, đế quốc tìm mọi cách bóc lột và thống trị nhân dân ta.
Trước khi xuất bản số Báo Thanh Niên, từ năm 1919, Bác Hồ đã từng là nhà báo, tham gia viết hàng chục bài cho các Báo Nhân Đạo, Người cùng khổ... ở Paris; và từ năm 1925 cho đến lúc về với “thế giới người hiền”, Bác Hồ đã viết hàng ngàn bài báo và ký hàng chục bút danh khác nhau trên các báo, tạp chí, trong đó Bác dành phần lớn các bài đăng ở Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam; tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Năm 2016, phối hợp với Báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản 3 tập sách dày mấy ngàn trang với tên gọi “Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân”.
Chúng ta còn nhớ, tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Bác Hồ nói thân tình: “Bác là người có nhiều duyên nợ với báo chí”; và cho biết “tất cả những bài viết chỉ có một đề tài là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Chúng tôi đã nghiên cứu các bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân thì thấy rõ mấy đặc điểm đáng chú ý sau đây: Một là, các bài viết đều ngắn; hai là, nội dung đề cập rất cụ thể về một sự kiện, một con người, một địa phương cụ thể; ba là, cách hành văn giản dị, dễ hiểu, thể hiện rõ nét ở tính quần chúng và tính chiến đấu; bốn là, các tít bài gọn, sắc, hấp dẫn người đọc.
Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở những bài viết của Người trên Báo Nhân Dân trong thời gian từ năm 1955 - 1959, tôi tập trung phân tích cách đặt tên bài của Bác Hồ qua 233 bài viết của Người. Có thể rút ra nghệ thuật đặt tít bài của Bác để tạo sự hấp dẫn thông qua mấy cách thức nổi bật sau đây:
Thứ nhất, Bác triệt để sử dụng các ngạn ngữ, thành ngữ, châm ngôn của văn hóa dân tộc để khái quát nội dung chính của bài viết.
Thứ hai, dùng hình tượng ví von, so sánh; các bài ở đoạn kết dùng thơ lục bát để chốt lại ý tưởng của tít bài.
Thứ ba, sử dụng cách “chơi chữ”, “chơi số” để người đọc thêm tò mò, thú vị.
Thứ tư, khi cần, dùng hình tượng khôi hài, gây cười người đọc, tạo sự thấm sâu, lan tỏa.
Thứ năm, trong một số trường hợp đặc biệt, Bác dùng ca dao để đặt tít.
Dưới đây xin được nêu một số ví dụ tiêu biểu trong 5 cách thức nêu trên.
Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén (08/9/1962). Ảnh tư liệu
Sử dụng ngạn ngữ, châm ngôn
Bài viết vẻn vẹn có 14 dòng với cái tít: “Chịu đấm mà không được ăn xôi”, Bác Hồ vạch thủ đoạn của bọn tư bản Mỹ dùng các cầu thủ đấm bốc để thu tiền người xem; kết quả là, cả hai người thanh niên tuổi 25 - 26 đều bị đấm chết. Kết luận bài viết, tác giả dùng hai câu thơ để chia sẻ nỗi đau của hai võ sĩ và lên án mánh khóe bóc lột dã man của bọn tư bản: “Chịu đấm chết mà không được ăn xôi/ Để bọn tư bản nó ngồi nó ăn!” [trang 36].
Bài “Thôi đừng ích kỷ hại nhân” với 17 dòng, Bác lên án bọn đầu cơ gạo, mua gạo nhà nước rồi bán giá cao cho tư nhân với giá đắt, là hành động “vì phú bất nhân”; từ đó kêu gọi chính quyền và nhân dân hợp sức ngăn chặn và xử lý bọn đầu cơ đó [trang 48-49] để người lương thiện không bị bóc lột qua nhiều tầng nấc phi lý.
Bài “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Bác chỉ rõ mưu toan của đế quốc Mỹ phô trương sức mạnh của bom nguyên tử để tỏ uy quyền “thống trị thế giới”, nhưng báo chí nhiều nước đều tập trung phân tích khẳng định: khi các dân tộc đoàn kết, sát cánh bên nhau thì tạo ra sức mạnh lớn hơn bom nguyên tử, do đó “vỏ quýt Mỹ dày, thì móng tay chúng ta rất nhọn” [trang 76-77].
Bài “Trách mình thôi chớ trách ai”, Bác kể thủ đoạn tranh giành lợi ích kinh tế giữa Pháp và Mỹ ở miền Nam Việt Nam; trên thực chất Mỹ đã hất cẳng Pháp về mặt chính trị và quân sự, nay lại hất cẳng về kinh tế là lẽ đương nhiên. Bác nhắc phía Pháp: “Trách mình thôi chớ trách ai/Càng theo đuổi Mỹ, càng tai họa nhiều” [trang 86-87].
