14/06/2022 08:55
Ông Huỳnh Thanh Hồng với mô hình đa cây, đa con
Ông Huỳnh Thanh Hồng giới thiệu mô hình nuôi dế.
Chúng tôi được giới thiệu gặp ông Huỳnh Thanh Hồng, đảng viên Chi bộ ấp Nhị Hòa, xã Đại Phước, huyện Càng Long với 61 năm tuổi đời và trên 30 năm tuổi Đảng. Được biết, ông từng là giáo viên tại Trường Đảng huyện Càng Long (nay là Trung tâm Chính trị huyện) rồi về địa phương từng đảm nhiệm các chức danh Trưởng Ban nhân dân ấp, Phó Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt.
Ông Hồng chia sẻ: tuy là nông dân nhưng tôi luôn phát huy vai trò của một đảng viên, phải gương mẫu, hết lòng vì công việc; luôn sâu sát với Nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân, ghi nhận kịp thời việc tốt, việc xấu, để kịp thời báo cáo hoặc có hướng thực hiện tốt nhất cho ấp.
Ngoài phục vụ nhiệm vụ của ấp, ông Hồng tự nghiên cứu, tìm tòi thực hiện mô hình đa cây, đa con và đã thành công. Ông chia sẻ: dù chưa có kiến thức, kinh nghiệm, tôi tự mày mò kỹ thuật nuôi và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Con giống đầu tiên tôi nuôi là ếch thịt và ếch sinh sản, tính đến nay tôi nuôi ếch được hơn 10 năm.
Lúc đó, ở xã Đại Phước ông Hồng là người nuôi đầu tiên nên việc bán ếch giống lợi nhuận cao. Dần dần, có nhiều người nuôi nên ông nuôi ít lại. Hiện, ông có trên 20.000 con ếch con chuẩn bị xuất bán. Đồng thời, ông còn nuôi rắn ri voi, cá tai tượng giống, ốc bươu đen, dế mèn.
Ông Hồng cho biết: tôi nuôi dế mèn được 04 năm nay. Lúc trước, tôi nuôi rắn mối nên qua Bến Tre mua dế để làm thức ăn cho rắn mối, thấy nhiều người mua dế về câu cá, làm đặc sản cho quán nhậu nên về tôi tự học cách nuôi dế, bước đầu thành công và tôi duy trì đến nay. Nuôi dế không khó, không tốn nhiều kinh phí, chỉ cần bỏ công chăm sóc mà hiệu quả mang lại khá cao.
Ông Hồng nuôi dế trong lồng hình chữ nhật khoảng 02m2, thức ăn cho dế là đu đủ sống, lá mì, rau mát và thức ăn công nghiệp. Dế từ lúc nở đến trưởng thành, thành dế thương phẩm xuất bán là 33 ngày. 01 lồng dế từ nở đến xuất chuồng, dế ăn khoảng 10kg thức ăn. Hiện ông Hồng nuôi 27 lồng dế, 01 lồng xuất bán được 15kg dế thương phẩm, giá bán hiện nay 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lồng thu lợi nhuận trên 500.000 đồng.
Ngoài ra, ông còn bán trứng dế cho trang trại ở huyện Cầu Kè, mỗi ngày giao 06 vỉ trứng dế, 01 vỉ 100.000 đồng. Thu nhập bình quân từ bán dế thương phẩm và trứng dế hơn 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, phân dế ông tận dụng bón cây trồng, với 10 công đất vườn ông trồng dừa, bòn bon và bưởi da xanh. Thu nhập trung bình của gia đình ông trên 250 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả mô hình nuôi dế, hiện nay, nhiều hộ dân gần nhà đã liên hệ ông Hồng đặt trước trứng dế và học hỏi cách nuôi.
Ông Lê Văn Ngon, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phước cho biết: bằng sức lao động và tinh thần tự vươn lên, ông Huỳnh Thanh Hồng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương và câu chuyện tự tìm tòi thực hiện các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả của ông là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, tự vươn lên xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu. Với những thành tích đó, ông được UBND huyện tuyên dương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 05 năm liền (2016-2020) và có mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả trên lĩnh vực kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Phạm Minh Kiều, tăng gia sản xuất, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương
Ông Phạm Minh Kiều chăm sóc đàn bò.
Đến xã Đại Phước, nói đến đảng viên tăng gia sản xuất, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương thì nhiều người nhắc ngay đến Phạm Minh Kiều, 39 tuổi, hiện là Ấp Đội trưởng ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long. Với cách nói chuyện thân thiện, hoạt bát, nhanh nhẹn, Phạm Minh Kiều kể: trước kia từng tham công tác tại UBND xã nên cũng được tham gia nhiều lớp tập huấn ở các lĩnh vực, tham gia học các lớp chính trị, nghị quyết nên bản thân và gia đình luôn chấp hành đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vợ tôi cũng là đảng viên, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trung nên cả 02 luôn tích cực tham gia đóng góp các phong trào của địa phương, nêu cao tinh thần gương mẫu của người đảng viên trong cuộc sống.
Trước kia, gia đình Minh Kiều cũng vừa đủ ăn, mong muốn cất được căn nhà khang trang nhưng chưa đủ điều kiện. Năm 2014, từ mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình, chỉ 01 con bò mẹ và 02 con bê con, ông mạnh dạn mở rộng mô hình nuôi bò sinh sản, mua giống bò mới, thị trường ưa chuộng rồi nhân giống. Ông cho biết: qua gần 08 năm nuôi bò sinh sản, bò thịt, hiện giờ tôi duy trì được 09 con bò sinh sản và 06 con bê khoảng 02 tháng tuổi, mỗi năm tôi bán từ 08-09 bê con, mỗi con có giá từ 17 - 20 triệu đồng. Hiện nay, nuôi bò sinh sản là một trong những mô hình chủ lực thoát nghèo của nhiều địa phương trong tỉnh, tuy nhiên để con bê bán ra có giá trị kinh tế cao, người nuôi cần chọn con giống tốt, thị trường ưa chuộng thì sẽ dễ bán hơn. Ngoài nuôi bò, ông Kiều còn cải tạo đất trồng lát kém hiệu quả sang trồng dừa, hiện 05 công dừa của ông đã thu hoạch trái, bình quân bán từ 300 - 400 trái/tháng, thu nhập bình quân 01 năm trên 200 triệu đồng. Năm 2019, ông đã cất được căn nhà khang trang với kinh phí trên 350 triệu đồng.
Cùng với phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Ấp Đội trưởng, ông Kiều nhiệt tình với các phong trào ở ấp, nhất là vận động các hộ gia đình xây dựng gia đình văn hóa NTM, tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa phương, tố giác tội phạm, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhiệm vụ thường xuyên nhất là vận động các hộ gia đình bảo vệ môi trường, thực hiện các tuyến đường sáng - xanh - sạch -đẹp, góp phần nâng chất các tiêu chí ấp văn hóa NTM.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.