14/12/2022 08:31
CCB Nguyễn Văn Tuẩn (bìa trái) trao đổi về mô hình “Tổ hùn vốn xoay vòng” với Hội CCB xã.
Toàn huyện hiện có 2.245 hội viên, sinh hoạt tại 80 chi hội. Để phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” ngày càng lan tỏa, các cấp hội đã gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với phong trào thi đua “CCB gương mẫu”.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Tiểu Cần cho biết: quan tâm hàng đầu của Hội là giúp hội viên tham gia vào nhiều phong trào ở địa phương, được tạo điều kiện để làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và đóng góp công sức cùng xây dựng quê hương. Hàng năm, được sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về chủ trương phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Hội CCB huyện nêu cao tinh thần, ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nhanh chóng thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Hiện nay, toàn huyện cơ bản không còn hội viên CCB nghèo và hội viên sống nhà tạm bợ.
Năm 2022, Hội CCB các cấp tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, động viên CCB cận nghèo, gia đình khó khăn phát huy thế mạnh của gia đình, của địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.
Ngoài việc được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, sự đầu tư vốn từ ngân hàng, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện, Hội CCB huyện còn vận động hội viên đóng góp các loại quỹ, góp vốn xoay vòng và tham gia các hoạt động tình nghĩa.
Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ủy thác cho hội viên CCB vay với tổng số vốn 2,5 tỷ đồng để sản xuất, chăn nuôi; có 08 hội viên chuyển 3,4ha đất kém hiệu quả sang trồng dừa và cỏ nuôi bò; tiếp tục duy trì các mô hình hiệu quả, như: bưởi da xanh được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap ở xã Hùng Hòa, mô hình cho mượn con giống ở xã Phú Cần, mô hình vườn mẫu… để phát triển kinh tế bền vững.
Được sự giới thiệu của Hội CCB huyện, chúng tôi về xã Tân Hùng, đây là một trong những cơ sở Hội phát huy hiệu quả mô hình “Tổ hùn vốn xoay vòng” trong hội viên CCB nhiều năm qua.
Ông Lê Duy Khánh, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tân Hùng cho biết: mô hình chi hội CCB góp vốn xoay vòng, giúp hội viên thoát nghèo, tuy không phải là mô hình mới nhưng mô hình đã được chi hội CCB các ấp thực hiện trên 10 năm qua. Đây là mô hình học tập và làm theo Bác thiết thực và hiệu quả nhất, góp phần trong công tác xóa nghèo trong hội viên và xây dựng chi hội vững mạnh.
Chi hội CCB Ấp Sáu, xã Tân Hùng duy trì mô hình “Tổ hùn vốn xoay vòng” từ năm 2013 đến nay, với 100% hội viên tham gia. Lúc đầu, mỗi hội viên đóng góp 500.000 đồng/tháng, cho 01 hội viên mượn vốn xoay vòng, ban đầu có 21 hội viên tham gia, số vốn nhận được 10,5 triệu đồng, chi hội ưu tiên 03 tháng đầu cho 03 hội viên cận nghèo mượn để phát triển kinh tế gia đình.
Với bản chất năng động, sáng tạo của người lính, tập thể chi hội đã cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, tìm ra những mô hình tiết kiệm học theo Bác một cách thiết thực nhất, dễ làm nhất để đưa ra tập thể bàn bạc. Nhờ biết phát huy tính tập thể mà chi hội hoạt động ngày một chất lượng,. Năm 2019, chi hội không còn hội viên nghèo, cận nghèo. Năm 2020 đến nay, chi hội thống nhất nâng số tiền hùn vốn 01 triệu đồng/tháng, có 14/14 hội viên tham gia.
Trên con đường đal nhỏ, ngoằn ngoèo, rợp bóng dừa, chúng tôi đến thăm gia đình CCB Nguyễn Văn Tuẩn, 50 tuổi, hội viên Chi hội CCB ấp Sáu, xã Tân Hùng, khi nghe ông chia sẻ về sử dụng nguồn vốn trong việc thu gom mua chuối sống vận chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh bán lại cho thương lái mới thấy tinh thần chịu thương, chịu khó, ý chí tự vươn lên của CCB.
Ông Tuẩn bộc bạch: với phương châm “lấy công làm lời, sống tiết kiệm”, có được bao nhiêu vốn tôi dồn hết cho việc mua bán chuối. Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mỗi tuần, ông Tuẩn có 02 chuyến xe lên Thành phố Hồ Chí Minh bán chuối, mỗi chuyến từ 03-05 tấn chuối sống, lời được khoảng 03 triệu đồng. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên ông tạm ngưng việc mua bán chuối, ở nhà làm vườn, ông chuyển đổi 03 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa. Ông Tuẩn nói: “còn sức khỏe tôi còn lao động, xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng quê hương”. Hiện nay, CCB Nguyễn Văn Tuẩn là Bí thư Chi bộ ấp Sáu.
Còn đối với CCB Trần Văn Tất, 68 tuổi, cùng ngụ ấp Sáu sử dụng nguồn vốn để chăn nuôi bò, nuôi heo, nhờ có số vốn tương đối lớn cùng với tinh thần cần, kiệm nên năm 2013 gia đình CCB Trần Văn Tất thoát khỏi hộ cận nghèo.
Ở Chi hội CCB ấp Sáu, không chỉ có mô hình “Tổ hùn vốn xoay vòng” mà hội viên CCB còn thực hiện mô hình “Đồng tiền đồng đội”, Quỹ thăm bệnh để giúp hội viên khó khăn vượt khó vươn lên. Ông Lâm Văn Sáu, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Sáu cho biết: “chúng tôi học tập Bác mỗi ngày, đối với hội viên CCB chi hội thì 03 mô hình này được duy trì song song nhau, tất cả vì đồng đội mình mà tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, trong thời chiến cũng như thời bình”. Mô hình “Đồng tiền đồng đội”, khi hội viên gặp khó khăn về vốn sản xuất, mua sắm vận dụng gia đình thì chi hội sẵn sàng cho mượn vốn “Đồng tiền đồng đội”, 05 triệu đồng cho 01 hội viên mượn. Sau 06 tháng sẽ trả lại nguồn vốn cho chi hội để hội viên khác khi cần chi hội sẽ cho mượn tiếp, nguồn quỹ “Đồng tiền đồng đội” của chi hội hiện duy trì được 25 triệu đồng, để hỗ trợ hội viên mượn khi cần thiết.
Cụ thể hóa việc học tập và làm theo Bác với phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” trên địa bàn huyện Tiểu Cần ngày càng được phát huy và lan tỏa, cùng với nguồn vốn từ các mô hình của Hội CCB và sự hỗ trợ từ các nguồn vốn vay, giúp cho nhiều gia đình hội viên thu nhập ngày càng tăng, đầu tư vào sửa chữa nhà ở, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể… Những kết quả trên đã khẳng định vị thế của Hội, góp phần vào công cuộc phát triển chung của huyện.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.