04/01/2024 07:57
Năm 2023, Hội LHPN xã tiếp tục duy trì thực hiện mô hình “Tiếp bước cho em đến trường”, giúp học sinh là con hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Với số tiền 25 triệu đồng từ nguồn đóng góp, Hội đã trao 20 suất học bổng, 01 góc học tập, 30 thẻ bảo hiểm y tế, 500 quyển tập và 500kg gạo phần nào chia sẻ những khó nhọc với các em trong cuộc sống.
Xét thấy hoàn cảnh em Dương Nguyễn Thúy Vy, học sinh lớp 7, quá khó khăn, chật vật về kinh tế, Hội LHPN đã tặng em 01 góc học tập nhằm động viên em tiếp tục vươn lên trong học tập và cuộc sống. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hoàn cảnh Thúy Vy rất đáng thương, cha mẹ ly hôn và đều đi làm ăn xa, nhiều năm nay không về.
Thúy Vy sống với ông bà nội, bà em bệnh nặng nằm một chỗ, toàn bộ chi phí sinh hoạt của ông bà nội và em đều do một mình ông nội xoay sở. Hàng ngày, ông Dương Vĩnh Sơn, 70 tuổi, phải rong ruổi khắp các tuyến đường trên địa bàn xã Phước Hưng và các quán cà phê để bán vé số, kiếm tiền trang trải cuộc sống, chứ không có thu nhập gì thêm. Do vậy, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Khi Thúy Vy được tặng góc học tập, ông rất vui mừng. Ông Sơn trải lòng: cháu được tặng góc học tập, cháu mừng mà tôi cũng mừng. Tôi cố gắng, khi còn lo được, tôi sẽ lo cho cháu được đi học để sau này cháu có thể dùng con chữ tự nuôi lấy bản thân.
Hoàn cảnh bà Lê Kim Hồng, 57 tuổi, ngụ ấp Đầu Giồng A, xã Phước Hưng, là hội viên phụ nữ nghèo, không có đất sản xuất, bà sống một mình trong căn nhà lá đã xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào nhưng bà không có khả năng cất lại. Hàng ngày, bà Hồng đi làm thuê thời vụ, lúc thì dặm lúa, lúc thì phơi lúa mướn, mỗi ngày được 250.000 đồng nhưng cũng có lúc đau ốm bà phải nghỉ ở nhà. Năm 2023, bà Hồng được Hội LHPN xã hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn quỹ Mái ấm tình thương của Hội LHPN tỉnh để cất lại căn nhà kiên cố hơn. Sau gần 01 tháng thi công, căn nhà bà Hồng cũng hoàn thành, mái lợp tôn, nền lót gạch men, vách tol, mặt trước xây tường, tổng số tiền 45 triệu đồng. Bà Hồng bộc bạch: có căn nhà mới, tôi yên tâm hơn, không còn lo cảnh trời mưa. Được các chị phụ nữ quan tâm tôi xúc động lắm.
Hội LHPN xã Phước Hưng hiện có 2.680 hội viên, trong đó, có 57% là hội viên dân tộc Khmer, sinh hoạt tại 09/09 chi hội. Bà Huỳnh Thị Yến Chi, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Hưng cho biết: xác định việc học tập và làm theo Bác gắn liền với phong trào thi đua, xây dựng người phụ nữ Trà Cú năng động, sáng tạo, xây dựng gia đình “có sức khỏe, có đạo đức, có kiến thức, có trách nhiệm với gia đình và xã hội”. Hàng năm, Hội LHPN xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên, góp phần nâng cao nhận thức, hành động và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho cán bộ, hội viên.
Hội tiếp tục vận động hội viên thực hiện tiết kiệm bằng các hình thức, như: hùn vốn, nuôi heo đất, tiết kiệm điện, nước, chi tiêu trong gia đình… có 2.680/2.680 hội viên phụ nữ thực hiện đạt 100% so chỉ tiêu. Đồng thời, hướng dẫn các chi hội xây dựng, quản lý mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm. Hiện, toàn xã có 13 tổ hùn vốn xoay vòng, có 236 thành viên, với số tiền 643,2 triệu đồng, đã giúp cho 179 lượt hội viên mượn phát triển kinh tế. Năm 2023, Hội đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xây dựng kế hoạch, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ tái đầu tư và đầu tư mới thông qua các nguồn vốn vay từ ngân hàng, các chương trình, dự án, các tổ hùn vốn, tiết kiệm tín dụng, giúp 40/40 hội viên nghèo và 119 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ vay, với số tiền trên 3,2 tỷ đồng.
