25/04/2023 05:25
Hội LHPN xã trao đổi về sản phẩm đan lục bình của bà Trần Thị Sang (bìa phải).
Đồng chí Lê Thanh Trà, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Hội LHPN xã An Quảng Hữu hiện có 2.260 hội viên, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05), hội viên phụ nữ xã An Quảng Hữu luôn quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai nghị quyết các cấp, Chỉ thị số 05 và tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống. Từ đó, đem lại quyền lợi thiết thực cho hội viên phụ nữ và quần chúng Nhân dân.
Hiện nay, Hội xây dựng và duy trì nhiều mô hình thiết thực làm theo Bác, được đông đảo hội viên phụ nữ hưởng ứng, tạo sức lan tỏa sâu rộng về tinh thần “tương thân, tương ái” ở các chi, tổ hội cơ sở.
Nổi bật như mô hình “Nuôi heo đất” gây quỹ học bổng trong Ban Chấp hành Hội LHPN xã với 12 thành viên. Mô hình được thành lập năm 2016 và được duy trì đến nay. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, hàng tháng, mỗi thành viên tiết kiệm bỏ vào heo đất 10.000 đồng. Hàng năm, Hội tổ chức “khui heo” vào dịp khai giảng năm học mới, số tiền có được Hội LHPN xã trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn xã, mỗi năm trao từ 02 - 03 suất, mỗi suất 600.000 đồng.
Qua 06 năm thực hiện, mô hình tiết kiệm trên 18 triệu đồng, đã trao 31 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Hiện mô hình được duy trì thực hiện, Hội tiếp tục vận động các đồng chí trong Ban Chấp hành tham gia đóng góp nhiều hơn để giúp đỡ được nhiều học sinh nghèo có điều kiện vươn lên, học giỏi.
Chi hội Phụ nữ ấp Phố duy trì mô hình “Tổ hợp tác trồng rau an toàn” có 37 thành viên; với diện tích 5,5ha, chuyên trồng các loại rau, như: cải, hành, hẹ, rau thơm, diếp cá… Đối với hành, hẹ, thành viên thu hoạch mỗi tháng một lần, 1.000m2 công đất thu lợi nhuận từ 02 - 03 triệu đồng. Các loại rau, cải thu hoạch hàng tháng, lợi nhuận từ 02 triệu đồng trở lên. Hiện, các mối tiêu thụ rau, cải của tổ là thương lái chợ đầu mối các huyện Trà Cú, Tiểu Cần. Sản phẩm của Tổ luôn được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra định kỳ và luôn đạt tiêu chuẩn quy định về rau an toàn.
Hàng năm, Tổ đều xây dựng kế hoạch và quy chế hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác; mô hình mang lại hiệu quả cao. Trước đây, 27/37 thành viên của tổ là hộ nghèo, không có đất hoặc có ít đất sản xuất. Nhờ cần cù, chịu thương, chịu khó của tất cả thành viên và sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Hội LHPN xã, cùng các cấp, các ngành đã làm thay đổi cuộc sống hội viên. Hiện nay, 27 thành viên đã vươn lên thoát nghèo hiệu quả và có cuộc sống khá giả.
Đối với Chi hội Phụ nữ các ấp Sóc Tro Giữa, Sóc Tro Dưới, ấp Vàm thực hiện mô hình “Tiết kiệm nuôi heo đất” mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hội LHPN xã duy trì 03 tổ tại 03 chi hội, với 34 thành viên, mỗi thành viên đóng góp 10.000 đồng/người/tháng. Đến nay, đã có 36 chị tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, với mức đóng 297.000 đồng/người/tháng. Đồng thời, vận động được 168 hội viên tham gia mua bảo hiểm y tế.
Câu lạc bộ “Phụ nữ cao tuổi” ấp Sóc Tro Trên duy trì thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương”. Mô hình được thành lập năm 2022, với 12 thành viên, câu lạc bộ sinh hoạt hàng tháng; tại các kỳ sinh hoạt, chị em mang theo gạo, đóng góp vào “Hũ gạo tình thương”. Kết thúc buổi sinh hoạt, chủ nhiệm câu lạc bộ sẽ trao phần gạo cho 01 thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Song song đó, Chi hội Phụ nữ ấp còn duy trì mô hình tổ đan lục bình với 15 thành viên.
Bà Trần Thị Nhành, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sóc Tro Trên, Tổ trưởng tổ đan lục bình cho biết: hiện, trên địa bàn ấp có 15 hộ là hội viên phụ nữ đang làm nghề này. Nhờ đó, các chị em có thêm thu nhập, chăm lo các con đến trường, trang trải cuộc sống gia đình. Nghề đan lục bình không phải lo lắng nhiều về đầu ra sản phẩm, công việc lại nhẹ nhàng, phù hợp với mọi độ tuổi lao động.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn ấp cũng đã tham gia, đại diện các hộ đến nhà tổ trưởng nhận lục bình, khung về nhà cho các thành viên trong gia đình cùng đan khi có thời gian rảnh. Bà Trần Thị Sang, thành viên tổ đan lục bình chia sẻ: tôi từng là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, tôi mắc bệnh tim nhiều năm nay, không thể làm việc nặng. Được sự vận động của chi hội, tôi tham gia tổ đan lục bình, các chị khuyên vào tổ, đan thành sản phẩm, có thêm thu nhập, cuộc sống đỡ chật vật hơn. Trung bình, khoảng 02 ngày tôi đan được 01 bộ sản phẩm 04 cái, với giá trả công 80.000 đồng. Đan không khó, không nặng, chỉ cần chú ý và dành thời gian đan sẽ được nhiều sản phẩm. Năm 2022, gia đình tôi thoát khỏi hộ nghèo, cả nhà tôi phấn đấu vươn lên.
Theo bà Lê Thanh Trà, thực hiện việc đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt lệ chi, tổ hội, năm 2023, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã chỉ đạo chi hội phụ nữ các ấp đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào tổ chức sinh hoạt lệ hàng tháng để hội viên phụ nữ biết ít nhất 01 mẫu chuyện kể về Bác. Đến nay, các chi hội đã kể trên 360 cuộc, các mẫu chuyện về Bác được kể gắn với nhiều nội dung, như: gương mẫu tôn trọng luật lệ, việc gì làm được hãy tự làm lấy, phải quan tâm đến mọi người nhiều hơn, việc chi tiêu của Bác Hồ. Qua những mẫu chuyện giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu thêm về những đức tính cao đẹp của Bác như đức tính cần, kiệm, liêm, chính; tình yêu thương bao la của Bác giành cho mọi người… góp phần lan tỏa việc học và làm theo Bác trong đời sống hàng ngày của phụ nữ.
Có thể nói, với sự sáng tạo, linh hoạt, có những mô hình mới, dễ áp dụng, hiệu quả, các mô hình mang lại chính là chìa khóa để tập hợp hội viên của Hội LHPN xã. Từ các mô hình, phụ nữ được tham gia, được phát triển và thoát nghèo hiệu quả. Đặc biệt, đưa phong trào học tập và làm theo gương Bác ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong hội viên và quần chúng Nhân dân.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.