08/03/2023 08:16
Chị Lê Thị Mỹ Linh (bìa phải) giới thiệu mô hình trồng khổ qua.
Hội LHPN xã Lương Hòa A hiện có 07 chi hội với 2.074 hội viên. Thời gian qua, Hội đã triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến cán bộ, hội viên phụ nữ gắn với thực hiện phong trào thi đua của Hội.
Đồng chí Huỳnh Thị Xuân Đào, Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Hòa A cho biết: Ban Thường vụ Hội LHPN xã luôn chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”; tăng cường tính gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời, lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại cán bộ Hội hàng năm. Đưa việc học tập và làm theo Bác gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 02 cuộc vận động của Hội “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Chúng tôi được giới thiệu gặp bà Trần Thị Út, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Đai Tèn. Bà Út được biết đến là cán bộ nhiệt tình với công tác Hội, hết lòng vì hội viên nghèo. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Hội, chu toàn việc nhà, bà luôn sắp xếp thời gian khoa học, qua đó giúp bà vừa làm tròn vai của chi hội trưởng vừa đảm đương công việc gia đình. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình bà luôn hạnh phúc, bà nhận được sự chia sẻ công việc nhà từ người chồng, gia đình có việc gì vợ chồng cùng bàn tính rồi mới đưa ra quyết định trên sự tôn trọng, yêu thương nhau, lúc nào gia đình cũng tràn ngập tiếng cười.
Bà Trần Thị Út kể, thời điểm năm 2015, khi là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ, ấp có gần 40 hội viên phụ nữ nghèo, thấy gia đình hội viên thiếu ăn, thiếu mặc, bà Út luôn canh cánh trong lòng và thôi thúc bà phải tìm ra giải pháp giúp đỡ hội viên thoát nghèo. Có những ngày bà Út đi đến từng nhà để nói chuyện tâm tình về cách thoát nghèo và nắm tâm tư, nguyện vọng của hội viên để báo cáo với Hội LHPN xã tìm cách tháo gỡ. Nhờ đó, nhiều hội viên ý thức được tinh thần tự vươn lên, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nhiều hội viên được hỗ trợ đất ở, cất nhà nhân ái, nhà đại đoàn kết rồi được “an cư, lạc nghiệp”.
Cứ như thế, ngày ngày, bà Út đến nhà hội viên để tuyên truyền, vận động, mỗi năm có từ 03-05 hộ nghèo được thoát nghèo bền vững. Hiện nay, ấp chỉ còn 05 hội viên nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Không chỉ vậy, bà Út còn vận động chị em tham gia mô hình quỹ phụ nữ phát triển, tổ nuôi heo đất, tổ tiết kiệm tín dụng để chị em có thể vay vốn mua cây, con giống về trồng trọt, chăn nuôi.
Bà Trần Thị Út nói: “Với vai trò chi hội trưởng, tôi thường xuyên tự nhắc nhở bản thân phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất; phải chăm lo cho hội viên. Thấy hội viên từ hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ấm no, tôi thấy ấm lòng và vui lây”.
Trời giữa trưa, nắng nóng, khi trò chuyện xong, bà Út vội vã đưa chúng tôi đến gia đình chị Lê Thị Mỹ Linh, hội viên phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình hội viên học và làm theo Bác nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vươn lên trong cuộc sống mà chị em hội viên trong ấp noi theo.
Chị Lê Thị Mỹ Linh bộc bạch: trước đây, tôi có 06 công đất trồng lúa nhưng năng suất không cao, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng nên trồng lúa nhiều vụ bị lỗ vốn. Năm 2015, tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng màu, tùy theo thời tiết, mùa vụ mà chọn trồng các loại rau, màu phù hợp để mang lại năng suất cao hơn.
Hiện 06 công đất của chị Mỹ Linh trồng khổ qua đang thu hoạch. Theo chị Mỹ Linh, 01 công đất trồng màu sau hơn 02 tháng sẽ thu hoạch, sản lượng khoảng 02 tấn/công, tùy theo giá cả thị trường, hiện nay, giá khổ qua thương lái thu mua là 9.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 01 công khoảng 13 triệu đồng, cao gấp 03 - 04 lần so với trồng lúa. Từ hiệu quả mô hình trồng màu, người dân trong ấp thực hiện theo, hiện ở ấp Đai Tèn có trên 06 hộ dân chuyển sang trồng màu các loại, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, Hội LHPN xã còn vận động hội viên thực hiện nhiều mô hình học và làm theo Bác có ý nghĩa thiết thực, lan tỏa trên toàn xã như: mô hình tổ phụ nữ biến rác thải thành tiền, có 04 tổ với 81 thành viên; mô hình nuôi heo đất có 02 tổ với 145 thành viên; tổ hùn vốn mua tôn lợp nhà, hùn mua vật liệu xây dựng sửa chữa nhà; tổ hùn vốn tiết kiệm mua bảo hiểm y tế có 02 tổ với 33 thành viên, có 06 chị mượn vốn mua 15 thẻ bảo hiểm y tế...
Năm 2022, các chi, tổ hội đã vận động 1.561 hội viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt 73% và 35 hội viên tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 100%. Vận động thành lập 02 tổ phụ nữ đan giỏ xách; 01 tổ nhóm truyền thông, 01 tổ tuyên truyền phòng, chống hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào Khmer, 01 tổ mô hình phụ nữ sản xuất lúa an toàn...
Làm theo gương Bác không khó, cũng không phải ở đâu xa mà chính từ trong sinh hoạt hàng ngày, từ trong suy nghĩ, hành động của mỗi người. Tin rằng với những mô hình hiệu quả của Hội LHPN xã Lương Hòa A sẽ ngày càng được nhân rộng, đa dạng và phong phú hơn.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.