Bà Kim Thị Nhành, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Ô Rung, xã Phước Hưng, có 08 công đất trồng lúa kém hiệu quả, năm 2021, Hội LHPN xã tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trà Cú 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Vợ chồng bà mạnh dạng lên liếp, trồng các loại rau bí rợ, dưa gang, ớt chỉ thiên, năng suất và giá cả cao hơn trồng lúa. Nhưng vợ chồng bà Nhành vẫn thấy những cây màu này là cây ngắn ngày, thu hoạch khoảng 02 - 03 tháng phải trồng loại cây khác. Năm 2022, bà chuyển sang trồng chanh giấy, với 08 công đất, bà Nhành đặt mua 800 gốc chanh giấy tại Bến Tre, với giá bán 25.000 đồng gốc. Sau 18 tháng chăm sóc, hiện nay, bà Nhành bắt đầu thu hoạch chanh.
Vườn chanh trĩu quả của bà Kim Thị Nhành thu hoạch cao gấp 03 - 04 lần so trồng lúa trên cùng diện tích.
Bà Kim Thị Nhành phấn khởi nói: trồng chanh cực công chăm sóc lúc 18 tháng đầu. Sau đó, chanh cho trái và bắt đầu thu hoạch lai rai. Hiện nay, 01 tuần tôi hái trái 01 lần, thuê 03 người phụ hái và hái đến 1,5 ngày mới xong. Mỗi lần hái từ 800 - 1.000kg chanh, thương lái đến tận vườn để mua, giá bán hiện nay 20.000 đồng/kg. Với 01 tấn chanh, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 40 triệu đồng/tháng, cao gấp 03 - 04 lần trồng lúa. Giờ thu hoạch đang lúc chanh có giá cao nên chanh đắt lắm. Tôi sẽ tích lũy để trả nợ vốn vay. Nhờ có nguồn vốn vay nên tôi mới có thể lên liếp cả 08 công đất trồng chanh, vì chi phí khá cao.
Bà Trầm Thanh Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ô Rung chia sẻ: học tập và làm theo gương Bác, chi hội luôn mong muốn hội viên tự vươn lên phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của các ngành, địa phương. Từ sự tạo điều kiện của Hội LHPN xã, năm 2023, Chi hội Phụ nữ ấp xác nhận, hỗ trợ cho 60 hội viên vay vốn chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất, vươn lên khá, giàu, với tổng kinh phí gần 1,6 tỷ đồng. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như chăn nuôi bò, nuôi vịt; trồng chanh xen canh trồng mít, trồng mía; mô hình trồng dừa... Nhờ vậy, chi hội hiện chỉ còn 18 hội viên cận nghèo, 08 hội viên nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Năm 2024, chi hội tiếp tục tuyên truyền các hộ phấn đấu làm ăn, vươn lên thoát khỏi cận nghèo từ 05 - 08 hộ.
Ngoài ra, phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, XDNTM, Hội LHPN xã đã xây dựng nhiều mô hình điển hình, như: mô hình thu gom, xử lý rác tại hộ gia đình; “5 không 3 sạch”, XDNTM; phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lon và sản phẩm nhựa dùng một lần… nhằm gắn kết hội viên với tổ chức Hội và nâng cao nhận thức của hội viên trong việc bảo vệ môi trường sống. Tham gia thực hiện tốt Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 19/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh”; Hội phối hợp thực hiện 01 tuyến đường hoa chiều dài 1,5km; 01 tuyến đường sáng, gắn camera an ninh và xây dựng 01 tuyến đường đal dài 1,2km, với tổng kinh phí trên 75 triệu đồng.
Bà Huỳnh Thị Yến Chi, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Hưng cho biết thêm: học tập và làm theo gương Bác được các cấp hội lồng ghép vào nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống đời thường. Nhờ đó, các phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong hội viên.
Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người và phát huy hiệu quả hơn nữa các mô hình “làm theo”, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong hội viên các chi hội. Qua đó, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.