06/09/2022 08:07
Anh Nguyễn Văn Út Em là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện 05 năm liền.
Hội Nông dân xã Bình Phú có 1.971 hội viên sinh hoạt tại 10 chi hội và 29 tổ hội. Thời gian qua, Hội triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua tạo sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức, tư tưởng và hành động trong cán bộ và hội viên nông dân. Nổi bật là thực hiện có hiệu quả các chương trình, phong trào thi đua lớn như: XDNTM, đô thị văn minh; nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; nông dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự; chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19.
Trong quá trình thực hiện, Hội Nông dân xã chủ động bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của hội viên. Từ đó tạo sự phấn khởi, tin tưởng của cán bộ, hội viên vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước; tích cực xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh toàn diện, thi đua lao động sản xuất đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Hội vận động hội viên tích cực đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2021, có 1.301 hộ đăng ký, qua bình xét có 715 hộ đạt các cấp, trong đó 17 hộ đạt cấp tỉnh; 73 hộ cấp huyện. Đồng thời, có 273 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 05 năm liền (2017 - 2021), có 03 hộ cấp tỉnh, 25 hộ cấp huyện với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi bò vỗ béo; trồng dừa; quýt đường Long Trị; nuôi bò sinh sản kết hợp nuôi trùng quế, nuôi cá, trồng dừa; nuôi cua đinh, nuôi dê…
Chúng tôi gặp gỡ anh Nguyễn Văn Út Em, 44 tuổi, Bí thư Chi bộ ấp Phú Hưng 2, là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện 05 năm liền. Với bản tính hiền lành, nhiệt tình, chăm chỉ lao động, anh thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, trồng dừa xen trồng ớt sừng, cà chua, trồng chanh bông tím, trồng tắc với diện tích 2,6ha.
Qua trao đổi được biết, trước kia khi lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng anh được cha mẹ cho 1,8ha đất trồng lúa, ngày xưa trồng lúa theo kiểu truyền thống “có nhiêu ăn nhiêu” nên năng suất không cao, nông dân lỗ vốn. Thấy vậy, anh Út Em chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa, trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản. Nhờ vợ chồng đồng lòng, tích lũy, năm 2020, anh tích lũy mua thêm được 0,8ha đất ruộng và lên liếp trồng dừa.
Hiện nay, vườn dừa của gia đình anh có 0,4ha cho thu hoạch, còn trên 02ha khoảng 02 - 03 năm nữa cho trái. Trước kia trồng lúa năng suất thấp, giá phân, thuốc tăng cao nên năm nào tôi cũng bù lỗ. Dần dần, tôi chuyển đổi đất sang trồng dừa xen hoa màu. Đối với các loại hoa màu xen canh, tôi để ý giá cả các loại hoa màu từng năm để lựa chọn cây trồng cho phù hợp, có năm, tôi trồng khổ qua, ớt sừng, dưa hấu bán dịp tết, giá cao hơn những vụ khác. Ước tính bình quân, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ sản xuất giỏi, để thực hiện tốt việc học và làm theo Bác, anh Út Em thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên và quần chúng Nhân dân nâng cao vai trò, trách nhiệm tham gia XDNTM, bảo đảm công khai dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó, hội viên nông dân tham gia xây dựng 03 tuyến đường sáng- xanh- sạch - đẹp với chiều dài 6,5km. Khuyến khích nông dân chủ động thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tham gia bảo vệ môi trường ở nông thôn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đăng ký xây dựng gia đình văn hóa NTM. Đầu năm 2022, ấp được công nhận đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu.
Song song đó, Hội Nông dân xã tranh thủ các nguồn vốn tạo điều kiện cho hội viên vay phát triển sản xuất, từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện, có 28 hộ vay trồng cây có múi, nuôi cua đinh, nuôi bò sinh sản. Chuyển giao 31 con bò từ dự án Heifer cho 31 hộ dân nuôi mới, nâng tổng số đến nay chuyển giao được 327 con; có 309 hộ vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tổng số vốn vay trên 07 tỷ đồng; phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản, tư vấn thông tin thị trường, giá cả hàng hóa, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ nông sản cho nông dân, đặc biệt là sản phẩm OCOP quýt đường Long Trị của Hợp tác xã Thuận Phú.
Bà Lâm Thị Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú cho biết: học tập và làm theo Bác bằng những việc cụ thể, thiết thực hằng ngày, thời gian qua, Hội Nông dân xã đã quan tâm giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Để nông dân được “mắt thấy, tai nghe”, Hội đã chủ động đưa 41 nông dân tham quan mô hình trồng mít nghệ ở Vĩnh Long, nuôi cua đinh ở Hậu Giang, về áp dụng nuôi, trồng tại các ấp. Hiệu quả từ các mô hình sẽ từng bước nhân rộng trong hội viên, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Hưởng ứng các phong trào thi đua, Hội đã tích cực vận động hội viên chung tay XDNTM, đến nay toàn xã có 07/10 ấp đạt ấp văn hóa, NTM; 01 ấp NTM kiểu mẫu.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.