16/03/2022 08:18
Ban Chấp hành Xã Đoàn Phú Cần trao đổi thông tin tại cuộc một họp. Ảnh: TRUNG CHÁNH
Anh Nguyễn Trung Chánh, Bí thư Huyện Đoàn Tiểu Cần cho biết: toàn huyện có 2.962 đoàn viên, tham gia sinh hoạt ở 20 đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở. Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05), các cấp bộ Đoàn từ huyện đến cơ sở luôn chủ động tìm tòi những cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho ĐVTN là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, trong thời kỳ phát triển công nghệ số và hội nhập hiện nay, việc thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng cho ĐVTN gặp không ít khó khăn nhưng cũng có mặt thuận lợi để phát huy.
Hiện nay, sự bùng nổ mạng xã hội với rất nhiều thông tin tiêu cực, thiếu chính xác, Ban Thường vụ Huyện Đoàn xây dựng mô hình “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn” để nâng cao nhận thức cho cán bộ, ĐVTN về sử dụng mạng xã hội tích cực, hiệu quả. Bởi, khi chia sẻ những thông tin tích cực sẽ giúp cho thông tin tốt được lan tỏa nhanh hơn và tác động sâu sắc đến tâm trí của thanh niên, thiếu niên nhiều hơn. Khi các bạn có nhận thức đúng thì sẽ có hành động đúng.
Theo đó, mô hình được thực hiện theo phương châm “trong trước, ngoài sau”, “trên trước, dưới sau”, các cấp bộ Đoàn, cán bộ Đoàn là người thực hiện trước, là đội ngũ nòng cốt. Huyện Đoàn và mỗi cơ sở đoàn xây dựng 01 trang fanpage, facebook của đơn vị. Trang của huyện và các cơ sở Đoàn có sự kết nối với nhau, và kết nối với các trang mạng xã hội của các cơ sở Đoàn ngoài huyện, ngoài tỉnh. Đồng thời, vận động mỗi cán bộ, ĐVTN xây dựng 01 trang facebook cá nhân riêng, các trang này cũng có sự kết nối với trang fanpage, facebook của các cơ sở Đoàn.
Với phương châm “càng nhiều người biết càng tốt”, sau mỗi hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của từng đơn vị, quản trị viên các trang mạng xã hội của Đoàn có nhiệm vụ viết tin, bài, kèm theo ảnh hoạt động của đơn vị. Cán bộ, ĐVTN có nhiệm vụ tương tác, chia sẻ các bài viết, tạo sức lan tỏa nhiều hơn trên môi trường mạng xã hội. Ngoài ra, các trang còn chia sẻ thông tin tích cực về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những sự kiện lịch sử để giáo dục truyền thống trong ĐVTN, những câu chuyện đẹp, cách làm hay, các mô hình, điển hình, sáng kiến mới trong phát triển kinh tế của ĐVTN… tạo hiệu ứng trong xã hội và sức lan tỏa rộng, góp phần tạo môi trường mạng lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của đoàn viên, thanh, thiếu niên. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh cuộc vận động “mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Chị Lương Thị Kim Loa, Bí thư Xã Đoàn Phú Cần chia sẻ: qua chiếc điện thoại có kết nối mạng, ĐVTN rất chủ động trong tiếp cận thông tin, các bạn rất nhạy nhưng đôi khi hơi vội khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội gây ảnh hưởng dư luận mà chưa được kiểm chứng. Với trang facebook của cơ sở Đoàn, chúng tôi mong có thể chia sẻ với các bạn thông tin chính thống, đủ sức thuyết phục, để các bạn cân nhắc lựa chọn chia sẻ tiếp cho người khác.
Từ khi triển khai mô hình đến nay, trang fanpage, facebook của Huyện Đoàn có trên 2.000 tài khoản theo dõi, các trang của Đoàn cấp cơ sở trung bình có khoảng 500 tài khoản theo dõi. Qua 03 năm thực hiện, các trang fanpage, facebook của các cơ sở Đoàn từ huyện đến cơ sở đã đăng tải, chia sẻ trên 12.000 tin, bài có giá trị. Qua đó, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trong ĐVTN và người sử dụng facebook, góp phần đấu tranh, phản bác, hạn chế những đối tượng cơ hội, lợi dụng để lôi kéo, dụ dỗ, đăng thông tin sai sự thật. |
Anh Nguyễn Văn Hưởng, Bí thư Xã Đoàn Hùng Hòa cho biết: thực hiện mô hình này, cán bộ đoàn chúng tôi phải tìm tòi, phát hiện thông tin tốt, tích cực nhiều hơn nữa và nhanh nhất có thể. Qua mỗi lượt thích, bình luận hay chia sẻ các câu chuyện đẹp sẽ góp phần lan tỏa những điều tử tế, giúp cân bằng giữa tin tốt, xấu trong thời buổi thông tin nhanh, đa chiều như hiện nay.
Bên cạnh thành lập các trang fanpage, facebook, Ban Thường vụ Huyện Đoàn phối hợp Ban Tuyên giáo Huyện ủy xây dựng nhóm kín để kịp thời trao đổi thông tin, liên kết. Qua đó, sử dụng các thủ thuật nhằm đấu tranh, buộc tháo gỡ những bài viết trên các tài khoản facebook có yếu tố tiêu cực. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong nhóm đã liên kết với nhiều nhóm cộng tác viên khác trong và ngoài huyện để đấu tranh, xóa bỏ, gỡ nhiều bài viết có nội dung xấu, độc trên mạng xã hội.
Anh Nguyễn Trung Chánh cho biết thêm: bên cạnh việc giáo dục, định hướng cho ĐVTN, qua thời gian triển khai mô hình, điều nhận thấy rõ là các bạn ĐVTN quan tâm nhiều hơn các hoạt động an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội địa phương; phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhờ vậy, nhận thức các bạn cũng được nhân lên, những bài viết không chỉ được đọc, bình luận mà còn tích cực chia sẻ về trang facebook, zalo cá nhân, nhờ vậy tính lan tỏa rất cao.
Giữa cuộc sống náo nhiệt trong thời đại 4.0, những đoạn tin ngắn, những câu chuyện cảm động hay chỉ đơn giản là hình ảnh đẹp được ghi lại từ việc thăm, tặng quà, giúp đỡ người già neo đơn, học sinh nghèo… tất cả như được gieo lên những điều tử tế quanh ta khi chúng ta thường xuyên truy cập, tham gia mạng xã hội. Mô hình “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn”, của Ban Thường vụ Huyện Đoàn Tiểu Cần đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong ĐVTN và cả cộng đồng. Thiết nghĩ, mô hình có thể nhân rộng ở các ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện.
SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.