Bài “Có tài mà cậy chi tài”, Bác vạch thái độ hai mặt của Thủ tướng Pháp Phrăngxơ khi tỏ thái độ đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam nên đã được nhân dân tín nhiệm bầu làm Thủ tướng, nhưng sau khi nhậm chức, ông ta lại nghiêng về phía Mỹ ủng hộ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Vậy là ông ta tồn tại chỉ được 7 tháng, đã bị nhân dân Pháp lật đổ, mặc dù nhiều người thừa nhận ông ta có tài [trang 92].
Bài “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, Bác kể chuyện mấy cụ già đã vượt qua tuổi “xưa nay hiếm”, trong đó tại Việt Nam có cụ Quân ở khu IV thọ 121 tuổi; cụ bà Prôvôxima ở Liên Xô thọ 145 tuổi; cụ ông Gabiđavili thọ 139 tuổi... Bác đúc kết cội nguồn sống lâu là “Xa xỉ thì nhiều bệnh/Cần kiệm thì sống lâu” [trang 151].
Bài “Nói rồng, nói phượng cũng không lừa dối được ai”, Bác phê phán luận điệu tự do dân chủ của Mỹ Diệm, nhưng trên thực tế là hai thế lực này đang bóp chết tự do báo chí, ngăn cản sự thăm hỏi của các gia đình ở hai miền Nam - Bắc, thậm chí chém giết những người làm trái với thứ dân chủ giả hiệu của chúng... Kết luận, Bác khuyên “chúng ta không thể lầm lẫn thứ tự do dân chủ lừa bịp kiểu Mỹ Diệm với tự do dân chủ thật sự” [trang 314-315].
Bài “Một cốt một đồng”, Bác vạch rõ sự cấu kết của Mỹ Diệm để thống trị miền Nam lâu dài. Điều dí dỏm ở đây là, Bác nói bản chất của cáo già Mỹ khéo dùng những trạng từ “có lẽ” với “không chắc” nhằm dọn đường cho Diệm lên cầm quyền để thực hiện điều thầy Mỹ muốn chỉ đạo theo ý ngoại bang. Kết luận bài, Bác viết “Một cốt một đồng/Thầy gà, tớ hát dễ hòng lừa ai?” [trang 324].
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa nhà quay phim Phan Thế Hùng, Xưởng phim Vô tuyến Truyền hình, nhân ngày Quốc tế Lao động 01/5/1968. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Nghệ thuật dùng hình tượng ví von, so sánh
Bài “Sữa hộp và tổng tuyển cử”, Bác đề cập việc Pháp, Mỹ vào hùa ủng hộ Diệm bằng nhiều sữa hộp và gạo ngon, thì Diệm chắc chắn sẽ được nhân dân miền Nam ủng hộ bỏ phiếu cho mình! Đó thật sự là điều ảo tưởng vì Pháp và Mỹ “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, cả hai đang mâu thuẫn trong việc đưa Diệm lên để tớ phải phục vụ theo ý đồ riêng của hai thầy là Mỹ và Pháp [trang 84].
Bài “Điện Biên Phủ”, Bác liệt kê sự thất bại nhục nhã của quân đội viễn chinh nhà nghề với hơn 1.500 tên bị bỏ mạng và hơn 14.000 tên bị ta bắt làm tù binh. Tướng Nava và tướng Cônhi đổ lỗi cho nhau. Bác khái quát nguyên nhân Pháp thất bại bằng bốn câu thơ: “Cũng trong một cuộc Điện Biên/Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa/Trăm năm trong cõi người ta/Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua” [trang 1254].
Nghệ thuật sử dụng “chơi chữ”, “chơi số” để người đọc thêm tò mò, thú vị
Ví như trong bài có tít là ba con số: “10…15…20…”, Bác viết nhân được mùa lớn ở nhiều nơi, nhưng ở đó cán bộ không chú ý tổng kết thì vì sao lại được mùa nên chưa quan tâm tìm biện pháp để đưa năng suất lên cao hơn, mà theo Bác, các yếu tố đủ mạ, đủ phân, đủ nước có ý nghĩa quyết định thắng lợi. Theo đó, phải phát động một phong trào quần chúng cùng thi đua hành động. Kết luận, Bác chỉ rõ, muốn thành công ắt phải: “Đặt mức 10 phần, có biện pháp 15 phần và phải cố gắng 20 phần” [trang 1172].
