08/03/2022 05:03
Chị Kim Thị Hồng (đứng giữa) giới thiệu sản phẩm từ mô hình trồng rau sạch với Hội LHPN xã Phú Cần.
Bà Lê Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiểu Cần cho biết: toàn huyện có 15.386 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 80 chi hội và 11 Hội cơ sở. Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05), Hội LHPN huyện đã tuyên truyền, giáo dục, định hướng cán bộ, hội viên phụ nữ hình thành những phẩm chất, đạo đức, lối sống gắn với các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, tự “chuyển hóa” trong nội bộ”.
Đặc biệt, xác định tiết kiệm là một trong những khâu đột phá để giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vừa là việc làm thiết thực trong học và làm theo Bác, các cấp Hội đã vận động chị em tiết kiệm bằng nhiều hình thức: tiết kiệm trong các nhóm xoay vòng vốn, tiết kiệm theo chương trình vay vốn của ngân hàng, tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm nhiên liệu… Đồng thời, lồng ghép việc thực hành tiết kiệm với hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong các tầng lớp phụ nữ, nổi bật như: tổ hùn vốn mua tôn cất nhà, tổ giúp đỡ phụ nữ neo đơn, người già; thực hành tiết kiệm tạo việc làm cho phụ nữ của chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, hội viên phụ nữ ấp Tân Thành Đông, xã Tân Hòa; đan thủ công mỹ nghệ của Chi hội Phụ nữ ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi; tiết kiệm giúp nhau mua BHYT của Chi hội Phụ nữ ấp Xóm Vó, ấp Sóc Tre, ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần…
Bà Kim Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Cần cho biết: học Bác từ việc làm nhỏ nhưng thiết thực, Hội LHPN xã vận động chị em duy trì các mô hình tổ phước thiện, nuôi heo đất, tổ hùn vốn mua BHYT. 05 năm qua, các chi hội duy trì 05 tổ nuôi heo đất, với 46 chị tham gia, nuôi 46 heo đất; duy trì 13 tổ hùn vốn mua BHYT, với 164 thành viên, số tiền góp được 179,6 triệu đồng, có 79 chị nhận tiền và mua 248 thẻ BHYT. Qua các hoạt động đã tác động và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong phụ nữ về thực hành tiết kiệm, làm tốt công tác từ thiện nhân đạo.
Bà Sơn Thị Cao Chánh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Cây Hẹ chia sẻ: toàn ấp có 280 hội viên phụ nữ, 90% chị là đồng bào Khmer, trước kia, các chị được hưởng chính sách hỗ trợ thẻ BHYT nên các chị yên tâm. Hiện nay, xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao nên việc hỗ trợ thẻ BHYT không còn nữa, chúng tôi bắt đầu vận động các chị tham gia mua BHYT. Tuy nhiên, có nhiều chị hoàn cảnh khó khăn chưa quan tâm nhiều đến sức khỏe bản thân, nên chưa “mặn mà” tham gia BHYT. Đối với một số chị, số tiền mua BHYT khá cao, họ chỉ ưu tiên mua cho cha mẹ, còn bản thân thì không mua. Do đó, chi hội thành lập tổ hùn vốn mua BHYT vào tháng 9/2021 với 11 thành viên. Hàng tháng, mỗi chị đóng 100.000 đồng, ưu tiên cho các chị thật sự khó khăn sẽ hốt trước để mua BHYT cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
Chị Thạch Thị Sa Rết, là hộ khó khăn, hàng ngày chị nhận hạt điều về nhà làm gia công, chồng đi làm thuê theo thời vụ. Chị có 02 người con, đứa học lớp 4, đứa chuẩn bị vào đại học nên lúc nào vợ chồng chị cũng suy nghĩ phải dành dụm tiền để nuôi con học đại học. Vì vậy, chị chưa mua được BHYT, khi được vận động tham gia vào tổ hùn vốn mua BHYT, chị đồng ý ngay. Tổ đã ưu tiên cho chị hốt trước, hiện chị đã mua 03 thẻ BHYT với số tiền gần 1,4 triệu đồng.
Còn với chị Thạch Thị Hồng, thành viên trong tổ hùn vốn mua BHYT, hoàn cảnh cũng khó khăn, chị tham gia tổ và được ưu tiên mua BHYT cho hai vợ chồng. Chị Hồng chia sẻ: lúc trước được phát thẻ BHYT, tôi cũng ít sử dụng tới. Bây giờ không còn hỗ trợ nữa, tôi nghĩ làm có tiền từ từ rồi mua. Được chị em vận động tham gia tổ hùn vốn mua BHYT, tôi đồng ý ngay. Nhờ vậy, tôi mua được thẻ BHYT.
Được biết, trước kia, gia đình chị Thạch Thị Hồng là hộ nghèo, chị được Chi hội Phụ nữ hỗ trợ vay vốn 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiểu Cần để trồng trọt vươn lên thoát nghèo bền vững. Hàng ngày, anh chị tận dụng 02 công đất để trồng rau sạch bán cho người dân trong ấp. Vợ chồng chị còn tranh thủ thời gian để bán thêm vé số, kiếm tiền xoay sở cuộc sống và trả nợ vay. Nhờ vợ chồng đồng lòng, chí thú làm ăn, năm 2019, gia đình chị vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, chị vẫn duy trì mô hình trồng rau sạch và tham gia tổ hùn vốn mua BHYT, tổ tiết kiệm tín dụng của Chi hội Phụ nữ ấp.
Song song với việc học tập và làm theo Bác, để góp phần thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 09/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia xây dựng 01 sản phẩm chủ lực, mang tính đặc trưng của huyện là cây lúa, cây dừa và chăn nuôi bò. Đồng thời, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, có 45 lượt chị tham gia, có 16 chị dự tổng kết trao giải thưởng Hội thi ý tưởng khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Kết quả, ý tưởng sản phẩm từ mật hoa dừa của chị Thạch Thị Chal Thi đạt giải Nhất, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp, thanh niên lập nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Giải Nhất lan mokara cắt cành của chị Nguyễn Thị Thơ, ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi và ra mắt Hợp tác xã dịch vụ Long Thới, có 25 thành viên do phụ nữ quản lý.
Với những mô hình, hoạt động của các cấp Hội LHPN huyện Tiều Cần thực hiện thời gian qua đã góp phần lan tỏa những lối sống đẹp, việc làm ý nghĩa từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo Bác. 05 năm qua, các cấp Hội đã có 58 tập thể, cá nhân tiêu biểu được biểu dương ở các lĩnh vực, trong đó, có 06 tập thể, cá nhân điển hình cấp tỉnh. Riêng, Hội LHPN huyện được Bí thư Tỉnh ủy tặng thư khen trong thực hiện tốt mô hình tổ hùn vốn mua BHYT.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.