13/04/2022 08:15
Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp xã Long Hiệp.
Từ xã Long Hiệp, chạy xe về các ấp Trà Sất A, Trà Sất B, Nô Rè, Giồng Chanh A, Giồng Chanh B, một vùng quê thanh bình đang vươn mình phát triển, đó là đồng ruộng, vườn rau xanh mướt; những chiếc cầu ván, cầu tre được thay bằng cầu bê-tông chắc chắn, những ngôi nhà lá cũ được thay bằng nhà mới khang trang theo phong cách hiện đại, tạo nên bức tranh quê khởi sắc.
Ông Thạch Som Nang, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hiệp, cho biết: trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Phần lớn nông dân sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống, chậm đổi mới, ít áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên thu nhập không cao. Trước thực trạng trên, UBND xã vận động Nhân dân đổi mới cách làm, áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vậy nuôi… đặc biệt thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với phong trào XDNTM đã mang lại chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, hộ khá, giàu tăng lên theo từng năm.
Khi đời sống kinh tế được cải thiện, người dân tích cực tham gia vào các công trình, phần việc xây dựng quê hương, làm cột cờ, hàng rào, làm giao thông nông thôn, xây cầu, sửa đường, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp trong phum sóc. Ông Kim Kha Giáp, ngụ ấp Nô Rè phấn khởi nói: tôi rất vui vì đường làng, ngõ xóm trong xã được xây dựng cơ bản, sạch đẹp, đồng bào Khmer đồng lòng, chung tay, góp sức xây dựng quê hương và có ý thức vươn lên thoát nghèo bằng sức lao động của mình.
Ông Thạch Khone, Trưởng Ban Nhân dấn ấp Trà Sất C cho biết: toàn ấp có 284 hộ dân, hộ dân tộc Khmer chiếm 82%. Học tập và làm theo Bác, Chi bộ, Ban Nhân dân ấp vận động hộ dân tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Năm 2021, ấp có 10 hộ thoát nghèo và được công nhận ấp NTM kiểu mẫu.
Được biết, với ấp có đông đồng bào Khmer, được hưởng lợi từ các chương trình XDNTM, đề án giảm nghèo, các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, theo đó, hộ dân được hỗ trợ vốn, vật nuôi phát triển kinh tế, vay vốn xây dựng nhà ở kiên cố, kéo nước sạch, kéo điện sinh hoạt. Đặc biệt, là thực hiện Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 04), đến nay, ấp Trà Sất C có 28 hộ được hỗ trợ kinh phí, vay vốn cất nhà kiên cố, trong đó có 10 hộ được vay vốn theo Nghị quyết số 04; 22 hộ được hỗ trợ vốn, con giống nuôi bò sinh sản.
Hộ bà Thạch Thị Sung (ấp Trà Sất C) thuộc diện hộ nghèo, hàng ngày bà đi bán rau ngoài chợ Long Hiệp, vì nhà ở đã bị xuống cấp, nên được sự hỗ trợ của địa phương, bà vay 30 triệu đồng để sửa lại nhà và chăn nuôi, cùng với số tiền dành dụm từ bán bò, bà xây được căn nhà cấp 4 với kinh phí gần 100 triệu đồng. Năm 2021, gia đình bà Thạch Thị Sung thoát khỏi diện hộ nghèo.
Bà Thạch Thị Đen (ấp Trà Sất C) cũng vừa cất xong căn nhà mới kiên cố từ số tiền tiết kiệm được, bà chia sẻ: nhà nghèo, ra riêng tôi được mẹ cho 01 công đất trồng lúa nhưng trồng lúa thất mùa, thất giá. Năm 2016, tôi được Xã Đoàn hỗ trợ vay vốn ngân hàng được 08 triệu đồng, tôi góp thêm tiền mua con bò 12 triệu đồng về nuôi sinh sản. Khi bò sinh ra con bê, sau hơn 02 năm nuôi, tôi bán được gần 30 triệu đồng. Tôi trả nợ ngân hàng và tiếp tục vay thêm được 38 triệu đồng để phát triển kinh tế.
Hàng ngày, tôi ở nhà nuôi bò và đưa rước con đi học. Chồng tôi đi làm phụ hồ ở Thành phố Hồ Chí Minh, 01-02 tháng mới về nhà 01 lần. Tất cả nhờ đồng lòng, tin tưởng, cố gắng làm ăn để thoát nghèo bền vững và nuôi con ăn học. Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chồng tôi không đi làm được, ở nhà mua vật tư, tự xây dựng nhà, cùng với số tiền có được và vay mượn thêm, căn nhà được xây dựng mới với gần 150 triệu đồng. Năm 2021, tôi được xét vươn lên cận nghèo. Hiện nay, vợ chồng tôi phấn đấu để sớm thoát khỏi diện hộ cận nghèo.
Cùng với việc chăm lo ổn định đời sống kinh tế cho Nhân dân, xã luôn quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, pháp luật, chính sách đối với đồng bào Khmer. Các ngành, đoàn thể xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, XDNTM. Xã Long Hiệp được công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2020, 07/07 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa NTM, trong đó ấp Trà Sất C đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu. Hiện toàn xã có 1.697/1.731 hộ đăng ký xây dựng và đạt chuẩn gia đình văn hóa, NTM.
Năm học 2021 - 2022, tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng tỷ lệ huy động trẻ vào mẫu giáo, lớp 01 đạt 100%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 05%... UBND xã phối hợp với UBMTTQ Việt Nam xã nâng cao chất lượng hoạt động của người có uy tín ở địa phương, tổ chức thăm, tặng quà các chùa và người có uy tín nhân dịp lễ, tết cổ truyền với kinh phí trên 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống cũng thay đổi nhờ phương tiện nghe, nhìn được đầy đủ, từ đó người dân mở mang kiến thức và tiếp cận tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả, để nâng cao nguồn thu nhập. Tính đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân của người dân đạt trên 53,9 triệu đồng/năm.
Ông Thạch Sa Phone, người có uy tín ở ấp Giồng Tranh A nói: nhiều năm qua, việc học và làm theo Bác, XDNTM gắn với các chính sách đối với đồng bào Khmer trên địa bàn xã được triển khai thực hiện tốt. Tôi thấy rất phấn khởi. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, cán bộ là dân tộc Khmer được đào tạo, bổ nhiệm, bố trí công tác ở xã, huyện ngày càng nhiều.
Có thể nói, giờ đây cuộc sống của đồng bào Khmer ở Long Hiệp ngày càng phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng tiến bộ. Kết quả đó đã tạo thêm nguồn lực mới cho sự phát triển, là nền tảng vững chắc cho xã vững bước trên con đường phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào Khmer với thành thị, đưa đời sống của người dân ngày càng nâng cao.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.