Bài “Xa luy thành Xa lô”, Bác phân tích mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong việc tìm cách cai trị ở Lào. Người Pháp dạy cho lính Lào hễ gặp một vị tướng quân Pháp thì phải chào bằng tiếng mẹ đẻ của viên tướng ấy: “Xa luy tướng quân”. Nhưng huấn luyện viên quân sự Mỹ cố ý dạy cho lính Lào khi gặp tướng Pháp phải chào to “Xa lô tướng quân” (Xa lô là một tiếng chửi mắng rất hỗn xược). Từ đó, Bác rút ra kết luận:
“- Thực dân Pháp rất xúi quẩy
- Đế quốc Mỹ rất đểu cáng
- Mâu thuẫn giữa bọn đế quốc thực dân ngày càng nhiều” [trang 1381].
Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên Báo Việt Nam độc lập tại Thái Nguyên, tháng 01/1964. Ảnh: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Nghệ thuật khôi hài
Bài “Tếu thật”, Bác vạch rõ thủ đoạn quái gở của những người lãnh đạo Mỹ khi tuyên truyền chiến tranh nguyên tử. Một tờ báo Mỹ đưa tin: ngày 15/6/1955 này, Tổng thống, các bộ trưởng, thứ trưởng và ngót 1 vạn 5000 công chức Mỹ sẽ cấp tốc rời khỏi thủ đô và tản cư cách đó từ 80 - 480 cây số, phải ăn ngủ và làm việc dưới hầm trú ẩn trong 3 ngày liền. Đây là cách “báo động giả” để tuyên truyền cho chiến tranh nguyên tử. Bác kết luận: “Dọa người, người chẳng sợ đâu/Tự mình rước lấy lo âu cho mình” [trang 271].
Bài “Đa lét nói dại”, Bác dẫn bài trả lời phỏng vấn của tướng Pháp là Đa lét huênh hoang về nghệ thuật “Đưa nhà nước đến miệng hố chiến tranh, mà không rơi vào hố chiến tranh, đó là một nghệ thuật tài tình”. Nhiều nước đòi Pháp cách chức Đa lét vì giọng huênh hoang đó. Họ ví Đa lét như một người điên, tay cầm bom nguyên tử, trong túi đút một tờ tạp chí “Dethe - Chết”, chứ không phải “Life - Sống”; từ đó Bác kết luận:
“Tiếng Anh ‘Dal” nghĩa là ngớ ngẩn
Ngoại trưởng Đa lét đã thật ngẩn ngơ
Quen mồm nói dại, nói vơ
Làm cho thiên hạ kẻ ngờ, người khinh” [trang 594].
Dùng thơ lục bát để nhấn mạnh ý tưởng bài viết
Bài “Phí tiền mua cá không tươi/Mua rau đã héo, mua người ngu ngơ”. Thật ra, cách này Bác rất ít dùng vì tít dài, nhưng trong bối cảnh đặc biệt, cần nhấn sâu ý tưởng bài viết nên Bác dùng câu thơ lục bát cho dễ nhớ. Bác trích tờ tạp chí Mỹ Dân tộc ngày 01/7/1955 viết: “Trong hai năm qua, Mỹ đã giúp Lý Thừa Vãn 1.500 triệu đô la, trong số đó có 720 triệu là “viện trợ quân sự”. Còn Ngô Đình Diệm tìm mọi cách xúi giục chống Pháp, trong khi đó Pháp là đồng minh của Mỹ. Vậy là nhân dân Mỹ thấy chính quyền đã bỏ ra số tiền lớn để ủng hộ những kẻ cầm quyền xấu xa ở một số nước, nên đã phản đối mạnh mẽ. Kết thúc bài viết, Bác dẫn câu tục ngữ Pháp: “Anh bảo tôi ai là bạn anh? Tôi sẽ bảo anh: anh là người thế nào?” [trang 315].
Bài “Muốn cho đời sống đổi thay/Toàn dân, toàn Đảng ra tay cùng làm”. Sau khi Bác kể những đổi thay nhanh chóng của ngành nông nghiệp ở Trung Quốc mà chính Bác mắt thấy tai nghe, Bác khuyên nông dân ta nên học kinh nghiệm quý:
“Thi đua làm nhiều thủy nông
Dùng nhiều phân bón là công việc đầu
Ba là cuốc bẫm, cày sâu
Bốn chọn giống tốt, năm lo cấy dày
Sáu là kỹ thuật đổi thay
Toàn dân, toàn Đảng ra tay cùng làm” [trang 993]
Thiết nghĩ, những ví dụ nêu trong bài viết này, chỉ là số ít trong số hàng trăm ví dụ tiêu biểu mà Bác đã sử dụng. Đây là minh chứng lời dạy của Bác đối với người viết báo, muốn có bài báo hay, ngoài nội dung phong phú, tư liệu chuẩn xác, cần có nghệ thuật đặt tít bài hấp dẫn để gây dấu ấn trong bạn đọc. Nói cách khác là, viết báo để dân đọc dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo - một mục tiêu cao quý của người làm báo cách mạng Việt Nam.
PGS, TS NGUYỄN HỒNG VINH
(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân)
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.