14/10/2020 07:24
Ông Võ Thành Nha, Chủ tịch Hội CCB xã Phú Cần cho biết: Hội CCB xã Phú Cần hiện có 147 hội viên, sinh hoạt tại 08 chi hội, 04 năm qua, Hội đã xây dựng kế hoạch, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các chương trình, hành động cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đặc biệt, với phương châm “Học tập và làm theo lời Bác phải cụ thể, lời nói đi đôi với việc làm”, Hội CCB xã đã triển khai các biện pháp giúp đỡ hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. Nổi bật là thực hiện hiệu quả mô hình “Hội viên CCB góp vốn mua bò sinh sản cho hội viên mượn không tính lãi, giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”, đã hỗ trợ hội viên thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu.
Ông Huỳnh Long Hải, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Cây Hẹ chia sẻ: Chi hội hiện có 29 hội viên, 03 hội viên cận nghèo, đời sống hội viên còn nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, năm 2016, Chi hội đã họp, vận động hội viên hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, mỗi hội viên đóng góp 200.000 đồng/quý để mua bò sinh sản hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo nuôi không tính lãi. Sau khi bò mẹ sinh được con bê, con bê được nuôi khoảng 05-06 tháng tuổi, hội viên sẽ bán con bê đó, số tiền có được, hội viên sẽ trả lại chi hội 50%, nhằm tạo thêm nguồn vốn để duy trì mô hình và hỗ trợ hội viên. 50% còn lại hội viên giữ để làm vốn tiếp tục chăn nuôi.
Tính từ khi thành lập đến nay, có 04 hội viên được hỗ trợ, trong đó có 02 hộ cận nghèo đã vươn lên khấm khá. Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Thạch Thân, hội viên Chi hội CCB ấp Cây Hẹ, đây là 01 trong 03 hội viên được chi hội hỗ trợ nuôi bò sinh sản. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là chỉ sau 04 năm thực hiện mô hình “Hội viên CCB góp vốn mua bò sinh sản cho hội viên mượn không tính lãi, giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”, từ hộ cận nghèo, hiện nay cuộc sống gia đình ông Thạch Thân đã vươn lên khấm khá, khiến nhiều người nể phục.
Ông Thạch Thân chăm sóc đàn bỏ. |
|
Ông Thạch Thân cho biết: năm 2015 gia đình tôi nghèo lắm, không có đất sản xuất, gần 60 tuổi, nhưng tôi vẫn đi làm thuê từ rải phân, xịt thuốc, làm cỏ… để trang trải cuộc sống. Do vậy, tôi suy nghĩ phải cố gắng nhiều hơn với mong muốn thoát khỏi cái nghèo; năm 2016 gia đình tôi thoát khỏi hộ nghèo và vươn lên cận nghèo.
Cũng vào năm này, Chi hội CCB ấp Cây Hẹ thành lập mô hình “Hội viên CCB góp vốn mua bò sinh sản cho hội viên mượn không tính lãi, giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”, tôi được Chi hội hỗ trợ đầu tiên. Ngày nhận được bò để nuôi sinh sản, nó đã mang thai 03 tháng, trị giá 25 triệu đồng, tôi mừng lắm. Tôi suy nghĩ phải cố gắng chăm sóc để duy trì giống, vì đây là “cần câu” mà Chi hội đã hỗ trợ tôi, giúp tôi thoát nghèo bền vững. Sau 06 tháng nuôi, con bò sinh được con bê cái. Tôi tiếp tục nuôi được 06 tháng, ước tính bán được 10 triệu đồng, tôi hoàn trả cho Chi hội 50% là 05 triệu đồng, tôi vẫn tiếp tục nuôi con bê để nhân giống.
Cùng với đó, tôi tiết kiệm mua thêm 02 con bò sinh sản, tính đến nay, tôi đã có 04 con bò sinh sản, ước tính 01 con bò đang mang thai 03 tháng nếu tôi bán có thể được hơn 30 triệu đồng. Tôi thấy mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, bởi nuôi bò rất dễ, chỉ cần lo rơm và cỏ, đảm bảo thức ăn thì sẽ đạt hiệu quả như mong muốn, không tốn nhiều chi phí như nuôi các con vật khác.
Còn đối với CCB Huỳnh Thanh Nhàn, ấp Cây Hẹ: được sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng đội lúc khó khăn, năm 2017, tôi là hộ cận nghèo được nhận 01 con bò sinh sản (đã mang thai 05 tháng) trị giá 19 triệu đồng, sau 04 tháng chăm sóc, bò sinh được con bê đực, tôi nuôi hơn 05 tháng thì bán được 14 triệu đồng. Tôi hoàn trả chi hội 07 triệu đồng. Hiện nay, con bò được hỗ trợ đang mang thai. Tôi thấy mô hình này rất hay và hiệu quả, đối với gia đình tôi, nhờ nuôi bò sinh sản mà tôi có đồng vốn để thực hiện được nhiều việc khác. Năm 2019, gia đình tôi tích lũy thuê được 1.000m2 đất để trồng hoa huệ. Sau 05 tháng trồng, huệ đã cho thu hoạch dần đến nay, tôi thu hoạch lai rai, cứ cách 02 tuần, tôi cắt 01 lần được khoảng 03-04 chục hoa huệ, trung bình 01 chục (10 hoa) bán cho thương lái từ 20.000-25.000 đồng trong ngày thường, ngày rằm giá sẽ tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/chục, đủ để gia đình tôi trang trải cuộc sống hàng ngày.
Bà Chiêm Thị Trâm, vợ CCB Huỳnh Thanh Nhàn cho biết: trồng hoa huệ cực không thua gì trồng lúa nhưng huệ cho thu nhập cao hơn lúa và được cắt bán thường xuyên. Tính từ khi được hỗ trợ nuôi bò của chi hội CCB hỗ trợ, kèm theo trồng huệ, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn rất nhiều. Thời gian tới, vợ chồng tôi tiếp tục thực hiện 02 mô hình này, mong muốn cuộc sống được khá giả, thoải mái hơn.
Ông Võ Thành Nha cho biết thêm: từ hiệu quả mô hình “Hội viên CCB góp vốn mua bò sinh sản cho hội viên mượn không tính lãi, giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”, đến nay đã có 04 hội viên được hỗ trợ nuôi bò là CCB Thạch Thân, Huỳnh Thanh Nhàn, Thạch Ri, Dư Sang. Mô hình đã tạo được nguồn vốn ổn định cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, xóa nghèo, vươn lên hộ khá, góp phần cùng với xã chung tay thực hiện công tác xóa nghèo bền vững. Đồng thời, góp phần tăng nguồn vốn ban đầu nhờ vào lượng bò sinh sản, bởi sau khi nhận bò về nuôi, hội viên cam kết với chi hội sẽ chăm sóc mà không bán bò giống. Ước tính, thu nhập từ 04 con bò sinh sản khoảng 40-50 triệu đồng/năm, từ thu nhập này sẽ tăng thu nhập cho hội viên để phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo. Hướng tới, Hội CCB xã sẽ nhân rộng mô hình ở Chi hội CCB ấp Ô Ét.
Bằng những nghĩa cử cao đẹp, hành động thiết thực, Hội CCB xã Phú Cần xứng đáng với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, không chỉ anh dũng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn cần mẫn, kiên cường vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.