21/07/2021 07:00
Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành sinh hoạt thường xuyên của các chi bộ Đảng, cơ quan, đơn vị; trở thành hành động tự giác, tích cực của nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, đoàn kết, ý thức cần, kiệm, chống tham ô, lãng phí, tham nhũng. Tại hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu đã trình bày ở các lĩnh vực.
Đại đức Thích Như Hoàn, Trụ trì chùa Giác Chơn, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải: “Vận động hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn”
Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Với vai trò trụ trì, Hội trưởng Hội từ thiện chùa Giác Nhơn, bản thân thấy cần phải thực hiện tốt công tác từ thiện, để góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
05 năm qua, Đại đức Thích Như Hoàn cùng với Hội từ thiện vận động Phật tử và mạnh thường quân đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, tặng quà hộ nghèo, trẻ tàn tật, mồ côi…với số tiền hơn 03 tỷ đồng. Nhận thấy xã Đông Hải là xã đảo cách trung tâm hành chính huyện 33km, người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, học sinh đến trường rất vất vả. Bản thân đã vận động mạnh thường quân trong và ngoài huyện đóng góp xây dựng 08 cầu giao thông nông thôn ở các ấp Cồn Cù, Hồ Thùng, Hồ Tàu, với kinh phí 850 triệu đồng.
Đại đức Thích Như Hoàn luôn xác định “Nỗi đau của người là nỗi đau của tôi, niềm vui của người là niềm vui của tôi”, cùng với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, cùng tinh thần “Từ bi cứu khổ”, thời gian tới, Đại đức sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm, người dân chung tay quyên góp ủng hộ để giúp đỡ nhiều hơn nữa. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực tuyên truyền các giá trị, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về nhân đạo trong Phật tử để thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhân đạo, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Ông Kim Rương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy: Làm thế nào phân biệt được mô hình học tập, làm theo Bác với mô hình “Dân vận khéo”
Ông Kim Rương. |
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện các mô hình ở 04 lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Hiện nay, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã đi sâu vào cuộc sống, hòa nhập với các phong trào thi đua khác, trở thành động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Qua 12 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn tỉnh có trên 11.000 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó, có nhiều mô hình điển hình “Dân vận khéo” đã vận dụng tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Ban Dân vận Tỉnh ủy phát hiện một số vấn đề vướng mắc, như: làm thế nào phân biệt được mô hình học tập, làm theo Bác với mô hình “Dân vận khéo”? Nhiều nơi, nhiều ngành có sự nhầm lẫn hoặc gán ghép mô hình “Dân vận khéo” với mô hình học và làm theo Bác; thực hiện lồng ghép, gắn kết việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với xây dựng mô hình “Dân vận khéo” như thế nào?
Để giải quyết vấn đề, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tập trung vào 04 lĩnh vực gắn với 04 việc cần đẩy mạnh. Trong đó, đầu tiên là đẩy mạnh xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giới thiệu, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” biết vận dụng tốt tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh vào thực tế công tác và sinh hoạt. Tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế; tập huấn phương pháp, cách thức xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, giúp các ngành, các cấp, địa phương tiếp cận phương pháp, cách thức xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với mô hình học tập và làm theo Bác. Từng bước định hướng, định hình xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong vận dụng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng rõ nét, dễ hiểu, dễ làm.
Việc thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” phổ biến hiện nay là phương thức thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Nổi bật như các mô hình “Dân vận khéo” trong cải cách hành chính làm tăng sự hài lòng trong Nhân dân là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, XDNTM, đô thị văn minh là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện 03 nội dung cơ bản của công tác dân vận là dân sinh, dân trí, dân chủ.
Thiếu tá Lê Văn Sơn, Y sĩ, Đồn Biên phòng Long Vĩnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh: “Tận tâm, tận tụy, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo nơi biên giới”
Thiếu tá Lê Văn Sơn. |
Trên cương vị là 01 quân nhân vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới vừa trực tiếp làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và người dân trên địa bàn. Bản thân không ngừng ra sức học tập, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhất là nghề nghiệp y đức ngành y, quán triệt đầy đủ các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, điều lệnh quân đội. Đặc biệt là quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 05 và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”.
Theo thiếu tá Lê Văn Sơn, với chức trách là y sĩ, Trưởng trạm y tế kết hợp quân - dân y của đơn vị, 05 năm qua, bản thân cùng tập thể anh em trạm y tế kết hợp quân - dân y tiếp nhận khám, điều trị cho hơn 84.000 lượt người; cấp cứu trên 3.000 lượt bệnh nhân, chuyển tuyến trên 480 ca bệnh nặng; tham gia cấp, phát thuốc miễn phí cho gần 2.000 lượt người dân, sư sãi trên địa bàn huyện Duyên Hải, với kinh phí trên 150 triệu đồng. Đặc biệt, đối với những ca bệnh nặng không có điều kiện đến bệnh xá, bản thân không ngại khó đến tận nhà cấp cứu, điều trị trên 3.400 lượt người. Cụ thể, bà Trần Thị Mùi, 82 tuổi, bệnh viêm khớp, hở van tim; bà Nhan Thị Lùng, 78 tuổi, bệnh viêm phế quản, viêm khớp, cùng ngụ ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, thiếu tá Lê Văn Sơn thường xuyên đến tận nhà khám, điều trị bệnh.
Trong quá trình điều trị, bản thân nghiên cứu sách vở, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, áp dụng thành công nhiều bài thuốc điều trị khỏi các ca bệnh mãn tính cho ông Thạch Lâm ở Sóc Trăng; ông Ngô Văn Sang, bà Hà Thị Hoa, ngụ cùng ấp Cái Cỏ, xã Long Vĩnh. Từ đó, tạo được lòng tin cho Nhân dân trên địa bàn và các xã lân cận, số lượt người đến khám và điều trị ngày càng nhiều.
Bên cạnh thực hiện công tác chuyên môn, thiếu tá Lê Văn Sơn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Long Vĩnh qua việc khám, chữa bệnh lồng ghép tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu và nắm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, XDNTM, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tham gia cùng ngành y tế thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để dịch bệnh xảy ra trong đơn vị và khu vực biên giới biển.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.